Bầu bí ‘mi nhon’ như mẹ Việt ở Nhật

Ngày 15/05/2013 10:27 AM (GMT+7)

Hy vọng chế độ ăn của mình sẽ giúp chị em bầu không tăng cân quá nhiều!

Thời gian này, thấy nhiều mẹ bầu quan tâm đến vấn đề ăn uống để không nên cân quá nhanh. Mình cũng vừa trải qua một kỳ sinh nở nên đúc rút được chút kinh nghiệm chia sẻ với mọi người. Hiện tại em Cốm nhà mình đã được 3,5 tháng. May mắn là em tăng cân đều và rất ngoan nên mình mới có thời gian để gõ máy tâm sự với chị em.

Hồi mang bầu Cốm, vì lần đầu bầu bí lại ở nước ngoài nên mình bỡ ngỡ, lo lắng lắm. Vì chỉ đi làm đến tháng thứ 3 thai kỳ nên mình có nhiều thời gian ở nhà để tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm bầu bí. Đến giờ thì đã tích lũy được kha khá rồi.

Ở Nhật, các bác sĩ luôn khuyến khích chị em bầu không nên tăng cân quá nhiều và chính tâm lý của các mẹ bầu cũng thế. Chính vì vậy mình được bác sĩ hướng dẫn rất cụ tỉ về chế độ ăn cũng như tốc độ tăng cân khoa học nhất. Ngay từ lần khám thai đầu tiên, mình đã được bác sĩ đo chiều cao, cân nặng để đưa ra biểu đồ tăng cân hợp lý. Với mình, cao 1m60, nặng 48kg thì chỉ nên tăng 10-13kg. Còn với những người gầy hoặc béo hơn thì sẽ được tư vấn về mức tăng cân khác nhau. Hồi đó mình đã nghĩ sẽ phấn đấu chỉ tăng khoảng 10kg. Thế nhưng, đến lúc lên bàn đẻ thì cân nặng cũng đạt đến đầu 6 (60 kg tròn).

Bầu bí ‘mi nhon’ như mẹ Việt ở Nhật - 1
Ngay từ đầu thai kỳ, mình đã được khuyến cáo chỉ nên tăng từ 10-13kg. (ảnh minh họa)

Các mẹ đã từng có bầu hoặc đang bầu bí chắc sẽ hiểu để giữ được mức tăng cân 10-13kg không phải là dễ. Với mình, mình đã nhờ sự tư vấn tận tình của bác sĩ dinh dưỡng để có được chế độ ăn vừa đủ chất cho con mà mẹ lại không tăng cân quá nhiều. Theo bác sĩ trực tiếp khám thai cho mình khuyên thì 3 tháng đầu các mẹ bầu không cần quan tâm đến cân nặng, nghĩa là không cần tăng cân cũng được. Từ tháng thứ 4-6, mỗi tháng tăng 1-2kg và 3 tháng cuối, mỗi tháng tăng 2kg là tốt nhất. (trong trường hợp bạn tăng cân quá nhanh >2kg/tháng sẽ bị bác sĩ nhắc nhở và mình đã rơi vào hoàn cảnh này ở tháng thứ 7 thai kỳ).

Hồi mang thai tháng thứ 7,8 mình rất hay đói. Mà nếu ăn ít thì Cốm quậy không cho mẹ ngủ. Thế là mất hơn một tháng mình đã ăn “thả cửa” và kết quả là tháng thứ 7 thai kỳ mình tăng đến 3kg. Ngay sau đó mình đã bị bác sĩ mắng cho một trận. Theo bác sĩ thì nếu cứ ăn uống thoải mái và tăng cân theo đà này thì 2 tháng cuối mình sẽ tăng đến 4-5kg nữa. Mình đã phải liệt kê chế độ ăn uống thời gian đó của mình, rồi bác sĩ còn bắt mình tham dự 2 buổi học về chế độ ăn uống cho bà bầu. Ngoài ra, mình còn phải dành nhiều thời gian để tập thể thao (hồi đó mình tập yoga và đi bộ) vì bác sĩ sợ mình tăng cân nhiều sẽ khó đẻ.

Nghe bác sĩ nói về tác hại của việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ mà mình hoảng. Từ hôm đó, mình đã phải cố gắng nhịn miệng đấy. May mà đến tháng thứ 8, mình không tăng cân 'phi mã' nữa. Hồi đó, bác sĩ cũng lập cho mình một chế độ ăn uống để tránh tăng cân. Mình không áp dụng hoàn toàn theo chỉ dẫn đó mà ăn theo nhu cầu trên tinh thần vẫn phải kiềm chế một chút.

Bầu bí ‘mi nhon’ như mẹ Việt ở Nhật - 2
Tăng cân quá nhiều không hề tốt với cả mẹ bầu và thai nhi. (ảnh minh họa)

Dưới đây là thực đơn ăn trong ngày của mình, các mẹ có thể tham khảo nhé:

- Sáng (9-10h): 1 ly sữa tươi 200ml, 1 ổ bánh mì hoặc 1-2 cái bánh ngọt, hoa quả (vì không phải đi làm nên mình thường ngủ nướng và đến 10h mới dậy ăn sáng).

- Trưa (12-13h): 1 bát cơm kèm thịt hoặc cá và rau củ quả.

- Chiều: 1 ly sữa tươi 200ml và hoa quả

- Tối (19h): 1 bát cơm, kèm thịt hoặc cá và rau củ quả.

Mình luôn ăn uống để đáp ứng đủ tiêu chuẩn 1 ngày: phải ăn đủ 3 bữa chính kèm sữa tươi, trái cây, rau củ quả và không quên uống thuốc bổ sung (sắt, canxi, axit folic, vitamin theo chỉ dẫn bác sĩ). Cụ tỉ về các đồ ăn trong ngày của mình thế này:

- Tinh bột: Mình chủ yếu ăn cơm (2-3 bát/ngày), buổi sáng thì thường ăn bánh mì thôi. Các mẹ bầu nhờ đừng ưu tiên ăn quá nhiều tinh bột, chỉ béo mẹ.

- Thịt: Các mẹ muốn đủ sắt và con tăng cân đều thì nên ăn thịt bò nhé. Ngoài ra mình vẫn ăn thêm thịt lợn, thịt gà. Chị em cũng đừng bỏ qua hải sản như ngao, cua, ghẹ vì chúng rất giàu canxi. Mình cũng thường ăn thêm cá (loại cá nhỏ ăn được cả xương) rất tốt cho não thai nhi.

Bầu bí ‘mi nhon’ như mẹ Việt ở Nhật - 3
Thịt bò rất có lợi cho mẹ bầu. (ảnh minh họa)

- Rau: Khổ một nỗi ở bên Nhật hơi hiếm rau nên mình không ăn được đa dạng. Nếu ở Việt Nam thì các mẹ hãy ăn thật nhiều loại rau. Cứ mùa nào thức ấy mà xài nhé. Cũng đừng chỉ chú trọng rau màu xanh mà cần ăn thêm các loại củ quả màu đỏ , vàng, tím nhé.

- Hoa quả: Mình ăn nhiều hoa quả lắm, để bù phần rau. Mẹ bầu ăn nhiều hoa quả chứa chất xơ và vitamin C rất tốt cho hệ tiêu hóa, tránh nguy cơ bị táo bón, trĩ.

- Trứng: Mình thường được mẹ đẻ ở Việt Nam gửi trứng gà ta sang, mỗi khi có bạn ở bên này về. Trứng gà ta rất bổ cho bà bầu nhưng các mẹ cũng không nên ăn nhiều quá nhé. 1 tuần 3-4 quả là đủ.

Chị em cần lứu ý không nên uống nước ngọt và ăn nhiều bánh kẹo vì sẽ tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bà bầu bên Nhật cũng được khuyến cáo không nên ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên vì chúng chứa nhiều calo, chất béo và muối. Mình cũng được khuyên không nên ăn uống mặn để tránh phù nề những tháng cuối mang thai.

9 tháng bầu bí, mình tăng tất thảy 12kg, Cốm yêu chào đời nặng 3,5kg. Con hơi to (theo quan điểm của các bác sĩ bên này) nhưng rất may là mình đẻ thường được. Sau sinh 1 ngày mình đã được tắm gội và chỉ 3 ngày sau mình đã được các bác sĩ hướng dẫn tự tay tắm cho con. Cảm giác được nâng niu thiên thần bé nhỏ trên tay thật tuyệt vời phải không các mẹ?

Hy vọng những kinh nghiệm của mình sẽ có ích với các mẹ bầu. Chúc chị em có thai kỳ khỏe mạnh và sớm đón con yêu nhé!

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ