Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình

Ngày 28/06/2017 10:00 AM (GMT+7)

Những hành động ân cần quan tâm nhỏ của các ông chồng cũng khiến mẹ bầu ấm lòng hơn trong những ngày nằm viện.

“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề tuyên truyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (thứ Tư - 28/6/2017) với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

Tuy nhiên vì một vài lý do nào đó mà nhiều gia đình không thể thực hiện được bữa cơm sum họp trong ngày này, đặc biệt là những bệnh nhân đang nằm viện. Có mặt tại khoa Sản bệnh lý – Bệnh viện Phụ sản Trung ương những ngày hè tháng 6, chúng tôi mới hiểu được điều quý giá và ý nghĩa của bữa cơm gia đình đầm ấm cũng như nỗi vất vả của các sản phụ trong hành trình đón con yêu chào đời.

Dẫu biết rằng sinh con là trải nghiệm tuyệt vời và ý nghĩa nhất của người phụ nữ nhưng đâu phải ai cũng hiểu rằng để chào đón con yêu các sản phụ phải trải qua hành trình mang thai và vượt cạn đầy vất vả, gian nan như thế nào. Đó chưa kể những mẹ bầu nguy cơ dọa sinh non, phải nằm “treo chân” hàng tháng trời trong viện dưỡng thai, luôn nơm nớp lo sợ rủi ro đến với mình và cả với con yêu.

Người ta thường ví rằng phụ nữ đau đẻ như gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc. Đau đớn, khó khăn là vậy nhưng các bà mẹ vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ và sẵn sàng đón nhận bởi họ không hề cô đơn trên hành trình hạnh phúc đón con chào đời. Họ có mẹ, có chị và đặc biệt luôn có chồng ở bên quan tâm, chăm sóc.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 1

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải Vân (Hải Dương). Chị đang mang bầu 32 tuần tuổi nhưng nguy cơ dọa đẻ non.

Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hải Vân (Hải Dương) đang nằm điều trị tại Khoa sản bệnh lý, chúng tôi được biết chị phải từ Hải Dương lên Hà Nội gấp vào chiều tối qua vì bị ra máu khi thai mới 32 tuần tuổi. Hiện nay, chị phải nằm viện theo dõi đến khi sinh vì nguy cơ dọa sinh non.

Từ khi nhập viện đến giờ, anh Nguyễn Bảo Duy - chồng chị luôn túc trực bên giường bệnh, đỡ và dìu chị đi lại. Nhìn vợ mệt mỏi, chịu đau mấy hôm nay, anh lại xót xa. Mỗi lần như vậy, anh chỉ biết cầm tay chị động viên, làm chỗ dựa cho cả 2 mẹ con cùng vượt qua giai đoạn này.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 2

Anh Thắng chải tóc giúp vợ. Bà xã anh vừa sinh mổ nên vẫn sức khỏe còn yếu.

Còn với anh Bùi Đăng Thắng (Thanh Oai, Hà Nội), anh vừa đón nhận tin vui vào ngày hôm qua khi ca sinh mổ của vợ “mẹ tròn con vuông”. Hiện nay, chị Lê Thị Vân – vợ anh cũng đã ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng được nhưng anh vẫn không rời chị nửa bước, đỡ chị và chăm sóc con thay chị.

Tuy trong ngày Gia đình Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hải Vân, chị Lê Thị Vân và nhiều sản phụ khác không được quây quần bên mâm cơm cùng mọi người tại chính ngôi nhà của mình nhưng các chị lại có bữa cơm thật đặc biệt cùng chồng, cùng người thân ngay tại bệnh viện. Dẫu bữa cơm không được đủ đầy như ở nhà nhưng sự ấm áp yêu thương vẫn không hề vơi đi bởi các chị được chồng săn sóc, tự tay bón cho từng miếng cơm, từng ngụm nước và chẳng khi nào rời tay.

Và chỉ một hành động nhỏ giữa ngày hè oi ả vậy thôi cũng đủ khiến các chị cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc hơn, quên hết mọi mệt mỏi, nỗi sợ trước sinh của mình.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 3

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải Vân từ Hải Dương lên Hà Nội chữa bệnh. Vì nguy cơ dọa sinh non nên chị phải nằm viện dưỡng thai dài ngày. Lo lắng cho lần mang thai đầu tiên này nhưng chị vẫn cảm thấy có thêm động lực vì luôn có chồng  ở bên.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 4

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 5

Anh Thắng bón cháo cho vợ mới sinh mổ. Suốt mấy hôm nay, anh luôn túc trực ở viện đỡ chị mỗi lần ngồi dậy, nằm xuống.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 6

Đã 10 ngày nay, anh Giàng A Chu vẫn ngồi bên giường bệnh chăm sóc chị Thào Thị Ca do chị bị ung thư buồng trứng. Anh dường như không rời mắt khỏi vợ một giây phút nào.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 7

Từ bệnh viện tỉnh lên bệnh viện trung ương, anh vẫn luôn đồng hành cùng chị. Nhìn chị mệt mỏi, không ăn được bởi những những cơn đau quằn quại lại càng khiến anh đau lòng hơn.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 8

Anh Trần Văn Thành (Hải Dương) cũng phải xin nghỉ phép không lương để vào viện chăm vợ mổ ung thư cổ tử cung. Một tuần nay, anh luôn ở bên giúp vợ trong việc sinh hoạt và ăn uống.  

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 9

Vì vợ mới sinh mổ nên anh Lợi thay chị Chi chăm sóc con. Anh bế con, thay bỉm để vợ được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

Bữa cơm trong viện Sản: Dẫu chẳng đủ đầy vẫn ấm lòng tình yêu thương gia đình - 10

Các ông chồng xếp hàng đi mua cơm mang về cho vợ ăn trưa tại căng tin Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Dẫu bữa cơm không được đủ đầy như ở nhà nhưng sự ấm áp yêu thương vẫn không hề vơi đi bởi các sản phụ luôn có chồng ở bên.

Hồng Nhung (Ảnh: Phạm Chiểu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu