Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương tư vấn những điều mẹ bầu cần biết khi làm hồ sơ sinh

Ngày 16/11/2017 13:09 PM (GMT+7)

Làm hồ sơ sinh từ khi nào và bao gồm những gì là thắc mắc chung của nhiều mẹ mang thai lần đầu.

Với kinh nghiệm hơn 6 năm trong ngành sản phụ khoa, bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết anh thấy rất đáng tiếc khi nhiều chị em phụ nữ mang thai đã sát đến ngày đi sinh mà vẫn chưa biết cần những loại hồ sơ gì. "Có lần đang ngồi xem hồ sơ bệnh nhân thì có một bạn gọi điện hỏi tôi với giọng rất hốt hoảng: “Bác sĩ Quang cho em hỏi là trước khi sinh thì mình phải làm hồ sơ như thế nào? Em sắp sinh rồi mà không biết phải làm gì cả”.

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương tư vấn những điều mẹ bầu cần biết khi làm hồ sơ sinh - 1

Bác sĩ Trần Vũ Quang trao đổi với bệnh nhân. 

Chính vì vậy, để giúp các thai phụ hiểu rõ về vấn đề cần chuẩn bị hồ sơ sinh như thế nào?, bác sĩ Quang đã có những hướng dẫn cụ thể và lưu ý rõ ràng về vấn đề này gửi đến các mẹ bầu. 

1. Tại sao nên làm hồ sơ sinh trước khi chuyển dạ?

Thứ nhất: Nhiều mẹ bầu chủ quan cho rằng, khi nhập viện sinh con thì mình có thể vào bất cứ bệnh viện nào để cấp cứu chuyển dạ, do vậy không cần thiết làm hồ sơ trước sinh. Nhưng trên thực tế, nếu bạn chưa từng thăm khám thai, chưa có hồ sơ sinh dù bạn sinh cấp cứu vẫn có khả năng bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân và chuyển viện do không có thông tin theo dõi thai kỳ của sản phụ để đảm bảo an toàn cho ca sinh.

Thứ hai: Nếu ca sinh của bạn chưa đến mức nguy cấp, khi chuyển dạ vào viện, bạn vẫn phải tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Lúc này bạn vừa đau chuyển dạ, vừa mệt mỏi mà vẫn phải tự mình đến các phòng chức năng để thăm khám theo đúng thủ tục. Vậy tại sao không bỏ chút thời gian làm hồ sơ sinh từ sớm để giảm bớt sự phiền phức cho chính mình?

Thứ ba: Việc thực hiện các xét nghiệm thai kỳ trước dự kiến sinh khoảng 1 tháng sẽ giúp mẹ bầu cũng như bác sĩ chuyên khoa nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé để có sự chuẩn bị tốt nhất trong ca sinh nở. Ví dụ: thai nhi nhẹ cân hơn bình thường thì mẹ cần tẩm bổ thêm ở những tuần cuối mang thai, mẹ có liên cầu khuẩn nhóm B có thể xin mổ chủ động hoặc cơ sở y tế sẵn sàng thuốc kháng sinh để tiêm truyền trong lúc sinh… Như vậy, làm hồ sơ sinh có rất nhiều ưu điểm và tôi khuyến khích các mẹ thực hiện.

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương tư vấn những điều mẹ bầu cần biết khi làm hồ sơ sinh - 2

Ở một số bệnh viện, mẹ bầu có thể bắt đầu đi làm hồ sơ sinh từ tuần thứ 32. (Ảnh minh họa)

2. Ở tuần thai thứ bao nhiêu nên đi làm hồ sơ sinh?

Thai bao nhiêu tuần nên đi làm hồ sơ sinh còn tùy thuộc vào chính sách, quy định của mỗi bệnh viện. Có bệnh viện 28 – 32 tuần thai phụ đã có thể đi làm hồ sơ sinh nhưng có bệnh viện quy định 36 - 38 tuần mới nhận đăng ký sinh. Nếu đi làm hồ sơ sinh từ 28 tuần, bạn có thể chỉ phải làm 1 số xét nghiệm nhất định và 1 số xét nghiệm sẽ thực hiện khi thai 32 - 36 tuần, vì nếu làm quá sớm kết quả xét nghiệm sẽ không còn chính xác.

3. Hồ sơ sinh gồm những gì?

Những thủ tục như mua sổ khám bệnh, nộp phí khám thai theo hướng dẫn của nhân viên y tế bệnh viện thì quy trình thực hiện hồ sơ sinh của mỗi bệnh viện lại khác nhau, tuy nhiên đa số mẹ bầu sẽ phải làm 1 số xét nghiệm trước sinh bao gồm:

- Xét nghiệm và phân tích máu tổng thể: xác định nhóm máu, xét nghiệm huyết học đông máu, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu…

- Xét nghiệm vi sinh miễn dịch gồm: xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B…

- Xét nghiệm vi sinh vi khuẩn: cụ thể là phết âm đạo và trực tràng để tầm soát nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.

- Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu.

- Nghiệm pháp dung nạp glucose ở phụ nữ có thai: Thử đường huyết/test tiểu đường thai kỳ.

- Làm Non-stress test: Đếm cử động và nghe nhịp tim của thai nhi để đánh giá hiệu quả tình trạng sức khỏe của thai.

- Siêu âm thai.

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương tư vấn những điều mẹ bầu cần biết khi làm hồ sơ sinh - 3

Một số loại xét nghiệm mẹ cần làm khi đi làm hồ sơ sinh.

Nếu thai phụ nằm trong diện có thai kỳ nguy cơ cao thì có thể phải tiến hành thêm 1 số xét nghiệm khác như chọc ối, sàng lọc kháng thể…

Ngoài bộ xét nghiệm cơ bản ở trên, hồ sơ sinh còn bao gồm 1 số giấy tờ mang tính chất hành chính nhưng cũng vô cùng quan trọng như: Chứng minh nhân dân; Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện (nếu thai phụ sinh ở bệnh viện trái tuyến và xin được giấy chuyển viện); Sổ hộ khẩu.

Các giấy tờ này mục đích để làm giấy chứng sinh cho em bé và thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho thai phụ. Gia đình cần photo 2 bản các giấy tờ này để nộp cho bệnh viện khi được yêu cầu.

Như vậy, việc chủ động làm hồ sơ sinh trước sẽ giúp mẹ bầu tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo ca sinh diễn ra an toàn, nhanh chóng. 

Minh An (Ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Làm hồ sơ sinh, giấy khai sinh