Chuyện đi đẻ trên đất Đức của tôi (P.2)

Ngày 30/12/2013 08:40 AM (GMT+7)

Những ngày sau sinh, nếu không có y tá đến tận nhà chăm sóc, chắc tôi đã bị kiệt sức.

Tham khảo Phần 1 về thời gian mang thai và sinh nở tại Đức của mẹ Hoàng Hà tại đây.

Thẻ bảo hiểm và sổ y bạ

Đây là hai thứ giấy tờ duy nhất tôi mang theo người và tôi cần đến trong suốt thời gian mang thai cho đến sau khi sinh. Với tấm thẻ bảo hiểm, tôi có thể chọn đi khám ở bất kỳ trung tâm y tế tư nhân nào và sinh con ở bất kỳ bệnh viện nào. Tôi chỉ đến bệnh viện khi bác sỹ theo dõi tôi ở phòng khám tư thấy cần thiết phải hỏi ý kiến đồng nghiệp của mình ở bệnh viện. Với những bệnh viện mà tôi chọn để đẻ, tôi không cần phải đăng ký trước hay làm bất kỳ thủ tục nào trước.

Trong quá trình mang thai tôi đi cấp cứu 1 lần, đi khám ở bệnh viện mà tôi đẻ 3 lần do bác sỹ riêng của tôi gửi đến, và đi khám bất thường ở một bệnh viện tại một thành phố khác nơi tôi sinh sống 1 lần. Trong tất cả những lần này, về mặt thủ tục tất cả những gì tôi cần làm là chìa ra chiếc thẻ bảo hiểm. Nhân viên ở quầy lễ tân mất khoảng từ 2-5 phút để ghi lại thông tin trên thẻ bảo hiểm của tôi trước khi trả lại tôi tấm thẻ. Việc thanh toán những dịch vụ mà tôi sử dụng là việc giữa bảo hiểm và bệnh viện/các cơ sở y tế tư nhân. Tôi chưa bao giờ trả một đồng xu nào về bất kỳ một khoản gì, chưa bao giờ dọa dẫm, nhờ vả, đút lót ai để được hưởng các dịch vụ y tế. Có thể nói chi phí giao dịch với tấm thẻ y tế mà tôi mang là bằng không, hay nói cách khác, tôi hưởng các dịch vụ y tế một cách đầy đủ và dễ dàng với tấm thẻ bảo hiểm trong tay. Thẻ bảo hiểm cũng có giá trị với con tôi, tức là việc tiêm phòng, khám định kỳ, khám bất thường, vv.. tất cả đều được bảo hiểm chi trả.

Chuyện đi đẻ trên đất Đức của tôi (P.2) - 1
Ảnh mẹ và Bon yêu

Cuốn sổ y bạ là vật bất ly thân thứ hai. Mỗi lần đi khám ở phòng khám tư nhân tôi đều được đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu (3 tháng một lần), đo huyết áp, nghe tim thai, siêu âm. Kết quả được ghi đầy đủ vào cuốn sổ y bạ, và trong mọi trường hợp- các bác sỹ ở bệnh viện đều có sẵn những thông tin mà họ cần biết về tôi. Chính vì vậy tôi không cần khám “thêm” một lần nữa ở bệnh viện mà tôi muốn sinh, cũng không cần phải đăng ký trước.

Chăm sóc sau sinh - bà đỡ và bác sỹ tư

Theo chế độ bảo hiểm, tôi được một bà đỡ đến nhà chăm sóc 1 tháng trước và 2 tháng sau khi sinh. Mười ngày đầu tiên cô đến hàng ngày, và sau đó một tuần 3 lần, rồi giảm dần xuống một tuần 1 lần. Mỗi lần đến, Jutta (tên cô bé) đều mang theo hai chiếc túi nặng khoảng 20 kg, và chúng giống như chiếc bị thần đối với chúng tôi. Jutta khám vết thương cho tôi, bỏ cu Bon vào chiếc túi bé xíu và cân mỗi lần đến thăm chúng tôi, hướng dẫn cách tắm cho Bon, xem xét việc ăn ngủ của Bon, và trả lời tất cả các câu hỏi của hai vợ chồng tôi. Cu Bon một ngày không ị là vật vã, không chịu ngủ, quấy hàng tiếng đồng hồ, Jutta rút trong chiếc bị thần ra một vỉ thuốc mật ong, dặn bẻ một nửa viên đút vào hậu môn bé. Cu Bon bị mẩn đỏ ở hai bên bẹn, Jutta đưa cho tôi một lọ kem chống hăm dặn bôi hàng ngày. Mấy ngày sau cu Bon lại bị mẩn ở bụng dưới, vết mẩn khác lần trước, Jutta lại rút bị thần ra đưa cho tôi một loại kem khác.  Cứ mỗi ngày chúng tôi lại gặp những vấn đề mới trong việc chăm sóc cu Bon, và Jutta giúp chúng tôi vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ nhất. Jutta tư vấn cho tôi từ những việc nhỏ như uống nước củ cải đỏ để tăng hồng cầu, dùng tinh dầu hoa cúc để chăm sóc vết thương, đến những việc lớn hơn như liên hệ với các tổ chức xã hội để tìm tình nguyện viên giúp tôi chăm sóc Bon trong những ngày chồng tôi đi vắng.  

Sau khi sinh sức khỏe của tôi yếu. Sáu tuần đầu quả là một khoảng thời gian đặc biệt. Cu Bon sinh hoạt không theo bất cứ một quy luật nào. Đang ăn thì ị, vừa thay bỉm xong thì lại ị tiếp, thay bỉm xong thì khóc, không ăn nữa, dỗ Bon nín khóc thì lại đói, vừa bú 45 phút đến một tiếng xong, đặt xuống giường ngủ 15 phút lại khóc đòi bú, tôi lại bế lên cho bú tiếp, bú xong thì khóc, dỗ hết 1 tiếng đồng hồ xong, ngủ được 30 phút lại dậy khóc đòi bú... Cứ như vậy, tôi không phân biệt ngày đêm nữa, vì ngày cũng như đêm, phần lớn thời gian là tôi bế con cho bú và nhìn chong chong vào cái đồng hồ để đếm xem con bú được bao nhiêu phút rồi và để hy vọng đây sẽ là lần cho ăn cuối trước khi con ngủ được một giấc 2-3 tiếng liền.

Chuyện đi đẻ trên đất Đức của tôi (P.2) - 2
Bố và Bon yêu

Chồng tôi vừa đi siêu thị, mua đồ ăn nước uống, vừa nấu ăn, rửa bát, đổ rác, giặt quần áo cho Bon và tôi, vừa giúp tôi trông Bon. Mỗi ngày chúng tôi chỉ có thời gian để nhìn nhau một lần, cầm tay nhau để động viên nhau, nhiều khi không nói được câu nào vì cả hai cùng không còn sức nữa. Đến tuần thứ 5 thì tôi kiệt sức vì thiếu ngủ, và người vẫn còn quá yếu. Tôi sốt 40 độ 2 ngày liền. Tôi nhớ đến bác sỹ riêng của mình ở phòng khám tư, người vẫn chăm sóc tôi trong 9 tháng mang thai. Tôi quay lại gặp bác sỹ mặc dù chưa đến 6 tuần. Nhìn bộ dạng của tôi, và nghe tôi kể sự tình, bà gửi ngay tôi xuống một bác sỹ ở tầng dưới trong cùng trung tâm. Ông bác sỹ xem sổ y bạ của tôi, xét nghiệm máu và chỉ định rằng hồng cầu của tôi vẫn rất thấp và cần khôi phục ngay. Ông kê cho tôi thuốc bổ liều cao, một liều gồm 12 loại vitamin, 10 loại chất khoáng, 3 loại omega và hẹn hôm sau đến truyền chất sắt. Dường như là có phép lạ vậy, chỉ sau ba ngày tôi thấy người khỏe hẳn ra và sau 10 ngày tôi đã cảm thấy bình thường, bắt đầu đi bộ và sang tuần sau đó đã đi được xe đạp.

Chúng tôi đẩy xe nôi ra ngắm cảnh sông Ranh mỗi buổi chiều. Vào một buổi chiều như thế, nằm dài trên ghế đá, nhìn lên trời cao, và nhìn ra sông Ranh mênh mông, gió mát rười rượi, bên cạnh là chồng tôi và cu Bon trong xe nôi, tôi thấy đời thật đẹp. Tôi thầm cảm ơn nước Đức, và những con người đã tạo dựng một hệ thống chăm sóc y tế tuyệt vời, đã giúp tôi vượt qua những giờ phút cam go nhất, đi cùng tôi đến tận giây cuối cùng để trả tôi về với cuộc sống bình thường. 

Mẹ Hoàng Hà (đang sinh sống tại Đức)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu