'Đỏ mặt' vì thay đổi lạ khi bầu bí

Ngày 13/06/2013 14:00 PM (GMT+7)

Bầu bí có khi gây ra nhiều tình trạng lạ lùng khiến các mẹ phải... ngại ngùng.

Thời gian mang thai luôn mang đến niềm hạnh phúc khó tả cho các mẹ bầu khi sắp được đón con yêu chào đời. Nhưng tác động của lượng hormone sản xuất trong thời gian này cũng khiến không ít chị em phải “dở khóc dở cười” vì đủ kiểu thay đổi lạ lùng trên cơ thể. Với những chị em vốn xem trọng vẻ đẹp hình thể thì đây là lúc tâm trạng tràn ngập cảm xúc mâu thuẫn, một mặt tự hào vì thiên chức làm mẹ, một mặt cảm thấy đầy tự ti và hụt hẫng do cơ thể quen thuộc ngày nào nay bỗng hóa “lạ lẫm” đến không ngờ.

Muôn kiểu biến đổi cơ thể khiến mẹ bầu "đỏ mặt"

Mới mang bầu được hơn 3 tháng, chị Mai Lan, nhân viên văn phòng ở Q1, TP HCM cảm thấy rất bối rối với sự thay đổi không ngờ trên cơ thể mình. Ngoài chứng ốm nghén thường gặp ở những tháng đầu thai kì, chị còn rất khó chịu với việc mồ hôi liên tục đổ đầm đìa, mũi thì lúc nào cũng sụt sịt. Thay đổi này khiến chị luôn cảm giác người mình không được sạch sẽ. Do làm việc trong môi trường máy lạnh đông người, nên để hạn chế nỗi ám ảnh vì mùi hôi cơ thể, chị quyết định “cầu cứu” đến nhiều loại nước hoa đắt tiền. Nhưng nếu như ngày trước mỗi khi dùng nước hoa chị đều được cả phòng khen ngợi vì gu chọn mùi hương tinh tế, thì giờ đây mọi người lại nhăn mặt khó chịu. Một cô bé đồng nghiệp còn thì thầm “bỏ nhỏ” làm chị “sượng cả người”: “Sao chị đổi mùi nước hoa gì mà nồng nặc thế?”.

Đỏ mặt vì thay đổi lạ khi bầu bí - 1
Đổ mồ hôi gây nhiều khó chịu cho mẹ bầu, vì vừa nóng bức vừa sợ
cơ thể sẽ có mùi (hình minh họa)

Trong khi đó, bà bầu Thanh Minh, nhân viên kế toán tại Dĩ An, Bình Dương, lại bị trêu đùa vì thường xuyên chảy nước dãi như em bé. Hiện tượng này xuất hiện từ tháng thứ 3 của thai kỳ, và vẫn không “buông tha” chị dù thai nhi đã được 5 tháng. Ngoài những bất tiện trong sinh hoạt, chị còn cảm thấy ngại ngùng khi tiếp xúc với người khác, vì: “Không lẽ vừa nói chuyện với người ta vừa dùng khăn lau miệng như con nít?”.

Còn chị Thu Hương, nhân viên tư vấn tại một công ty thương mại ở Q7, TP HCM lại càng lâm vào những tình huống “cười như mếu” hơn cả bà bầu Mai Lan hay Thanh Minh, vì cái tật táo bón và thỉnh thoảng sình bụng, đầy hơi của mình. Vốn may mắn sở hữu hệ tiêu hóa khá tốt, thời con gái chị tha hồ ăn vặt mà hầu như không hề bị chứng đau bụng, đầy hơi quấy rầy. Nhưng mọi chuyện thay đổi 180 độ khi vừa mang thai bé Sushi. Không chỉ khó chịu vì cái bụng cứ ấm ách, chị còn bị khó tiêu, ợ chua và nhiều lúc… xì hơi không kiểm soát được. Chính vì vậy, nếu lúc trước đầy tự tin và năng động thì giờ mang bầu, cả công ty đều ngạc nhiên khi thấy chị khép kín, ít tiếp xúc hẳn. Còn chị Hương lại khổ thầm vì có mấy ai hiểu được sự thay đổi “xấu hổ” của chị khi mang thai?

"Sống chung” với các biến đổi lạ khi bầu bí

Không chỉ đối phó với sự thay đổi tâm tính và cảm xúc thất thường trong thời gian bầu bí, chị em còn phải làm quen với những biến đổi đột ngột đầy khó chịu của ngoại hình và cơ thể. Tuy nhiên, một khi đã hiểu vì sao có những thay đổi kì lạ này, bà bầu sẽ tránh được tâm trạng hoang mang và dễ thích nghi hơn. Sau đây là những thay đổi có phần “kì lạ” hay gặp nhất ở cơ thể bà bầu:

1. Tăng dịch nhờn âm đạo 

Lượng kích thích tố cao, cùng với lưu lượng máu cung cấp cho vùng âm đạo gia tăng dẫn đến thai phụ có xu hướng tiết ra nhiều dịch âm đạo hơn bình thường, nhất là từ những tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi. Không cần quá lo lắng trong tình huống này, chị em chỉ  nên thực sự lưu tâm khi dịch tiết kèm khí hư có mùi hôi, tanh, gây ngứa hoặc bỏng rát khi đi tiểu. Nếu dịch nhờn đặc có màu xanh hoặc vàng có thể bạn đã bị viêm nhiễm âm đạo và cần đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Để hạn chế sự khó chịu khi dịch nhờn âm đạo quá nhiều, chị em nên vệ sinh vùng kín hàng ngày, thay quần lót thường xuyên và giữ cho khu vực này luôn khô ráo, sạch sẽ. Có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày để thấm hút. Ngoài ra, tránh thụt rửa hay dùng dung dịch vệ sinh vì có thể gây kích ứng da, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Đỏ mặt vì thay đổi lạ khi bầu bí - 2
Cười lớn có thể làm bà bầu… ngượng cả mặt vì són tiểu (hình minh họa)

2. Són tiểu

Nhiều thai phụ cảm thấy rất bối rối vì bị són tiểu khi cười, hay hắt hơi. Đây là chuyện thường gặp ở bà bầu, vì áp lực của thai nhi đè lên bàng quang của mẹ, cùng với lượng nước tiêu thụ mỗi ngày nhiều hơn bình thường sẽ làm cho bà bầu xuất hiện dấu hiệu són tiểu.

Do đó, để tránh tình trạng này, mẹ bầu cần đi tiểu ngay khi có thể, đặt một miếng lót nhỏ như băng vệ sinh hàng ngày lên quần lót, và thường xuyên thực hành bài tập Kegel giúp xương chậu chắc khỏe: tự co lại rồi giữ chặt các cơ chung quan âm đạo và hậu môn như thể đang cố nín tiểu, giữ càng lâu càng tốt, sau đó nghỉ xả hơi. Mỗi ngày nên tập như thế khoảng 20 lần trở lên, tuy nhiên cần chia thành nhiều bữa tập nhỏ trong ngày. Việc tập cơ Kegel không chỉ giúp bà bầu hết són tiểu mà còn giảm tối thiểu nguy cơ sa tử cung sau sinh.

3. Ngáy to khi ngủ

Khi mang thai, nhiều chị em lại gặp khó khăn khi dỗ giấc ngủ và bị ngáy lúc đã ngủ say, nhất là trong 3 tháng giữa thai kì. Nguyên nhân có thể là do màng nhày trong mũi bị sưng lên, làm mũi bị tắc nghẽn khiến bạn phải chuyển sang thở bằng miệng, từ đó gây ngáy. Để hạn chế tình trạng này, trước khi ngủ, chị em nên nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đầu tư một chiếc gối dành cho bà bầu để giữ tư thế nằm nghiêng sang trái và tránh lăn trở khi ngủ. Đồng thời, gác cao mình trên gối cũng là cách hay để vừa giảm ngáy vừa tránh chứng ợ nóng thường xảy ra khi mang thai. Nếu có điều kiện hơn, hãy thử dùng máy tạo độ ẩm để làm thông thoáng không khí trong phòng ngủ.

4.  Đổ mồ hôi đầm đìa

Hiện tượng đổ mồ hôi đầm đìa thường xuyên xảy ra ở bà bầu, nhất là vào những tháng cuối thai kì. Mặc dù đổ mồ hôi là cách để cơ thể hạ nhiệt, khi sự trao đổi chất và lưu lượng máu trong cơ thể tăng cao làm thân nhiệt bà bầu cao hơn so với bình thường từ 0.3 – 0.5 độ C, nhưng ra quá nhiều mồ hôi lại gây nhiều bất tiện cho thai phụ. Không chỉ làm cơ thể nhớp nháp khó ở, mà còn dễ phát sinh mùi hôi khó chịu, gây viêm nhiễm da nếu không được vệ sinh cẩn thận.

Để khắc phục phần nào tình trạng này, các mẹ nên chọn những trang phục rộng thoáng, chất liệu vải thấm hút tốt và uống nhiều nước lọc, nước trái cây để bù lại lượng nước đã mất qua da. Cũng có thể dùng phấn rôm hay sản phẩm lăn khử mùi cho phần nách để giữ khu vực này luôn khô thoáng. Nhưng bà bầu nên cẩn thận khi dùng nước hoa để không bị “phản ứng ngược” như chị Mai Chi ở trên nhé, vì khi bầu bí hormone trong cơ thể có thể sẽ làm biến đổi mùi hương nước hoa quen thuộc.

5. Chảy nước bọt và rỉ máu nướu răng

Đỏ mặt vì thay đổi lạ khi bầu bí - 3
Chảy máu nướu răng thường xảy ra sau khi bà bầu vừa đánh răng xong (hình minh họa)

Ở một số bà bầu, tình trạng tuyến nước bọt sản sinh một lượng nước bọt lớn hay rỉ máu ở nướu răng cũng có thể xảy ra trong suốt thai kỳ. Đặc biệt, chảy máu nướu răng khá phổ biến và thường gặp nhất sau khi đánh răng. Thậm chí bạn có thể nhận thấy các nốt được gọi là “khối u mang thai” trên nướu răng. Khi gặp tình trạng này, nên thư giãn và đừng lo lắng quá, vì chúng sẽ hết sau khi bạn sinh bé. Để hạn chế tình trạng chảy máu nướu răng, nên chọn bàn chải đánh răng mềm khi súc miệng. Còn với tình trạng chảy nước bọt, tốt nhất là nên nhổ ra khi có thể, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột và uống nhiều nước chanh…

6. Hay… xì hơi

Dù rất xấu hổ vì hay bị… xì hơi, nhưng chị em bầu nên biết rằng đây là tình trạng phổ biến khi mang thai. Nguyên nhân là do trong suốt thai kì, hệ tiêu hóa bà bầu hoạt động chậm hơn, thức ăn vì thế sẽ lưu lại lâu hơn trong dạ dày, dưới tác động của vi khuẩn gây ra hơi khí. Hệ tiêu hóa càng hoạt động chậm thì khí hơi sinh ra càng nhiều. Thêm vào đó, trong thời gian mang thai, vị trí của dạ dày và ruột bị thay đổi do tử cung mở rộng, làm tăng cảm giác đầy hơi khó chịu.

Các mẹ có thể hạn chế tình trạng dễ gây ngượng này bằng cách ăn nhiều bữa ăn nhỏ, khi ăn cố gắng nhai chậm và tránh những thực phẩm gây đầy hơi như súp lơ, cải bắp, hành tây, bông cải xanh và nước uống có gas. Ngoài ra cũng có thể ăn thêm các loại hạt sau bữa ăn vì chúng kích thích hệ tiêu hóa hoạt động nhanh hơn. Khi ngồi nên ngồi thẳng lưng thay vì ngồi cúi người về phía trước, vì tư thế ngồi này sẽ tạo một lực ép tới không gian bụng, gây cảm giác khó chịu và dễ bị xì hơi.

Như Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác