Bơi lội giúp bà bầu thêm khỏe mạnh

Ngày 07/02/2013 16:53 PM (GMT+7)

Đi bơi có tốt cho phụ nữ mang thai không?

"Vài người bạn của mình khi mang thai thường đi bơi để giữ dáng nhưng đến lượt mình thành bà bầu thì chị dâu khuyên rằng không nên đi bơi vì rất nguy hiểm. Vậy thai phụ có nên bơi hay không?"

Đó là câu hỏi của chị Tuyết Nhi (Bình Định) gửi đến chuyên mục. Không chỉ chị Nhi mà rất nhiều bà bầu khác vẫn thường băn khoăn không biết trong thai kỳ nên chọn bơi để tăng cường sức khỏe hay tránh xa nó.

Thực chất, cũng như nhiều môn thể thao khác, quan trọng không phải là bạn chọn bơi hay không, mà là bơi như thế nào mới an toàn.

Đi bơi khi mang thai – Nên


Rất nhiều bác sĩ thường khuyên thai phụ nên đến hồ bơi kèm điều kiện phải chăm sóc bản thân an toàn. Nguyên nhân là do bơi lội mang đến nhiều ích lợi về sức khỏe, đồng thời giúp cơ thể săn chắc, gọn gàng.

Bơi lội giúp bà bầu thêm khỏe mạnh - 1
Bơi lội giúp bà bầu có cơ thể săn chắc. (Hình minh họa)

Chị Thu An (Quy Nhơn) kể: “Ngày đầu được bác sĩ khuyên tập bơi mình khá lo sợ, vì mình không biết bơi và ngại mang bụng bầu xuống nước. Thế nhưng sau khi tham gia một khóa luyện bơi cho bà bầu, mình thấy khỏe hẳn và bớt hẳn ốm nghén…”.

Bên cạnh tác dụng tăng cường sức khỏe và giảm các cơn ốm nghén, đi bơi thường xuyên còn giúp quá trình vận chuyển ôxy đến cơ bắt nhanh hơn, tức hiệu suất tập luyện cao hơn nhiều so với các hoạt động thể thao khác.

Đồng thời, đi bơi còn khiến thai phụ có thể tự do hoạt động trong môi trường khá an toàn, không lo sợ bị tổn thương. Lực nâng của nước tạo ra môi trường tương đương không trọng lực, rất thuận lợi để thai phụ luyện tập cơ bắp và tăng cường hệ thống tim mạch.

Đi bơi khi mang thai – Không nên


Nhưng không phải việc đi bơi hoàn toàn có lợi cho bà bầu. Nếu không cẩn thận, rất có thể bạn sẽ mắc phải những rủi ro nghiêm trọng. Trước hết, và quan trọng nhất, chính là động tác bơi.

Nhiều người đồng tình rằng bơi ếch là kiểu bơi phổ biến nhất ở thai phụ vì chúng rất dễ thực hiện đồng thời còn giúp giữ dáng một cách hoàn hảo khi đòi hỏi vùng ngực phải hoạt động trong khi kéo phần vai lại.

Tuy nhiên, nếu tập bơi ếch đúng cách, bạn sẽ phải ngửa đầu lên khỏi mặt nước để thở, và điều đó dẫn đến phần lưng dưới bị kéo mở rộng quá nhiều. Trong khi đó, chỉ riêng bụng bầu nở căng thôi cũng đã đủ khiến vùng lưng dưới của bạn mệt mỏi vì áp lực rồi. Vì vậy, bạn nên cho nó nghỉ hơn là ép nó hoạt động nhiều hơn.

Không chỉ vậy, động tác chân bơi ếch không phù hợp với thai phụ vì trong thời gian này, các dây chằng vùng xương chậu trở nên rất mềm, dễ dẫn đến khả năng trật khớp rất cao nếu bạn dùng chân đạp quá mạnh. Trật khớp có thể gây tách xương chậu và ảnh hưởng đến quá trình sinh con.

Kiểu bơi được thai phụ yêu thích tiếp theo là bơi ngửa. Tuy nhiên, nếu bơi ngửa sau tuần thứ 16 thai kỳ, dù trong thời gian ngắn hay dài cũng gây cảm giác rất khó chịu vì khối lượng của thai nhi sẽ hoàn toàn tạo áp lực lên động mạch chủ. Vì vậy khi thấy đau, bạn nên ngừng kiểu bơi này.

Bơi lội giúp bà bầu thêm khỏe mạnh - 2
Chỉ nên bơi ngửa nếu bạn cảm thấy thoải mái. (Hình minh họa).

Thứ hai, là tình trạng cơ thể trước khi bơi. Đối với thai phụ, tốt nhất không được ăn bất cứ thứ gì trong 2 giờ trước khi xuống hồ để tránh các loại axit khó tiêu và tình trạng trào ngược dạ dày. Ngoài ra, thai phụ cũng cần phải tính giờ xuống hồ phù hợp, hạn chế tiếp xúc hồ bơi vào sớm tinh mơ, tối khuya hay trưa nắng.

Nếu xuống nước trong tình trạng không tốt hoặc bơi trong nước quá lạnh hoặc quá nóng, thai phụ có khả năng phải trải qua các cơn đau co thắt tử cung, ảnh hưởng tới thai nhi.

Điều thứ ba mà các bà bầu cần chú ý là chất lượng nước hồ bơi. Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hàm lượng chloroform trong hồ bơi có ảnh hưởng đáng ngại đến sức khỏe người tiếp xúc.

Theo kiểm tra, nước hồ bơi được pha chất khử trùng quá nhiều gián tiếp tác động đến các vấn đề sinh sản như tăng tỉ lệ sẩy thai, thai dị tật bẩm sinh… Thực chất chloroform là chất có khả năng gây ung thư và có thể thấm qua da hoặc đường thở khi bốc hơi. Trong khi đó, chỉ với một giờ ngâm mình trong hồ bơi, bạn sẽ bị nhiễm chloroform nhiều gấp 141 lần so với tắm nước vòi sen ở nhà trong 10 phút.

An toàn bơi với bé

Bằng những biện pháp bảo vệ cẩn thận, thai phụ vẫn có thể đi bơi đều đặn mà không phải lo sợ những rủi ro xảy ra:

- Chọn kiểu bơi phù hợp
: Chọn tư thế bơi khiến bạn cảm thấy thoải mái là được. Bơi ngửa vẫn là sự lựa chọn an toàn nhất trong thời gian đầu thai kỳ. Nhưng khi thai nhi đã lớn, bạn nên chọn kiểu bơi khác để giảm áp lực cho lưng.

- Nghỉ ngơi: Nếu bạn muốn nghỉ ngơi một chút sau khi bơi, có thể mang sẵn một ống thở để không cần phải ngẩng đầu thở hoặc lật ngửa mình lại, trong khi dùng chân đạp nước tới thành hồ.

- Ăn vặt: Chỉ ăn thật ít khoảng 3 giờ trước khi xuống nước.

- Hạn chế lây nhiễm: Chỉ bơi trong hồ bơi sạch. Bạn có thể tìm hiểu về chỉ số chloroform trong nước để chọn những hồ bơi ít chứa chất hóa học hơn.

- Vệ sinh sau khi bơi: Luôn xả lại người và tóc ngay sau khi lên bờ để giảm nguy cơ lượng chất tẩy trong hồ bơi nhiễm vào cơ thể.


Theo Mai Lan (Mẹ yêu bé)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tập luyện trong thai kì