Biến chứng cực nguy làm mẹ 'mất' con (P.2)

Ngày 16/11/2013 09:00 AM (GMT+7)

Đến 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu cần cẩn thận vì vẫn có đến 20% ca sẩy thai xảy ra.

Tham khảo Phần 1, tại đây

3 tháng giữa hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ hai thường là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong suốt kỳ bầu bí, khi các chứng buồn nôn, ốm nghén đã chấm dứt, nguy cơ sẩy thai giảm hẳn và các cơn đau nhức cũng như cảm giác nặng nề ở những ngày thai cuối còn ở rất xa. Tuy vậy, vẫn có 1 số biến chứng đầy nguy hiểm có thể xảy ra cho mẹ bầu và bé.

1. Chảy máu âm đạo dọa sẩy thai

Mặc dù tỷ lệ sẩy thai ở 3 tháng giữa thai kỳ chỉ còn 20% so với 80% ở quý đầu, nhưng như thế không có nghĩa là bạn được thờ ơ với các dấu hiệu dọa sẩy, mà điển hình nhất là chảy máu âm đạo. Sẩy thai trong giai đoạn này cũng sẽ khác với sẩy thai trong 3 tháng đầu của kỳ thai nghén. Vào cuối tháng thứ 3, thứ 4, do thai đã làm tổ chắc chắn hơn nên nếu có sẩy thai sẽ thường nằm trong trường hợp sẩy thai không hoàn toàn hoặc sẩy thai từng phần (sẩy thai không trọn), dẫn đến dễ bị sót nhau làm băng huyết nặng. Đến tháng thứ 5, 6, sẩy thai diễn ra như 1 cuộc sinh đẻ thông thường dễ làm cho mẹ bị sang chấn tâm lý nặng nề.

Biến chứng cực nguy làm mẹ mất con (P.2) - 1
Sẩy thai trong 3 tháng giữa thai kỳ thường làm người mẹ bị ám ảnh tâm lý nghiêm trọng (hình minh họa)

Không gây sẩy thai bởi bất thường nhiễm sắc thể thường thấy ở 3 tháng đầu thai kỳ,  nguyên nhân gây sẩy thai trong tam cá nguyệt thứ hai có thể do tử cung bị dị tật như có 1 vách ngăn ở tử cung, cổ tử cung mở sớm, mẹ mắc các bệnh như lupus, giang mai hoặc hội chứng kháng phospholipid v.v… Ngoài ra, chảy máu âm đạo dọa sẩy thai cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề ở nhau thai, như nhau tiền đạo, nhau bong non và cảnh báo sinh non.

Các biểu hiện chảy máu âm đạo ở từng mức độ dọa sẩy và sẩy thai cũng sẽ khác nhau, do đó thai phụ cần lưu ý nhằm nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, bảo toàn sức khỏe, tính mạng 2 mẹ con hoặc của người mẹ. Nếu là dọa sẩy thai, người mẹ sẽ thấy máu ra ở âm đạo thường có màu đỏ hoặc đen với số lượng ít, kéo dài nhiều ngày, máu thường lẫn với dịch nhầy, có cảm giác tức, nặng bụng hoặc đau lưng. Trong khi đó, với trường hợp sẩy thai khó tránh, mẹ bầu sẽ thấy máu ra nhiều, đỏ tươi, hoặc không ra máu nhiều nhưng kéo dài dây dưa trên 10 ngày, đau bụng vùng hạ vị từng cơn, mức độ đau ngày càng tăng. Nguy hiểm nhất là tình trạng đang sẩy thai, khi đó thai phụ sẽ ra máu nhiều, tươi, lẫn máu cục, bụng đau quặn từng cơn do tử cung co thắt mạnh để tống thai ra; hay sẩy thai sót nhau làm người mẹ đau bụng và máu ra nhiều hơn, kèm theo các mảnh mô được tống xuất ra khỏi âm đạo, cũng có thể có biểu hiện bị sốt nhiễm trùng; sẩy thai nhiễm khuẩn làm mẹ bầu ra máu sẫm màu, hôi kéo dài kèm hội chứng nhiễm trùng như sốt, mạch nhanh, bạch cầu và CRP tăng v.v…

2. Các bất thường ở nhau thai

Biến chứng cực nguy làm mẹ mất con (P.2) - 2
Thông thường, các biến chứng ở lá nhau hay xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 3, nhưng nếu xảy ra vào 3 tháng giữa thai kỳ sẽ mang lại hậu quả rất nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi (hình minh họa)

Nhau tiền đạo. Chiếm tỷ lệ 1/200 trường hợp mang thai, cũng hay gặp ở những mẹ bầu có tử cung phát triển bất thường, sinh đẻ nhiều lần, từng sinh đôi, sinh ba, hút thuốc lá, có con khi tuổi đã cao v.v… hoặc có vết sẹo cũ ở tử cung do đẻ mổ, phẫu thuật tử cung, nạo hút thai, nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám vào đoạn dưới hoặc ở cổ tử cung thay vì ở vùng đáy, thân tử cung như bình thường. Nhau tiền đạo thường gây xuất huyết âm đạo vào những tháng cuối thai kỳ, nhưng cũng có nhiều trường hợp nhau tiền đạo gây chảy máu sớm trong tam cá nguyệt thứ hai. Do làm ra huyết âm đạo nhiều nên nhau tiền đạo dễ dẫn đến thiếu máu, mất máu gây tử vong ở người mẹ, ảnh hưởng xấu đến thai nhi như thai bị suy dinh dưỡng, suy thai, sinh non v.v… Biến chứng này có thể được phát hiện sớm từ tuần 20 của thai kỳ qua siêu âm. Khi được chuẩn đoán bị nhau tiền đạo, mẹ bầu phải nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng, không làm việc nặng, kiêng giao hợp, hạn chế đi lại và đi xa v.v…, vì nếu bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ bác sĩ sẽ phải chỉ định mổ lấy thai sớm không kể thai đủ tháng hay chưa dẫn đến bé sinh ra bị non tháng rất cao và khó sống sót.

Nhau bong non. Là trường hợp cấp cứu sản khoa rất nguy hiểm và hay xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ,  tuy nhiên cũng có một số thai phụ gặp phải biến chứng này vào những tháng giữa thời kỳ thai nghén. Bị nhau bong non trong tam cá nguyệt thứ hai sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là thai nhi bị tử vong. Nguyên nhân do có sự hình thành của khối huyết tụ sau bánh nhau, ngày càng lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi tử cung, cắt đứt nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, oxy từ mẹ đến thai, gây chảy máu dữ dội khó cầm được. Nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con là rất lớn.

Những thai phụ dễ mắc phải biến chứng này gồm khoảng 80% chị em bị nhiễm độc thai nghén, mẹ bầu bị cao huyết áp thai kỳ, bị chấn thương trực tiếp ở vùng bụng, ở những người sinh con lần thứ hai trở đi, hoặc mẹ bị thiếu axit folic trong tam cá nguyệt thứ nhất v.v… Biểu hiện của nhau bong non ở thể nhẹ là mẹ sẽ bị xuất huyết âm đạo ít, cách chữa trị tốt nhất là nằm nghỉ và siêu âm để theo dõi tình trạng. Ở thể trung bình hoặc thể nặng, thai phụ bị mất máu nhiều, từ 0,5 – 2 lit, có thể bị choáng nặng, có rối loạn đông máu, thận không hoạt động.  Khi đó cần phải được truyền máu và cấp cứu khẩn cấp, nếu nhau bong trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ không giữ được tính mạng thai nhi.

3. Thai chậm tăng trưởng

Biến chứng cực nguy làm mẹ mất con (P.2) - 3
Mẹ bị cao huyết áp, tiền sản giật v.v…. dễ gây nên tình trạng thai chậm tăng trưởng (hình minh họa)

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung chiếm đến 10% ca mang thai, thường gặp ở những mẹ bầu sinh con đầu lòng,  mẹ lớn tuổi mang thai hoặc mẹ có hơn 4 con trước đó. Ngoài ra, thai chậm tăng trưởng còn hay gặp ở những bà mẹ có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Tunner, bất thường ở 1 trong các cơ quan chính hay bị mắc bệnh truyền nhiễm như Rubella, Toxoplasmosis ngay trong bụng mẹ, mẹ bị cao huyết áp, tiền sản giật v.v… Tình trạng chậm tăng trưởng của thai nhi thường được chẩn đoán qua các lần đo kích thước vòng bụng khi thăm khám tiền sản thường quy, và được xác định chính xác bằng siêu âm.

Có 2 loại chậm tăng trưởng ở thai nhi là chậm tăng trưởng đối xứng diễn ra vào đầu thai kỳ, khi cả đầu và cơ thể thai nhi đều bị nhỏ; chậm tăng trưởng không đối xứng diễn ra sau khi thai được 20 tuần tuổi do nhau thai không làm việc hiệu quả, trong trường hợp mẹ bị tiền sản giật, đa thai, thai bị bất thường nào đó… Nếu trong tam cá nguyệt thứ hai phát hiện bé có biểu hiện chậm tăng trưởng không đối xứng, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để theo dõi thai nhi, khám tiền sản định kỳ cho người mẹ và thường xuyên cân đo để kiểm soát tình hình. Đồng thời tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ và thai nhi cẩn thận cho đến khi thai kỳ đã đến giai đoạn an toàn thích hợp mổ lấy thai, vì bé mắc chứng chậm tăng trưởng rất dễ bị căng thẳng, kiệt sức nên không thể sinh qua ngã âm đạo như bình thường.

4. Tiền sản giật

Biến chứng cực nguy làm mẹ mất con (P.2) - 4
Mang thai khi tuổi còn quá trẻ (dưới 20 tuổi) làm tăng nguy cơ tiền sản giật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của 2 mẹ con (hình minh họa)

Dù tiền sản giật chủ yếu xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ, nhưng cũng có 1 số thai phụ mắc phải biến chứng nguy hiểm này ngay trong tam cá nguyệt thứ hai của kỳ thai nghén. Các dấu hiệu báo hiệu tiền sản giật gồm huyết áp cao rõ rệt, mẹ bị phù hoặc sưng quá nhiều và có đạm trong nước tiểu. Tiền sản giật ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể mẹ, bao gồm cả nhau thai, do đó đây cũng là nguyên nhân khiến thai chậm phát triển, suy thai, thậm chí làm thai chết trong tử cung. Biến chứng này có thể khiến mẹ bị tổn thương gan, thận, xuất huyết, nếu không điều trị kịp dẫn đến co giật, hôn mê, phù phổi cấp, suy tim cấp hoặc xuất huyết não gây tử vong.

Khi nghi ngờ người mẹ bị tiền sản giật trong 3 tháng giữa thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để không bị nhầm lẫn với các bệnh khác có chung biểu hiện như bệnh lupus, hội chứng kháng phospholipid, bệnh động kinh … Đồng thời cũng sẽ đánh giá xem mẹ có nguy cơ phát triển thành chứng sản giật rất nguy hiểm, hầu như sẽ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi hay không. Nếu phát hiện các triệu chứng của tiền sản giật như sưng nhanh chóng bàn tay, chân, mặt, hoặc bị đau đầu, hoa mắt, mất thị lực, dễ bị bầm tím khi chấn thương, đau người phía bên phải hoặc đau dạ dày, huyết áp tăng v.v…, mẹ bầu phải nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Cũng cần lưu ý đến những nhóm nguy cơ dễ mắc tiền sản giật như mẹ sinh con so khi còn quá trẻ dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi, mẹ mang đa thai, thừa cân, hay có chế độ dinh dưỡng kém, phải làm các việc nặng nhọc, bị bệnh thận mãn tính, tiểu đường, huyết áp cao v.v…

5. Vỡ ối non

Sau khi trứng được thụ tinh, màng ối dần được hình thành để bảo vệ thai nhi, giúp bé dễ dàng hoạt động trong buồng tử cung và giữ nhiệm vụ che chắn cho bé khỏi vi khuẩn xâm nhập từ âm hộ, âm đạo v.v… của thai phụ. Do đó nếu màng ối bị vỡ, nước ối chảy ra sẽ không còn môi trường để nuôi dưỡng, bảo vệ bé đến khi sinh, đồng thời tạo nguy cơ nhiễm trùng ối nguy hại cho cả mẹ lẫn con. Đặc biệt là tình trạng vỡ ối non, tức màng ối bị vỡ quá sớm trước giai đoạn chuyển dạ. Nếu vỡ ối non trong tam cá nguyệt thứ hai, người mẹ có nguy cơ phải đối diện với việc sinh non, thai nhi khó sống sót sau khi lọt lòng mẹ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 75% trẻ sơ sinh mà không do những bất thường thai nhi.

Biến chứng cực nguy làm mẹ mất con (P.2) - 5
Mẹ bầu phải khẩn cấp đến bệnh viện khi thấy nước ối rỉ ra ở âm đạo để đề phòng tình trạng vỡ ối non (hình minh họa)

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây vỡ ối non như ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông, ngôi đầu cao; do những khuyết tật của màng ối hoặc mẹ bị nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung hay dịch ối; có tiền căn vỡ ối non ở lần sinh trước đó; bị hở eo cổ tử cung, nhau bong non, nhau tiền đạo; mang đa thai; đa ối, mẹ bị chấn thương; mẹ có khung chậu hẹp; thai nhi bị dị dạng;  v.v… Khi thấy ra nước âm đạo đột ngột, nước loãng, trắng trong, không mùi khai hoặc đục, lợn cợn do có lẫn chất gây, sau đó tiếp tục ra rỉ rả dù không có cơn co v.v… trong 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu cần đến bệnh viện gấp để được can thiệp sớm nhằm bảo toàn tính mạng cho thai nhi.

Với thai non tháng dưới 36 tuần, hoặc trọng lượng dưới 2 kg, bác sĩ sẽ cố gắng kéo dài thai kỳ bằng cách yêu cầu thai phụ nằm nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều, vệ sinh sạch vùng kín, siêu âm theo dõi tim thai, chỉ số ối v.v … Nếu không có nhiễm trùng, nước ối ra ít hoặc ngừng ra, bác sĩ sẽ cho thuốc kích thích trưởng thành phổi, khánh sinh để giảm tỷ lệ các biến chứng nhiễm trùng ối cho mẹ, giảm nhiễm trùng cho thai nhi và trì hoãn cuộc sinh. Nếu có dấu hiệu nhiễm ối như sốt, bạch cầu tăng cao, nưới ối đổi màu, có mùi hôi v.v…, hoặc nước ối vẫn tiếp tục ra, siêu âm thấy hết ối, bác sĩ sẽ buộc phải chấm dứt thai kỳ.

Mời các mẹ đón đọc Phần 3: Biến chứng nguy hiểm làm mẹ "mất" con (Ba tháng cuối thai kỳ) vào 9h00 ngày 17/11/2013 trên chuyên mục Bà bầu

Như Quỳnh (Theo HL)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ