Những nỗi lo không đáng bận tâm khi mang thai

Ngày 31/10/2014 08:00 AM (GMT+7)

Hãy cố gắng tạo tâm lý thoải mái và đừng bận tâm đến những nỗi lo như sảy thai, tăng cân, kỹ năng sinh nở... trong thai kỳ.

Ảnh hưởng của hooc-môn khi mang thai, áp lực tâm lí, những lời đồn đại giữa các chị em phụ nữ khiến nhiều mẹ bầu phải đối mặt với trăm nghìn nỗi sợ hãi, lo lắng không đáng có. Dưới đây là top nỗi sợ “vẩn vơ” hay gặp khi “bầu bí” và lời giải thích vì sao bạn không nên bị ám ảnh bởi chúng.

1. Sảy thai

Nỗi sợ hàng đầu của mọi bà mẹ mang thai là sợ bị mất con. Chỉ có dưới 20% các trường hợp mang thai không may mắn dẫn đến sảy thai, hơn nữa hầy hết các ca sảy thai chỉ xảy ra trong những tuần đầu tiên của thai kì, khi mà những bà mẹ có khi còn chưa kịp nhận ra là mình đang mang thai. Khi bạn đã trải qua mốc 6-8 tuần đầu tiên, bạn có thể nghe được nhịp tim thai khi đi khám thai và lúc này, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm, quẳng nỗi sợ sảy thai sang một bên vì tỉ lệ sảy thai sau quý đầu tiên của thai kì giảm xuống cực kì thấp.

2. Tăng cân

Nhiều phụ nữ lo lắng về số cân nặng mà họ sẽ tăng khi có bầu. Sau sinh, làm thế nào để giảm hết số kg do họ đã nhồi nhét, ăn đủ thứ để chăm chút cho em bé trong bụng đây? Yên tâm là một chế độ ăn uống tập luyện điều độ, hợp lí sau sinh sẽ giúp bạn loại bỏ được số cân thừa. Ngoài ra, ngay còn khi đang mang thai, các mẹ đừng đổ lỗi cho “bầu bí” nặng nề mà quên tham gia lớp học yoga hoặc tập luyện thường xuyên, không chỉ giúp “vượt cạn” dễ dàng, khỏe cả mẹ lẫn con mà nhanh lấy lại dáng sau sinh.

Những nỗi lo không đáng bận tâm khi mang thai - 1
Các mẹ đừng đổ lỗi cho “bầu bí” nặng nề mà quên tham gia lớp học yoga hoặc tập luyện thường xuyên. (Ảnh minh họa)

3. Sức khỏe của em bé

Đa phần chị em bầu bí tốn khá nhiều thời gian với những ý nghĩ tiêu cực về sức khỏe em bé trong bụng. Muốn con chào đời khỏe mạnh thì mẹ cần có một thai kì khỏe mạng. Hãy uống đầy đủ vitamin và khoáng chất bổ sung cần thiết, theo đuổi thực đơn khoa học, lành mạnh, tập luyện thường xuyên và làm những điều bạn vui giúp tinh thần luôn phấn chấn, hạnh phúc là những việc quan trọng  nhất để đảm bảo sức khỏe cho em bé. Tuy nhiên, nên nhớ rằng gen di truyền ảnh hưởng rất nhiều đến các bệnh cho bé mới sinh, đây là những rủi ro khó tránh khỏi có thể xảy ra .

4. Mổ đẻ

Thông thường, không phải tự nhiên mà các bà mẹ chọn mổ đẻ. Trong hầu hết các trường hợp, mổ đẻ dành cho những em bé quá lớn, có trục trặc với nhau thai hoặc bà mẹ đã từng mổ đẻ một lần. Nếu có vấn đề liên quan đến việc cần đẻ mổ, các bác sĩ sẽ sớm phát hiện ra trước khi em bé được đưa đến vị trí tử cung và chui ra ngoài, họ sẽ thảo luận các biện pháp thật kĩ rồi mới quyết định có đẻ mổ hay không.

5. Kĩ năng nuôi con

Sợ không đủ kĩ năng, kinh nghiệm để nuôi nấng con cũng là nỗi lo thường trực của nhiều ông bố bà mẹ tương lai. Thực ra những kĩ năng làm cha mẹ của bạn sẽ chỉ được hoàn thiện dần sau khi em bé ra đời nên không cần lo lắng thái quá.

6. Khả năng chịu đau và “vượt cạn”

Còn nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ đau “banh da xẻ thịt” lúc lâm bồn? Nhưng chỉ cần nhớ rằng hàng triệu, hàng vạn phụ nữ trên thế giới này làm được thì bạn cũng sẽ làm được thôi. Tốt nhất là mẹ bầu nên tham gia các lớp học tiền sản để được học về kĩ thuật thở cũng như những tư thế đúng khi sinh nở để có một kì “khai hoa nở nhụy” êm thấm và ít đau đớn.

Những nỗi lo không đáng bận tâm khi mang thai - 2
Những bộ phận trên cơ thể sau sinh bị co giãn rộng ra nhưng từ từ chúng sẽ lành lại và bạn cần có thời gian để chuyện chăn gối sau sinh lại “mặn nồng” như cũ. (Ảnh minh họa)

7. "Chuyện chăn gối" vợ chồng

Nhiều chị em sợ rằng “yêu” khi mang thai làm ảnh hưởng em bé và chuyện “yêu” không còn được lãng mạn như trước. Sự thực là chỉ cần bạn đã đi khám bác sĩ và được bác sĩ cho phép vì không mắc phải vấn đề gì nghiêm trọng như chảu máu, dọa sảy thai,.. thì quan hệ là chuyện hoàn toàn bình thường. Những bộ phận trên cơ thể sau sinh bị co giãn rộng ra nhưng từ từ chúng sẽ lành lại và bạn cần có thời gian để chuyện chăn gối sau sinh lại “mặn nồng” như cũ.

Hường Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác