Cao thủ karate trong bụng mẹ

Ngày 30/03/2013 05:00 AM (GMT+7)

Khoảnh khắc ngồi đếm những cú đá của bé yêu trong bụng thật tuyệt vời.

Bình thường, bạn sẽ cảm nhận được những cú đá bất ngờ của con từ tuần thứ 16 của thai kỳ. Nhưng nếu đây là lần đầu tiên mang thai, có thể bạn phải đợi tới tuần thứ 25 mới có thể cảm nhận được.

Còn nếu đây là lần mang bầu thứ hai trở lên của bạn thì bé hiếu động có thể nhanh chóng “xuất chiêu” từ tuần thứ 13 rồi đấy! Những cú đá karate bên trong được coi là cách giúp bé giao tiếp với mẹ. Để dễ dàng nắm bắt điều thú vị này, tốt nhất bạn nên chờ trong trạng thái tĩnh, như ngồi nghỉ hoặc nằm trên giường.

Những cú đá đáng yêu

Không giống như những gì bạn thường thấy trên ti vi, khoảnh khắc bé đá bụng mẹ không đến mức đau đớn và khó chịu như các diễn viên hay đóng. Thay vào đó là cảm giác tuyệt vời và sung sướng tột độ khiến các bà mẹ sẵn sàng quên đi cái đau kèm theo.

Hiểu rõ nhất điều này chỉ có thể là những ai đã trải qua giai đoạn sinh con, như chị Mỹ Tiên (Hải Phòng) thổ lộ: “Đến tháng thứ 5 cơ thể người mẹ bắt đầu có nhiều biến đổi rõ rệt khiến tôi lúc nào cũng mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng tôi vẫn nhớ hoài cái lần đầu tiên cu Quang “chọc ghẹo” mẹ. Cái cảm giác như có dòng điện chạy qua, vừa giật mình vừa nghẹn ngào. Thậm chí sau đó tôi bỏ nguyên 3 tiếng đồng hồ chỉ để nằm trên giường và đợi con “lên tiếng” lần nữa…”.

Nhưng không phải ai cũng may mắn nhận diện được cú hích của con ngay từ đầu, mà thực ra phần lớn các thai phụ mang thai lần đầu tiên đều khá mơ hồ về cảm giác này. Phải đợi đến giai đoạn thứ 2 và 3 thai kỳ thì những chuyển động mới trở nên rõ ràng hơn, cũng như bạn có thể nắm bắt những cú đấm, đá hay thục khuỷu tay của cục cưng.

Cao thủ karate trong bụng mẹ - 1
Bình thường, bạn sẽ cảm nhận được những cú đá bất ngờ
của con từ tuần thứ 16 của thai kỳ. (ảnh minh họa)

Theo dõi hoạt động của bé

Nhưng đến bao giờ thì con mới tập karate? Và con sẽ ngọ nguậy trong vòng bao lâu? Đó hẳn là nhưng câu hỏi đầu tiên ập vào tâm trí bạn khi mong đợi những cú đá tiếp theo của bé.

Thông thường, bạn sẽ cảm thấy ngất ngây với vài cú hích hiếm hoi của cục cưng. Càng trở về sau, tức giai đoạn thứ 2 và 3 thai kỳ, cú đá của bé dần mạnh mẽ và thường xuyên hơn, thậm chí có thể khiến mẹ thấy khó chịu một chút. Đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ, bé có thể ngọ nguậy khoảng 30 lần mỗi giờ đồng hồ.

Thời gian thai nhi cử động cũng không khó để xác định, chúng thường xảy ra trong những khoảng thời gian nhất định của ngày. Theo nghiên cứu, thai nhi hoạt động mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng. Điều này là do lượng đường trong máu của cơ thể mẹ có sự thay đổi rõ rệt.

Cũng có thể thai nhi bị giật mình bởi âm thanh hoặc cử động nhạy cảm nào đó. Như bà bầu Minh Anh (TP. HCM) từng chia sẻ: “Vào khoảng tháng thứ 6 mình rơi vào trạng thái mất ngủ thường xuyên, không chỉ vì đủ loại đau nhức trên cơ thể mà còn vì thiu thiu một chút là con bắt đầu đá lung tung vào bụng mẹ.

Nhiều hôm bé đá đau khiến mẹ phải ngồi dậy xoa bụng một hồi lâu mới ngủ lại được. Không chỉ vậy, những lúc sau bữa ăn khuya bé cũng hiếu động ngọ nguậy đòi mẹ ngồi nghỉ trên ghế mới chịu dừng
”.

Đừng ngại hoạt động con nhé!


Mặc dù những cú đá của bé có thể khiến mẹ giật mình và nặng nhọc đôi chút, nhưng đây là dấu hiệu tốt cho sự phát triển và hoàn thiện từng ngày của cục cưng. Một khi thai nhi đã hình thành đầy đủ, thường là tuần thứ 28, tốt nhất bạn nên theo dõi những cử động của bé để đảm bảo không có dấu hiệu bất thường nào xảy ra.

Việc đếm những cú đá karate sẽ giúp bạn theo dõi chu kỳ hoạt động bình thường của trẻ. Để thực hiện việc này, tốt nhất bạn nên chọn khoảng thời gian thai nhi hiếu động nhất, như sau bữa tối hoặc đến giờ ngủ.

Nếu thấy khó chịu, hãy chọn tư thế thoải mái hoặc ngồi hoặc nằm một bên tùy bạn, rồi đếm. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, bạn có thể đếm được ít nhất 10 cú đá của em bé trong bụng.

Nếu thai nhi không thực hiện đủ những cử động trong bụng mẹ trong vòng 2 giờ, bạn vẫn có thể thử đếm lại vào lần khác trong ngày.

Nhưng nếu sau đó bạn không thể cảm nhận được 10 cú đá trong thời gian mặc định, hoặc bé trở nên thụ động hơn những ngày thường, hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe thai phụ để kiểm tra nhịp tim và mức độ hoạt động của thai nhi.

Theo Thu Uyên (Mẹ yêu bé)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu