Bố ơi, đừng khóc!

Ngày 30/04/2013 05:00 AM (GMT+7)

Không chỉ phụ nữ mà chính các ông bố cũng có thể mắc chứng trầm cảm sau khi "lên chức".

Vì sao lại có tình trạng này, xin cùng chia sẻ với độc giả.

Trước khi y học chính thức công nhận sự tồn tại của chứng trầm cảm sau khi sinh, nhiều chị em chỉ biết âm thầm chịu đựng và tự trách mình tại sao lại có cảm giác chán chường khi vừa được làm mẹ.

Giờ đây, chị em chúng ta đã có thể thở phào vì biết đó là trạng thái cảm xúc có thể lý giải được bằng khoa học. Thì ra không phải vì chúng ta là những bà mẹ tồi tệ, thì ra có cách giải quyết để khắc phục tình trạng này.

Chứng trầm uất sau khi sinh có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức: Cảm xúc bất ổn định, khi vui khi buồn, lúc mệt mỏi và tuyệt vọng quá thậm chí còn thấy ghét bỏ đứa con của mình và xa lánh mọi người.

Không chỉ các bà mẹ trẻ phải trải qua những ngày tháng căng thẳng và mâu thuẫn như thế mà có tới 15% các ông bố trẻ cũng bị rơi vào trạng thái trầm cảm, nhưng khác với phụ nữ, đàn ông biểu hiện ra ngoài bằng phản ứng như dễ nổi nóng, giận dữ hoặc thu mình lại. Vì sao lại có hiện tượng đó.

Đàn ông có bị thay đổi hoóc môn như phụ nữ sau khi sinh đâu? Rõ ràng là nguyên nhân phải nằm ở đâu đó khác…

Bố ơi, đừng khóc! - 1
Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng mắc chứng trầm cảm sau
khi lên chức bố. (ảnh minh họa)

Phải chăng vì mệt mỏi?

Mệt mỏi vì cái gì cơ chứ? Đâu phải ông chồng mang thai suốt 9 tháng trời, ốm nghén, phù nề chân tay? Lại càng không phải ông chồng vượt cạn! Nói ra điều này tất nhiên chị em chúng ta đúng, nhưng thử nghĩ lại mà xem, suốt những tháng ngày mang thai và sinh nở, các ông chồng sống ngay bên cạnh ta.

Một số bà vợ thích nhõng nhẽo, thích được chồng chiều chuộng, chăm sóc, tốn rất nhiều sức lực và thời gian của các ông chồng. Đây là chưa kể tới chuyện các ông bố tương lai miệt mài lam lũ kiếm tiền, chuẩn bị, sữa, giường, nôi cho con, mua sắm đồ đạc… lại còn những đêm ngủ ít vì giúp vợ bế con, thay tã… Sau những căng thẳng như thế, đàn ông mệt mỏi là chuyện hết sức bình thường.

Làm sao giúp anh ấy? Bạn sẽ vặn lại: “Ôi, tôi đang mệt đứt hơi lại còn phải nghĩ làm sao chăm chồng cho tốt ấy à?”.

Nhưng trên thực tế, khi chúng ta đuối sức, ta tưởng mình là người mệt nhất mà không nghĩ rằng người khác cũng không dễ hơn chút nào. Các ông bố bà mẹ trẻ vì thế mà thường hay giận dỗi, cãi cọ nhau.

Giải quyết bằng cách nào đây? Cặp vợ chồng trẻ hằng ngày cần ngồi lại với nhau, nói hết những cảm xúc và nguyện vọng của mình, để người kia cố gắng lắng nghe. Nếu một người sau khi chia sẻ khó khăn của bản thân và cảm nhận được rằng chồng mình (vợ mình) thấu hiểu được, bản thân người đó sẽ bớt mệt mỏi, buồn tủi.

Đừng nghĩ rằng chồng bạn là “người sắt”, hãy thông cảm với những nhọc nhằn của anh ấy. Cố gắng kiên nhẫn lắng nghe anh ấy kêu ca một chút, cho phép chồng bạn được nghỉ ngơi đôi chút, tất cả những điều đó sẽ giúp chồng bạn vượt qua giai đoạn căng thẳng tạm thời này.

Thế còn con thì sao?

Bạn hãy tự chân thật trả lời chính mình: “Có đúng là từ ngày sinh con, chồng mình còn không được mình quan tâm chăm sóc như xưa? Có phải anh ấy đã bị hạ xuống vị trí thứ hai?”.

Những tuần đầu sau khi sinh con, người mẹ trẻ phải dành toàn bộ thời gian, sức lực, tâm trí để hiểu được các nhu cầu của đứa trẻ. Đó là quy luật của tự nhiên, người mẹ lúc này gần như là một với đứa con và vì thế thành ra là xa cách với chồng hơn, ít quan tâm tới anh ấy hơn. Bạn hãy thử đặt mình vào địa vị của chồng lúc đó: Hẳn anh ấy sẽ có cảm giác như mình bị bỏ rơi. Nhất là nếu trước khi, thời còn son rỗi, bạn quen lo lắng cho chồng từng li từng tí như mẹ lo cho con.

Làm sao giúp anh ấy? Trong hoàn cảnh này, điều cần thiết nhất là an ủi chồng, khẳng định rằng anh ấy vẫn là người bạn yêu thương nhất. Dù bận rộn đến đâu, hãy cố gắng thời gian đến bên chồng, ôm vai anh ấy hay có những cử chỉ âu yếm, hoặc nhắn tin cho chồng lúc anh ấy đang ở cơ quan, hay một cái hôn thật nồng nàn buổi chiều khi đón chồng… Còn một điều quan trọng nữa là cố gắng tâm sự với chồng những chuyện khác ngoài chuyện bé con.

Bố ơi, đừng khóc! - 2
Đối với chồng bạn, sự kiện làm bố đánh dấu bước ngoặt quan trọng. (ảnh minh họa)

Liệu đó có phải là gánh nặng trách nhiệm quá lớn với anh ấy?

Ý nghĩ: “Mình đã là một ông bố” không chỉ khiến cho người đàn ông phấn chấn hạnh phúc, mà còn kéo theo sự lo lắng và thậm chí nỗi sợ hãi. Đối với chồng bạn, sự kiện làm bố đánh dấu bước ngoặt quan trọng.

Từ đây anh ấy sẽ “thành người lớn”. Quãng thời gian nhàn rỗi, vô tư lự đã qua và giờ đây anh ấy phải cùng bạn gánh vác trách nhiệm mới lớn lao, nặng nề - nuôi con. Những ngày tháng tự do, tha hồ tụ tập với bạn bè, chơi thể thao, đi du lịch giờ đây thay thế bằng trọng trách của người chủ gia đình, cần kiếm tiền, cần chăm sóc vợ và cả đứa con đỏ hỏn.

Dĩ nhiên, một bức tranh tương tự như thể trong đầu người đàn ông sẽ gây nên cảm giác căng thẳng và buồn bả. Đấy là chưa kể một đống các câu hỏi lập tức xuất hiện trong đầu: Mình có làm được không? Mình có trở thành người bố tốt được không?

Làm gì để giúp anh ấy? Bạn chỉ cần nói với anh ấy những lời giản đơn sau đây: “Em và anh, chúng mình cùng nhau sinh ra đứa con này và chúng mình sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm để nuôi dạy con”. Cố gắng đừng quá khắt khe khi phân chia trách nhiệm hằng ngày, tránh những câu kiểu như: “Bây giờ anh đã là bố, anh phải thế này… anh phải thế kia…”.

Hãy cho chồng bạn một khoảng thời gian thích nghi với hoàn cảnh mới, với vai trò mới, để anh ấy tự học hỏi được cách chăm sóc con. Nếu anh ấy không thích đẩy xe nôi đi dạo, đừng đẩy chồng ra đường bằng mọi cách kèm theo câu nói trách móc: “Cả khu này toàn là các bố cho con đi dạo, anh xem họ có giỏi không?”.

Có thể chồng bạn sẵn sàng giúp bạn việc gì đó rất có ích trong khi bạn cho con đi dạo. Cũng đừng đợi chồng tự nghĩ mà chủ động đề nghị anh ấy một việc nhất định, nói với giọng ôn tồn, không hờn trách, bực tức.

Liệu anh ấy có bị lây bệnh trầm cảm của tôi không?

Nếu bản thân bạn buồn bã, chán chường, không buồn nở nụ cười thì tất nhiên chồng bạn cũng khó mà vui được. Hóa ra, chứng trầm cảm cũng dễ “lây”! Các nhà tâm lý học nhận xét: “Một số ông chồng cũng bị lên cân trong thời kì vợ mang thai, hay mắc chứng khó tiểu, buồn nôn. Những hiện tượng này có thể giải thích được.

Đó là bởi vì đàn ông cũng cảm nhận được rằng mình sắp làm bố. Sau khi vợ sinh con, những “chia sẻ cảm xúc” này tiếp tục diễn ra. Nhất là đàn ông trong thời hiện đại ngày nay luôn được khuyến cáo là nên gần gũi, quan tâm, chăm sóc vợ hơn, vì thế họ dễ bị “lây” các cảm giác của vợ mình”.

Làm sao giúp anh ấy? Hãy hiểu rằng nếu chồng bạn cũng lo lắng và có cảm giác giống bạn, chứng tỏ anh ấy yêu bạn nhường nào. Nhưng đứa bé thì cần có bố và mẹ chứ không phải là hai “bà mẹ” nhạy cảm và buồn bã.

Các nhà tâm lý khuyên: “Người vợ có thể khuyên chồng mình vào vai bố. Ví dụ phân chia công việc sao cho mỗi người có một số phần việc riêng mà người kia không được động vào, như vậy uy tín và vai trò của người bố dần dần được xác định. Ví dụ mẹ cho con bú, còn tắm cho con là việc của bố”. Khi đó, người chồng sẽ cảm thấy rằng mình là người “có vai vế” chứ không phải là phụ việc của vợ".

Theo Nguyễn Trung (Mẹ & bé)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu