Bị nhau tiền đạo, mẹ 'nín thở' giữ con

Ngày 26/06/2014 10:00 AM (GMT+7)

Chia tay một sản phụ cùng phòng vừa sinh và chuẩn bị được về nhà, chị Nhung khóc nức nở vì không biết khi nào mới đến lượt mình.

Dù đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất do bị nhau tiền đạo trung tâm, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (32 tuổi, Yên Bái) vẫn phải nằm viện điều trị và theo dõi đến lúc sinh con. Hiện chị đang mang thai ở tuần thứ 28 và theo dự định, còn hơn 2 tháng nữa chị mới có thể về nhà. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, chị Nhung nhiều lần khóc nức nở khi tâm sự về quá trình mang thai của mình.

Nỗi lòng người mẹ

Mắt đỏ hoe, câu chuyện của người mẹ trẻ chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi những tiếc nấc. Chị bảo, lúc mới mang thai thấy mình rất khỏe mạnh. Vậy mà chẳng thể ngờ những tháng cuối lại phải gắn bó với chiếc giường bệnh thế này. Vất vả, khổ sở mấy chị cũng chịu được, nhưng chị chỉ thương và lo lắng cho sức khỏe của con. Hiện tại, chị Nhung vẫn phải truyền thuốc điều trị chống co tử cung. "Mình chỉ mong sao con bình an, khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi." - chị Nhung ngậm ngùi.

Chị kể thêm, lúc thai được 4 tháng, chị tự nhiên bị ra máu mà không biết vì sao. Đến bệnh viện khám bác sĩ vẫn chưa phát hiện ra nhau tiền đạo, nhưng tử cung chị lại xuất hiện các cơn co. Vì thế chị phải nhập viện luôn để điều trị.

Nói về thời gian mới nhập viện, chị Nhung cho biết: "Suốt những ngày đó, mình cứ khóc suốt vì lo sợ. Bình thường, mang thai một đứa con ai chẳng mong đợi những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng mình lại chẳng may mắc phải một số bệnh lý của thai kì, nên phải nằm điều trị thế này. Là một người mẹ, biết được đứa con trong bụng đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thực sự mình hoang mang cực độ. Lúc đó, mình cũng chỉ biết khóc vì lo lắng, vì thương con mà không sao kìm nén được. Cũng may được các bác sĩ động viên nhiều, cộng thêm với quá trình điều trị tiên lượng khá tốt, nên giờ mình đã phần nào yên tâm hơn. Dù vậy, chỉ đến lúc nào được bế con trên tay, mẹ tròn con vuông thì mới hoàn toàn yên tâm được ..."

Bị nhau tiền đạo, mẹ nín thở giữ con - 1
Chị Nhung đang điều trị ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Gian nan bệnh tật thai kì

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng khoa A4 bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Tình trạng bệnh nhân Nhung có những giai đoạn diễn biến khá nghiêm trọng. Bệnh nhân bị nhau tiền đạo trung tâm, ra huyết nhiều phải truyền thuốc điều trị. Hiện tại, tuy đã qua được giai đoạn nguy hiểm nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ đến tận lúc sinh. Ở đây, chúng tôi luôn động viên các thai phụ giữ tinh thần tốt, hợp tác điều trị với các bác sĩ. Đến thời điểm này, bệnh nhân có tiên lượng khá tốt..."

Chị Nhung cho biết, em bé trong bụng chị đã trải qua tuần thứ 28, thai khỏe và phát triển tốt. Nói về những ngày nằm viện, chị không khỏi xúc động vì sự tận tâm của các bác sĩ trong khoa: "Lúc trước, biết mình phải nằm điều trị trong thời gian dài mình không khỏi ái ngại. Nhưng sau đó tâm lý mình thực sự được giải tỏa rất nhiều, do các y bác sĩ đều rất quan tâm đến bệnh nhân, điều trị và chăm sóc chu đáo. Mình và các bệnh nhân khác nhận còn được rất nhiều sự động viên, hỏi han của bác sĩ trưởng khoa - một người vừa có tầm lại có tâm với bệnh nhân, nên rất yên tâm điều trị". Chị Nhung cũng kể thêm, với những bệnh nhân phải điều trị dài ngày như chị, bệnh viện quen thuộc như nhà mình vậy, và các mẹ bầu khác cùng phòng cũng trở nên thân thiết hơn. Nhờ đó mà chị tìm được nhiều sự chia sẻ rất lớn, giúp chị vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của thai kì.

Bị nhau tiền đạo, mẹ nín thở giữ con - 2
Bức hình siêu âm con gái mà chị Nhung nâng niu như... báu vật.

"Mình và các mẹ nằm ở đây đều không ai mong muốn xảy ra tình trạng này. Một thai kì khỏe mạnh là điều tất cả thai phụ đều mong đợi. Thế nhưng chẳng may mình mắc phải bệnh lý nên đành chấp nhận và cố gắng điều trị, mong sao con được an toàn. Nghĩ cho cùng, mình cũng còn may mắn hơn rất nhiều mẹ khác khi không thể có con. Mình luôn động viên bản thân như thế để cố gắng "chiến đấu" tiếp, dù có thế nào cũng phải gắng hết sức để bảo vệ con yêu." - chị Nhung nói thêm.

Đang chăm sóc cho con gái ở bệnh viện, mẹ chị Nhung cũng cho biết, những ngày đầu con gái bác đã rất hoảng loạn vì lo lắng. Là một người mẹ đã từng bị mất con, bản thân bác cũng hoang mang rất nhiều. Thế nhưng bác vẫn hết lòng động viên con gái yên tâm điều trị. Bác bảo: "Bây giờ khoa học tiến bộ, thuốc tốt, bác sĩ lại giỏi nên bệnh tật có nguy hiểm đến mấy cũng sẽ đẩy lùi được. Chứ không như thời của bác ngày xưa. Vì thế nên phải tin tưởng để vượt qua".

Bị nhau tiền đạo, mẹ nín thở giữ con - 3
Tuy luôn miệng động viên con gái nhưng bác gái không khỏi lo lắng.

Bác cũng cho biết, nhiều khi nhìn chị Nhung mệt mỏi, đau lưng, khó chịu vì nằm suốt trên giường, lòng bác cũng xót lắm. Rất nhiều lần nước mắt cứ chực chảy ra vì thương con, thương cháu. Nhưng bác phải nén lại tất cả để con được an tâm. Và để động viên tinh thần, bác cũng bỏ hết việc nhà để ở lại viện cùng chị. Bây giờ, được bác sĩ cho biết tình hình của chị Nhung đã ổn định hơn, bác mới thở phào nhẹ nhõm.

Đừng mất tinh thần!

Đó là những gì chị Nhung muốn gửi gắm đến tất cả các mẹ đang gặp trục trặc trong quá trình mang thai. Bởi giống như chị, đã từng có lúc tuyệt vọng và sợ hãi đến ngừng thở vì lo mất con, nhưng nhờ biết tin tưởng, chị đã giữ được tinh thần tốt để vượt qua bệnh tật của mình. Chị bảo: "Bệnh tật là điều không ai mong muốn, đặc biệt là khi mang thai thế này vì nó còn ảnh hưởng đến cả con nữa. Nhưng không phải vì thế mà các mẹ quá sợ hãi, quá lo lắng vì sẽ càng không tốt cho hai mẹ con. Vậy nên mẹ nào chẳng may giống mình, thì hãy an tâm. Vì dù bệnh gì đi nữa thì cũng có thể điều trị, chỉ cần tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua là tất cả sẽ ổn thôi. Hơn nữa, các bác sĩ bây giờ cũng có chuyên môn cao, nên các mẹ đừng sợ hãi quá nhé!"

Chia tay chị Thủy và các mẹ khác đang điều trị tại phòng bệnh, chúng tôi cầu chúc tất cả các mẹ và bé sẽ sớm vượt qua tình trạng của mình, để được mẹ tròn con vuông!

Huyền Đặng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu