Chiêu dạy con từ trong bụng mẹ (P.1)

Ngày 09/05/2013 14:00 PM (GMT+7)

Từ trong bụng mẹ, bé đã có thể nghe được, cảm nhận được... thậm chí còn học hỏi và nhớ được một số điều.

Phần 1: “Thầy giáo âm thanh” cho bé trong bụng mẹ

Trái ngược với các quan niệm y khoa trong vài thập niên trước cho rằng thai nhi vô cảm, chưa hình thành và chưa có nhân cách. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, người ta khám phá ra rằng em bé của bạn đã có nhân cách và sở thích riêng ngay từ trong bụng mẹ. Khi còn là một bào thai, bé đã biết những gì mình thích và không thích rất rõ ràng. Do đó, bất kỳ hoạt động nào của bạn, từ sự di chuyển, quan hệ xã hội cho đến nghe nhạc, đọc sách, xem phim v.v… đều có ảnh hưởng nhất định đến bé. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng không cần đợi đến khi sinh ra đời, giai đoạn trong bụng mẹ chính là thời gian lý tưởng để bạn áp dụng các biện pháp thai giáo giúp bé hình thành tình cảm và phát triển nhân cách tích cực nhất.

Ngày càng có nhiều biện pháp dạy bé trong bụng mẹ như thai giáo bằng tận dụng các giác  quan, bằng sự vuốt ve, bằng hình ảnh đẹp, bằng sự di chuyển của mẹ v.v…, trong đó thai giáo bằng âm thanh được các mẹ áp dụng phổ biến và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, không phải mẹ nào cũng am hiểu đầy đủ các biện pháp thai giáo bằng âm thanh, và kết quả là, có không ít mẹ áp dụng sai phương pháp, thay vì “bổ” cho bé, lại mang đến hậu quả “dội ngược” cho chính mẹ và con.

Chiêu dạy con từ trong bụng mẹ (P.1) - 1
Cho bé nghe nhạc là rất tốt, tuy nhiên các mẹ cần phải biết lựa chọn loại nhạc phù
hợp cho cả hai mẹ con nếu không muốn bị phản tác dụng (ảnh minh họa)

Muôn kiểu thai giáo bằng âm thanh “phản tác dụng”

Tham khảo ý kiến của bạn bè và các nguồn thông tin trên Internet, chị My (Q.Tân Bình, TP HCM) thấy âm nhạc cổ điển có tác dụng rất tốt cho bé trong bụng mẹ, ví dụ như sẽ giúp bé thông minh, nhanh nhạy hơn khi ra đời. Vì vậy, mặc dù không hợp “gu” với các loại nhạc cổ điển như nhạc của Mozart, Bethoven, Vivaldi, Teleman và Handel v.v… chị vẫn “bấm bụng” nghe lấy nghe để khi mang thai đứa con đầu tiên của mình. Biện pháp thai giáo bằng âm thanh này được chị My “khai thác triệt để” ngay từ những tháng đầu thai kì, chị nghe bất cứ lúc nào rảnh rỗi và hầu như nghe suốt cả ngày với hy vọng bé yêu của mình khi ra đời sẽ thông minh và biết đâu may mắn lại thành thiên tài như các thần đồng âm nhạc. Mặc dù mỗi lần nghe loại nhạc này chị chẳng thấy thoải mái chút nào. Do đó, đến tháng thứ 6 của thai kì, chị dường như đã “ngán tận cổ” mỗi khi tiếng nhạc réo rắt quen thuộc cất lên, thậm chí ngày càng stress mặc dù công việc nhàn hạ và cuộc sống gia đình không có áp lực nào đáng kể.

Đồng quan điểm với chị My, chị Hằng (Q3, TP HCM) cũng chọn âm nhạc làm “thầy giáo” cho thiên thần nhỏ sắp chào đời của mình. Do nghĩ rằng em bé nằm trong bụng mẹ bị ngăn cách bởi một bức tường nước ối nên sẽ khó nghe rõ được âm thanh nếu vặn nhạc nhỏ, mỗi lần bật nhạc, chị đều vặn volume hết mức để bé có thể “cảm thụ” âm nhạc một cách trọn vẹn nhất. Không biết bé của chị có cảm nhận được như chị mong muốn hay không, nhưng mỗi lần chị nghe nhạc, bé của chị lại máy rất mạnh và thường xuyên đạp vào người chị một cách kích động. Vẫn cứ yên tâm là mình đang thai giáo đúng, chị Hằng hoàn toàn ngã ngửa khi chị bạn thân là bác sĩ nhi khoa tình cờ đến chơi nhà trong một lần chị nghe nhạc đã phải vội vàng cảnh báo, âm nhạc quá lớn có thể làm cho bé yêu giật mình khó chịu thay vì cảm thấy thư thái, dễ chịu như chị vẫn thường nghĩ.

Trong khi đó, chị Tâm (Q3, TP HCM) lại nghe nhiều về hiệu quả của việc vừa tâm sự vừa xoa vuốt bụng bầu giúp gắn kết tình cảm mẹ con ngay cả khi bé chưa ra đời. Thế là chị cũng bắt đầu áp dụng với mong muốn em bé sẽ cảm thấy yên tâm và ấm áp ngay trong bụng mẹ, từ đó phát triển thể chất và tinh thần tốt hơn. Nhưng chị lại quên mất mình đã từng có tiền sử sảy thai trước đó, vì vậy sau một thời gian ngắn áp dụng, chị bị đau bụng và được người nhà đưa đến bệnh viện. Tại đây, chị hoảng hốt khi biết rằng do vuốt ve bụng bầu không đúng cách, may mắn phát hiện kịp thời, nếu không chị sẽ có nguy cơ sảy thai lần nữa.

Những lưu ý khi chọn âm thanh làm “thầy giáo” cho thai nhi

Theo các tài liệu y khoa hiện đại, thính giác là một trong những cơ quan phát triển rất sớm của thai nhi trong bụng mẹ. Đến tháng thứ 5, tức khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ,  tai bé đã hoàn thiện về cấu trúc giải phẫu, đến 22 tuần tuổi thai nhi đã có thể nghe được tiếng chảy của dòng máu, tiếng đập của tim, tiếng sôi bụng của mẹ. Bé có thể nghe được âm thanh bên ngoài tử cung và có thể đáp trả các tiếng động, nhịp điệu và cả âm nhạc du dương, vì vậy đây cũng là thời kỳ các mẹ có thể triển khai các hoạt động thai giáo bằng âm thanh cho bé. Tuy nhiên, khi triển khai các hoạt động này, các mẹ cần tuân thủ các lưu ý sau để hoạt động thai giáo không bị “phản tác dụng” như vừa nêu trên.

Chiêu dạy con từ trong bụng mẹ (P.1) - 2
Các mẹ chỉ nên nghe nhạc với số lần và thời gian giới hạn trong ngày,
tránh gây mệt mỏi cho cả mẹ và con (ảnh minh họa)

Thai giáo bằng âm nhạc

Khoa học đã chứng minh âm nhạc với các giai điệu nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu mềm mại như nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng có tác dụng giúp mẹ và thai nhi cảm thấy dễ chịu hơn, vì những bản nhạc này thường có tần số nhịp từ 60 – 80 nhịp/phút, tương tự với tần số nhịp tim của con người nên dễ dàng hóa giải những căng thẳng, buồn phiền, lo âu cho các bà mẹ mang thai, nhờ đó cũng mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu cho thai nhi.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là nhất thiết các mẹ phải nghe nhạc giao hưởng, cổ điển hay thính phòng. Các giai điệu âm ái, du dương của nhạc dân ca, nhạc dân tộc, nhạc đồng quê, những bản nhạc âm thanh vui nhộn, ca từ trong sáng, mượt mà mà mẹ yêu thích v.v… cũng có tác dụng tương tự. Vì vậy, nếu không muốn nghe nhạc thính phòng, các bà bầu chỉ cần đơn giản thay đổi bằng các loại nhạc vừa nêu, thay vì “hành xác” mình làm cả mẹ và con cùng căng thẳng.

Đồng thời, thời gian, tần suất nghe nhạc cũng rất quan trọng và quyết định đến hiệu quả thai giáo. Các mẹ không nên nghe nhạc quá nhiều, mỗi lần chỉ nên nghe không quá 20 phút, và thường chỉ nên nghe từ 2-3 lần/ngày. Do bé thường thức giấc khi bạn thư giãn và ngủ khi bạn hoạt động nên bà bầu cũng nên chọn thời điểm cho thai nhi nghe vào lúc bé thức giấc. Bạn có thể nằm thư giãn trên giường, vừa nghe vừa xoa bụng theo hướng dẫn của bác sĩ để bé cảm nhận hơi ấm từ bàn tay bạn. Còn gì thích hơn với bé khi được chìm trong giai điệu du dương và cảm nhận tình yêu thương từ mẹ …

Một lưu ý quan trọng nữa mà các mẹ cần quan tâm là tùy hoàn cảnh mẹ có thể nghe bằng cách bật nhạc qua loa hoặc sử dụng tai nghe chuyên dụng chỉ dành cho bà bầu để áp vào bụng cho bé nghe. Âm lượng qua loa không được mở quá 70 decibel, nếu không âm thanh quá to có thể khiến thai nhi giật mình khó chịu.

Thai giáo bằng giọng nói của bố mẹ

Từ tháng thứ 6 trở đi, em bé của bạn sẽ biết phản ứng lại với các nguồn âm thanh từ bên ngoài, trong đó có giọng nói của bạn và chồng bạn. Bé sẽ cử động và trườn người đúng lúc với giọng nói của bạn. Bé cũng có thể cử động mạnh hay đạp vào bụng bạn khi bạn cất cao giọng của mình, hoặc bé sẽ cảm thấy được dỗ dành nếu bạn nói nhẹ nhàng và vỗ về bé.

Chiêu dạy con từ trong bụng mẹ (P.1) - 3
Sự âm yếm của cha mẹ sẽ giúp thai nhi cảm thấy bụng mẹ là môi trường thật 
ấm áp và hạnh phúc (ảnh minh họa)

Vì vậy, để mang lại cho  bé cảm giác an tâm, bình yên và ấm áp, bạn nên hát hay nói chuyện âu yếm, tràn đầy yêu thương với bé. Vai trò của người bố trong giai đoạn này cũng rất quan trọng đối với bé. Nếu bé được bố chuyện trò ngay từ trong bụng mẹ thì sau khi chào đời, bé có thể nhận ra tiếng cha mình trong một phòng đông người và đáp ứng lại một cách đầy thiện cảm: nếu đang nổi giận, bé sẽ ngưng khóc ngay và nguôi đi. Ngoài chuyện trò hay hát cho bé nghe, bố mẹ có thể đọc cho bé nghe những câu chuyện có nội dung trong sáng, ngôn từ mượt mà, đầy giai điệu như truyện ngụ ngôn, cổ tích v.v… với chất giọng du dương, truyền cảm.

Khi thai giáo bằng cách giao tiếp bằng giọng nói với bé, bố mẹ cần kết hợp thêm các động tác vuốt ve để bé cảm nhận được tình yêu thương vô bờ đang dành cho mình. Tuy nhiên, các động tác vuốt ve phải thật nhẹ nhàng, thường là vỗ vào thành bụng, vuốt xuống bụng nhẹ nhàng, lưu ý không được vò bụng ở đáy tử cung. Mẹ và bố cũng có thể dùng một ngón tay ấn nhẹ vào bụng, sau đó thả ra, ấn nhẹ ngón tay từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. thời gian thường khoảng dưới 10 phút trước giờ đi ngủ mỗi ngày. Bố mẹ cần lưu ý vuốt ve bằng ngón tay chứ không nên dùng bàn tay xoa bụng bầu, bởi xoa bụng bầu có thể làm tử cung xuất hiện những cơn co, dẫn tới động thai, sảy thai hoặc sinh non. Đối với những thai phụ có tiền sử sảy thai hoặc sinh non càng phải tránh tuyệt đối hành động này.

Tóm lại, khi nằm trong bụng mẹ, bé đã có thể nghe được, cảm nhận được, hiểu được, phản ứng được, thậm chí bé còn học hỏi và nhớ được một số điều. Vì vậy, bằng việc thai giáo cho bé bằng những giai điệu âm nhạc mượt mà, những lời nói âu yếm, du dương đầy yêu thương của bố mẹ, bé sẽ cảm thấy an toàn và hoàn toàn yên ấm trong bụng mẹ. Nếu bé cảm thấy thế giới mà bé đang sống là một nơi an toàn cho bé, bé sẽ phát triển được niềm tin và nhân cách sống tích cực. Đây là những điều tốt đẹp mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong ước cho những thiên thần nhỏ của mình.

Mời các mẹ bầu theo dõi tiếp Phần 2: Lợi ích từ thai giáo bằng thị giác vào lúc 14h00 ngày 10/5/2013 trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác