Tuần 12: Khó khăn chồng chất khó khăn…

Ngày 22/01/2013 10:30 AM (GMT+7)

Bố mẹ hạnh phúc biết bao nhiêu khi biết mình sắp có một cô công chúa xinh đẹp.

Con yêu! Theo đúng định kỳ tuần này, khi con được 11 tuần 6 ngày, bố mẹ quyết định đi siêu âm. Bởi đây là lần đầu tiên siêu âm 4D và bố mẹ cũng được nhìn thấy con toàn diện nhất. Mẹ cũng biết siêu âm tuần 12 còn là mốc quan trọng biết độ mờ da gáy (điểm sáng dọc xương sống của con), độ mờ da gáy càng nhỏ càng tốt, nếu vượt qua mức quy định có thể liên đến dị tật thai nhi. Vì thế khi bước vào phòng siêu âm mẹ hồi hộp chỉ cầu trời mọi thứ đều ổn…

Tuần 12: Khó khăn chồng chất khó khăn… - 1

Mẹ theo dõi từng cử chỉ của bác sĩ và cầu mong con của mẹ mạnh khỏe. (Hình minh họa)

Bước vào phòng siêu âm, mẹ đã không còn bỡ ngỡ như lần trước nữa. Mẹ đăm chiêu nhìn theo từng động tác của bác sĩ, những cái miết của bác sĩ khiến mẹ hồi hộp. Lắng nghe các chỉ số được đọc lên càng làm mẹ bắt đầu sốt ruột, không biết rằng với chỉ số này con của mẹ thế nào. Dường như không đợi thêm được nữa, mẹ lấy hết can đảm để hỏi bác sĩ:

- Bác sĩ ạ, bé nhà em bình thường chứ ạ?

Bác sĩ tay vẫn miết lên bụng mẹ, trả lời rất nhanh:

- Thai nhi bình thường em nhé!

Mẹ thở phào nhẹ nhõm, tiếp tục dõi theo từng động tác của bác sĩ. Đang đo các chỉ số, bác sĩ nhìn và bảo: “Bé giống mẹ rồi nhé”. Nghe xong, bố mẹ nhìn nhau cười, thế là gia đình ta đã có cô công chúa. Với bố mẹ con là trai hay gái đều là niềm hạnh phúc vô bờ bến…

Sau đó, ông tiếp tục dặn dò:

- Thai nhi bình thường. Nhưng em đang bị rau thai bám thấp, cần hế sức cẩn thận. Em nên đi lại nhẹ nhàng, vận động ít và chú ý trong quan hệ vợ chồng, phải hết sức nhẹ nhàng. Nếu chảy máu phải đến bệnh viện ngay”

Tai mẹ như ù đi, chẳng nghĩ được gì hơn, mẹ cảm ơn bác sĩ và ra về. Đến khi đi đường mẹ đã tự trách mình rất nhiều. Sao mẹ lại không hỏi kỹ bác sĩ về hiện tượng này, nó nguy hiểm như thế nào với con? Không để những mối lo trong đầu mẹ tồn tại lâu, về đến nhà mẹ mở máy tính ra tìm hiểu ngay. Mắt mẹ nhòe đi, với bao nhiêu thông tin về hiện tượng này và quả thực đây là mối hiểm họa của phụ nữ mang bầu, nó nguy hiểm cho cả mẹ và bé, mối nguy cơ chảy máu nhiều và khả năng phải đẻ mổ vì nhau thai chèn mất lối ra của mẹ. Mẹ đọc và cũng thấy có rất nhiều người gặp trường hợp như mẹ. Mẹ bắt đầu lo sợ…

Ngay hôm sau, bố có nhiệm vụ chở hai mẹ con đi làm. Mẹ đi lại nhẹ nhàng, đến công ty mẹ hạn chế tối đa việc đi lại, vận động. Mỗi lần cần mua gì mẹ nhờ các em trong phòng và trong những ngày này mẹ cảm nhận được tình cảm của các em đồng nghiệp dành cho mẹ: Em thì đi mua đồ ăn vặt cho mẹ, em thì lấy nước cho mẹ,…tất cả đã khiến mẹ thực sự cảm động..

Vài hôm sau đó, mẹ bảo bố về địa chỉ khám thai uy tín ở dốc Phụ Sản. Để cho chắc ăn, mẹ rủ bố tới khám lại xem kết quả như thế nào.

Bố đồng ý, buổi trưa hôm sau, bố đón mẹ ở công ty, hai bố mẹ đến dốc Phụ Sản. Đúng là ở đây nổi tiếng có khác, mọi người xếp hàng dài dằng dặc để chờ đến lượt. Mẹ chờ mất 2 tiếng mới được gọi số. Cô y tá viết phiếu cho mẹ: Siêu âm, khám thai, xét nghiệm nước tiểu. Mẹ lần lượt làm từng việc một: Đầu tiên, mẹ đi siêu âm. Kết quả, không khác gì: “Mẹ bị rau thai bám thấp”. Nhưng bác sĩ cũng động viên mẹ: "Những tuần đầu thai kỳ, việc rau thai bám thấp không quá lo lắng, sau 25 tuần nếu rau thai còn bám thấp mới đáng lo ngại, đến tuần 18 khi đó thai nhi lớn lên có thể sẽ kéo rau thai lên. Em yên tâm, giữ gìn sức khỏe, vận động nhẹ, chú ý đến quan hệ vợ chồng..."

Tiếp theo, mẹ đi khám thai, tất cả mọi thứ đều ổn. Đến phần xét nghiệm nước tiểu, bố mẹ lại được một phen choáng váng: Đạm trong nước tiểu của mẹ quá cao. Mẹ nghe cô y tá giải thích mà lo lắng đến phát cuồng: "Đạm trong nước tiểu cao biến chứng bị ngộ độc thai nghén, dẫn đến hiện tượng tiền sản giật,…ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con…" Mẹ nghe câu được câu chăng, tim mẹ đập mạnh và nhanh.

Cô y tá còn dặn dò thêm: "Chị về nhà ăn thật nhạt, uống nhiều nước, uống thêm nước râu ngô cho mát. Sau một tuần chị đến xét nghiệm lại nước tiểu. Nếu đạm trong nước tiểu không giảm sẽ phải điều trị  bằng kháng sinh. Chị nên nhớ, đây là hiện tượng rất nguy hiểm".

Thế là trong 1 tuần, bố mẹ nhận được 2 tin dữ của con: Rau thai bám thấp, nồng độ đạm trong nước tiểu cao. Mẹ buồn và lo lắng, lúc đó mẹ nghĩ: Sao con của mẹ khổ vậy, mới có 12 tuần mà đã chịu hết khó khăn này đến khó khác, ông Trời muốn thử thách bố mẹ…Mẹ chỉ biết cầu xin ông trời phù hộ cho mẹ con mình… Nước mắt mẹ lại rơi…lại bắt đầu lo lắng cho con gái bé bỏng của mẹ…

Một phần lo lắng cho con, một phần mẹ cũng chẳng còn hứng thú với “chuyện ấy” nên dù được bác sĩ khuyến cáo chỉ cần nhẹ nhàng, chứ không cần “cấm vận tuyệt đối” nhưng mẹ vẫn thực hiện chính sách: Tất cả vì con gái yêu. Bố con dường như cũng hiểu được nỗi lòng của mẹ và bố cũng như mẹ lo lắng cho con nên cũng cố gắng “nhịn”. Nhiều khi nhìn bố, mẹ cũng thương lắm, rồi mẹ lại động viên bố: “Vì con gái thương yêu, chồng ạ!”. Bố mỉm cười nhìn mẹ: “Ừ, anh cũng nghĩ vậy mà”. Nghe bố nói thế thôi, chứ mẹ biết bố cũng rất khổ sở vì bị cấm vận vô thời hạn.

Tuần 12: Khó khăn chồng chất khó khăn… - 2
Vì con yêu bố mẹ kiêng khem gần như tuyệt đối "chuyện ấy". (Hình minh họa)

Bắt đầu từ hôm siêu âm, mẹ đã ăn nhạt gần như tuyệt đối. Bố đi về tận quê mua râu ngô cho mẹ, bố mua hẳn túi to về phơi khô. Mỗi sáng, bố rửa sạch râu ngô, đun sôi cho mẹ uống sau khi ăn sáng và rót vào chiếc phích nhỏ để mang đi làm. Bố mẹ mong sau 1 tuần ăn nhạt và uống râu ngô, nước tiểu của mẹ trở lại bình thường…

Con gái yêu! Ông Trời như thử thách bố mẹ. Khi cho bố mẹ vừa hạnh phúc vì biết rằng mình sắp có nàng công chúa thì lại gặp khó khăn của thai kỳ, với nỗi lo lắng ảnh hưởng tới con gái. Con ơi, cả nhà mình cùng chiến đấu vượt qua khó khăn nhé. Bố mẹ yêu con gái nhiều!!!!

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thai nhi 12 tuần