Bà bầu bị chóng mặt, hãy cẩn thận!

Ngày 05/02/2017 09:00 AM (GMT+7)

Nếu các mẹ nghĩ rằng chóng mặt chỉ vì huyết áp thấp và không cần lo lắng thì mẹ đang chủ quan đấy. Tốt nhất mẹ nên đọc ngay những thông tin dưới đây để hiểu cặn kẽ về hiện tượng “khó chịu” này nhé!

 Chóng mặt và dao động huyết áp khi mang thai

Chóng mặt, choáng váng là hiện tượng mà hầu như mẹ nào cũng gặp khi mang bầu, chủ yếu xảy ra trong ba tháng đầu. Ở thời kỳ này, hệ thống tim mạch của mẹ có nhiều thay đổi đáng kể, mạch máu mở rộng hơn để đưa máu và chất dinh dưỡng đến thai nhi, nhịp tim tăng lên, tốc độ bơm máu nhanh hơn, lượng máu trong cơ thể mẹ gần như tăng gấp đôi để đáp ứng các nhu cầu của mẹ và em bé. Những điều này làm cho máu trở về tĩnh mạch chậm hơn, khiến huyết áp giảm đi trong thai kỳ.

Hệ thống tim mạch và thần kinh của mẹ có thể điều chỉnh để phù hợp với tất cả những thay đổi trên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nhiều khi không kịp thời, làm cho mẹ có cảm giác choáng váng hay chóng mặt.

Bà bầu bị chóng mặt, hãy cẩn thận! - 1

Chóng mặt, choáng váng là hiện tượng mà hầu như mẹ nào cũng gặp khi mang bầu nhưng mẹ đừng coi thường nhé! (ảnh minh họa)

Huyết áp của mẹ sẽ giảm dần trong thời gian đầu “bụng mang dạ chửa”, giảm đến mức thấp nhất ở khoảng giữa thai kỳ và sẽ bắt đầu tăng rồi trở về bình thường vào cuối thai kỳ. Tuy chóng mặt là một hiện tượng bình thường, nhưng nếu nó xảy ra liên tục, thậm chí mẹ bị ngất đi, thì rất có thể đó là dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng mà mẹ nên đi khám bác sĩ ngay.

Mẹ làm gì để khắc phục hiện tượng chóng mặt?

Mẹ có thể tham khảo những cách này để khắc phục chứng chóng mặt khi mang thai:

- Nằm hoặc ngồi xuống ngay: Tốt nhất mẹ nên nằm xuống ngay khi cảm thấy choáng váng, chóng mặt để không bị ngã, nếu không, mẹ có thể ngồi xuống từ từ và dừng mọi việc đang làm lại để đảm bảo an toàn.

- Tránh đứng quá lâu hoặc đứng lên đột ngột: Khi mẹ đứng quá lâu hoặc đang ngồi mà đứng lên quá nhanh, cơ thể sẽ không kịp điều chỉnh lượng máu đang dồn lại ở dưới và mẹ có thể sẽ bị hoa mắt, chóng mặt.

- Đừng nằm ngửa: Tử cung của mẹ lớn dần, nhất là ba tháng giữa và cuối chu kì sẽ tạo áp lực lên các cơ quan chính như tim, phổi, thận, khiến máu lưu thông chậm hơn. Nếu mẹ nằm ngửa khi ngủ, vấn đề này sẽ càng trầm trọng, huyết áp giảm, nhịp tim tăng, mẹ sẽ bị hoa mắt chóng mặt. Mẹ hãy nằm nghiêng hai bên, tốt nhất là nghiêng bên trái với một chiếc gối kê dưới hông nhé!

Bà bầu bị chóng mặt, hãy cẩn thận! - 2

Để tránh bị chóng mặt, tốt nhất mẹ hãy nằm nghiêng bên trái với một chiếc gối kê dưới hông nhé! (ảnh minh họa)

- Uống đủ nước, ăn đủ chất: Thiếu nước và khoảng cách dài giữa các bữa ăn cũng là một lý do dẫn đến chứng chóng mặt ở mẹ bầu. Mẹ hãy uống đủ 8-10 ly nước mỗi ngày và ăn nhiều bữa nhỏ đều đặn, đủ chất để đẩy lùi chứng chóng mặt khi mang bầu.

- Bổ sung sắt, tránh thiếu máu: Thiếu máu cũng là một nguyên nhân tất yếu khiến đầu óc mẹ nhiều khi “quay quay” bởi lượng oxy đến não và các cơ quan khác giảm. Để khắc phục điều này, mẹ nên đảm bảo chế độ ăn uống giàu sắt và sử dụng các loại vitamin bổ sung chất sắt phù hợp.

- Mẹ đừng cố quá sức, căng thẳng hoặc mặc đồ chật: Tập luyện quá mức hoặc căng thẳng có thể khiến mẹ chóng mặt. Mặc quần áo quá chật hay ở trong phòng quá nóng cũng vậy. Mẹ hãy tập luyện từ từ, mặc quần áo rộng rãi thoải mái và tránh những nơi đông đúc ngột ngạt mẹ nhé! 

Nếu các biện pháp đơn giản trên không hiệu quả và mẹ vẫn tiếp tục thấy choáng váng, chóng mặt kéo dài, thậm chí có kèm theo nhiều triệu chứng khác nữa, thì mẹ hãy gọi ngay cho bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời mẹ nhé!

Cẩm Nhung (Theo Thehealthsite)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác khi mang thai