Chưa hết mệt với quý 2 thai kỳ

Ngày 06/06/2013 19:00 PM (GMT+7)

Nhiều vấn đề về sức khỏe và thể chất mà bà bầu có thể phải đối mặt trong giai đoạn này.

Quý 2 thai kì được tính từ khi mang thai ở tuần thứ 13 đến tuần 28 và được xem là khoảng thời gian dễ chịu nhất của các mẹ bầu, khi hầu hết các triệu chứng “đáng ghét” ở quý đầu tiên như ốm nghén, chán ăn, buồn nôn v.v… dần bay biến. Tuy nhiên, vẫn có không ít bà bầu lại ngán ngẩm ở thời điểm này, vì những mệt mỏi về thể chất và tâm trạng khó ở trong người vẫn còn đeo bám.

Sau đây là những khó chịu phổ biến nhất ở bà bầu vào 3 tháng giữa thai kỳ:

1. Mệt mỏi

Mặc dù cảm giác mệt mỏi thường gặp nhất vào những tháng đầu mang thai và được dự báo sẽ kết thúc từ quý 2 của thai kỳ, khi cơ thể bà bầu đã có kinh nghiệm cũng như tích lũy đủ năng lượng để chống chọi với triệu chứng này, nhưng không phải vì vậy mà tất cả thai phụ đều tràn đầy sức sống ở các tháng sau đó. Ngược lại, có một số chị em vẫn cảm thấy rất mệt mỏi và khó ở. Những cơn mệt ở giai đoạn này thường xuất hiện vào buổi chiều sau một ngày làm việc dài, thậm chí sau các hoạt động đơn giản như làm việc nhà, nấu ăn, chăm sóc con nhỏ v.v…

Để khắc phục tình trạng này, bà bầu cần ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn. Mỗi ngày nên có những giấc ngủ ngắn khoảng 5 – 10 phút, ngủ thật sâu, hoặc nằm  nghỉ ngơi và gác chân lên gối cao, nghe nhạc êm dịu v.v…, bạn sẽ cảm thấy tinh thần sảng khoái, phấn chấn hơn. Đồng thời, nhằm giữ cho cơ thể luôn có sẵn năng lượng hoạt động, chị em nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày với các thực phẩm giàu chất sắt và protein, uống nước cam quýt khi ăn các thực phẩm chứa sắt để giúp cơ thể hấp thu chất này tốt hơn… Các động tác thể dục hay Yoga nhẹ nhàng dành cho bà bầu cũng là những biện pháp giảm mệt mỏi khá hiệu quả, bên cạnh đó còn giúp bà bầu giải tỏa căng thẳng và ngủ tốt hơn vào ban đêm.

Chưa hết mệt với quý 2 thai kỳ - 1

Các cơn mệt mỏi sẽ chóng hết nếu mẹ bầu tranh thủ ngủ ngắn và nghỉ ngơi đầy đủ trong ngày (hình minh họa)

2. Chóng mặt, khó thở

Tình trạng khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, tay chân run rẩy v.v…cũng thường xuyên “viếng thăm” bà bầu trong khoảng thời gian này. Trong đó khó thở và chóng mặt được xem là phổ biến hơn cả.

Nguyên nhân gây khó thở thường là do thai nhi đã bắt đầu lớn, gây sức ép lên lồng ngực và phổi làm bà bầu cảm thấy mệt nhọc khi hô hấp. Ngoài ra khó thở còn do trong giai đoạn thai nghén, nhu cầu về oxy của mẹ và bé tăng cao, làm mẹ phải thở nhanh và nhiều hơn để lấy oxy; nhu cầu về lượng máu trong cơ thể cũng gia tăng, cụ thể lượng máu cung cấp cho tử cung và da tăng 100%, cho thận 25%, dẫn đến nhịp hoạt động của tim cũng phải tăng gấp đôi để phát triển các phủ tạng, do đó mà phổi cũng phải hoạt động nhiều hơn. Đồng thời dưới tác động của lượng hormone progesterone gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, gây kích thích trung tâm điều khiển hô hấp trên não, làm nhịp thở trở nên khó khăn và gấp gáp hơn … Hầu hết tình trạng khó thở và thở gấp này là bình thường và không gây hại.

Khi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu chỉ nên tăng cường nghỉ ngơi, ngồi hay đứng nên giữ thẳng lưng để phổi có khoảng không và dễ tiếp nhận oxy hơn. Tuyệt đối tránh cong người vì sẽ cảm thấy khó thở hơn. Khi ngủ chị em có thể kê vài chiếc gối nhỏ ở phần thân trên để tránh thai nhi gây áp lực chèn lên phổi.Bà bầu cũng rất dễ cảm thấy chóng mặt hay choáng váng vào thời kỳ này do trọng lượng của thai nhi ép lên các tĩnh mạch mang máu từ phần dưới cơ thể quay lại tim, do lượng đường trong máu thấp hoặc do máu dẫn lên não bị thiếu hụt, thường gây ra bởi máu bị tụ lại ở hai chân và bàn chân khi đứng, song song với nhu cầu gia tăng lượng máu ở tử cung. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra nếu bà bầu đứng lên quá nhanh hoặc đứng quá lâu, nhất là khi thời tiết nóng bức.

Để hạn chế tình trạng chóng mặt hay choáng váng, bà bầu nên tránh đứng quá lâu, hạn chế nằm ngửa, không đứng lên ngồi xuống quá đột ngột hay bước ra khỏi phòng tắm quá nhanh, đồng thời giữ cơ thể mát mẻ khi thời tiết trở nên nóng bức. Một chế độ ăn nhẹ giữa các bữa chính, ăn nhiều chuối cũng giúp ích cho bà bầu vì chúng giúp cân bằng lượng đường trong máu. Nếu cảm thấy chóng mặt, bà bầu nên nằm xuống nghỉ ngơi, chân gác lên gối cao, hoặc ngồi xuống, cúi đầu kẹp giữa hai gối.

Chưa hết mệt với quý 2 thai kỳ - 2

Khó thở, choáng váng làm bà bầu cảm thấy rất khổ sở và dễ ngất nếu kèm theo căn bệnh huyết áp thấp thai kỳ (hình minh họa)

Mặc dù khó thở, thở gấp, hay choáng váng, chóng mặt là tình trạng bình thường trong giai đoạn này, nhưng nếu khó thở kèm theo mệt, chóng mặt, hoa mắt v.v… có thể là biểu hiện của nguy cơ huyết áp thấp ở bà bầu, khi đó chị em cần đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời, vì nếu không khắc phục có thể dẫn đến tình trạng ngất, té ngã gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

3. Đau nhức

Vào thời gian này, các mẹ có thể phải đối mặt với các cơn đau nhức ở nhiều khu vực trên cơ thể như đau háng, đau lưng, đau xương sườn …Đau háng thường là những cơn đau nhói, ngắn sẽ xuất hiện ở khu vực này khoảng từ tuần thứ 24 trở đi. Cơn đau háng có thể sẽ chuyển mạnh hơn khi đứng, di chuyển, đi bộ, ho hay thay đổi tư thế. Có nhiều lý do gây nên những cơn đau bất thường này, một trong số đó là do dây chằng và các cơ tử cung giãn ra để tạo chỗ cho bào thai phát triển. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng đau háng có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu,  nếu kèm theo tiểu gắt, đau, bà bầu cần đến bác sĩ để được chuẩn đoán và điều trị sớm.

Trong khi đó, các cơn đau lưng lại gây khó chịu ở phần thắt lưng kèm theo đau nhức từ hai mông chạy xuống dưới hai chân. Cơn đau có thể xuất hiện khi bà bầu đứng quá lâu không đúng tư thế hoặc sau khi nâng một vật nặng. Bà bầu còn có thể phải đối mặt với những cơn đau thắt lưng dữ dội khi xoay người làm đốt xương sống và hông ngược chiều nhau, chẳng hạn như trở mình trên giường. Để hạn chế đau lưng, chị em nên xoa bóp, tập thể dục hay Yoga cho bà bầu để tăng lực cho xương sống.

Một khó chịu khác chính là tình trạng đau nhức xương sườn, thường vào cuối quý 2, khi tử cung ngày càng mở rộng và nhô lên ở vùng bụng làm xương sườn bị ép, cũng như bé bắt đầu đạp mạnh đến quá mạnh. Biểu hiện của cơn đau xương sườn là cảm giác buốt nhói, nhạy cảm ở lồng ngực, thường bên phải hay dưới vú, đặc biệt gia tăng khi ngồi. Do đó, để hạn chế tình trạng này, bà bầu nên mặc quần áo rộng rãi để cơ thể không bị gò bó, chọn tư thế ngồi tốt, dùng gối mềm kê khi nằm …

4. Ợ nóng và táo bón

Dù vào quý 2 thai kỳ, các vấn đề về tiêu hóa vẫn có thể làm khổ bà bầu. Thai phụ sẽ phải đối diện với chứng ợ nóng, là cảm giác nóng ngay sau xương ức, đôi khi có dịch axit trong dạ dày ợ lên miệng, thường xảy ra khi nằm, ho, rặn đi ngoài hay khiêng vật nặng; do em bé ép vào dạ dày, đẩy thức ăn từ dạ dày trở lại thực quản. Để hạn chế tình trạng này, bà bầu nên ăn ít và ăn nhiều lần để giữ dạ dày không quá đầy, kê gối cao khi ngủ, dùng một ly sữa nóng trước khi đi ngủ để giúp trung hòa axit trong dạ dày.

Một khó chịu khác về đường tiêu hóa là tình trạng táo bón, thường xảy ra do chuyển động của ruột bị giảm, do hormone progesterone làm dãn các cơ nằm trong vách ruột già … Để tránh táo bón, mẹ bầu nên uống nhiều nước, dùng nhiều thực phẩm giàu chất xơ và di chuyển thường xuyên hơn.

Chưa hết mệt với quý 2 thai kỳ - 3

Uống nhiều nước, dùng nhiều thực phẩm giàu chất xơ, rau quả giúp bà bầu phòng ngừa chứng táo bón rất khó chịu trong suốt thai kì (hình minh họa)

5. Các vấn đề về da

Khi thai nhi lớn lên, làn da trên cơ thể bà bầu sẽ bị căng và xuất hiện nhiều vết rạn ở ngực, bụng, đùi … Mặc dù rạn da là điều bình thường, có thể mờ dần và mất hẳn sau sinh, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của các mẹ. Vì vậy, để phòng tránh và hạn chế tình trạng này, bà bầu nên giữ cho cơ thể không bị mất nước, giữ ẩm da bằng các loại kem chống rạn da an toàn và có xuất xứ rõ ràng.

Ngoài rạn da, những vấn đề về da khác cũng có thể sẽ “hành hạ” bà bầu từ những tháng này trở đi cho đến lúc sinh bé như lòng bàn tay và gan bàn chân dễ bị đỏ, ngứa, da bị ngứa hoặc phồng ở vùng bụng, khu vực giữa 2 đùi bị rộp do cọ xát, nổi mẩm đỏ ở vùng bẹn và dưới 2 vú do lên cân nhiều và ứ đọng mồ hôi ở các nếp gấp, các vết sậm dần xuất hiện trên da v.v…

6. Những bất ổn tạm thời khác

Ngoài những vấn đề nêu trên, 3 tháng giữa thai kỳ bà bầu còn có thể thấy mệt với những thay đổi không dễ chịu khác như móng tay và chân có thể bị giòn, nứt hoặc gãy dễ dàng hơn; tuần hoàn máu tăng gây mềm nướu làm chảy máu khi đánh răng; cơ thể giữ nước làm giác mạc dày hơn, áp lực nước trong nhãn cầu giảm dẫn đến mắt nhìn hơi mờ hơn bình thường; bụng to làm bà bầu dễ mất thăng bằng, vấp ngã, gây đổ vỡ  v.v… Do đó, dù trong khoảng thời gian dễ chịu nhất của thai kỳ, chị em vẫn nên nghỉ ngơi và có chế độ tẩm bổ phù hợp, đồng thời nên giữ tâm lý thoải mái nhất vì các triệu chứng này sẽ dần biến mất sau khi các mẹ sinh bé.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác