Đừng ham thai to!

Ngày 25/04/2013 10:22 AM (GMT+7)

Các mẹ đừng buồn nếu con mình sinh ra chỉ nặng... 2,5kg nhé!

Theo các chuyên gia khoa sản, cân nặng chuẩn nhất của trẻ sơ sinh khi chào đời là từ 2,5 đến 3,5kg. Nhưng có lẽ hầu hết các mẹ đều không hài lòng nếu chẳng may con mình sinh ra chỉ… 2,5kg. 

Mất ăn mất ngủ vì thai nhi còi

Tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh đứng ngồi không yên và ép mình ăn uống hùng hục chỉ vì lo con còi. Trong những tháng đầu mang thai, em bé của tôi phát triển rất tốt. Vợ chồng tôi còn luôn đùa nhau rằng sợ con sẽ béo phì từ trong bụng mẹ vì lần nào khám thai, cân nặng của con cũng hơn mức chuẩn.

Ấy vậy mà đến tuần 32 thai kỳ (một trong những tuần khám thai quan trọng nhất), tôi đã hoàn toàn sốc khi bác sĩ kết luận thai nhi quá còi. Những lần đi khám khác, bác sĩ đều nói bé phát triển bình thường. Tôi thì vẫn ăn uống điều độ, chẳng nghén ngẩm cũng chẳng chê bất cứ đồ ăn gì. Vậy lẽ nào con tôi còi thật? Trên đường đi khám thai về, tôi đã khóc nức nở bên vai chồng khi nghĩ đến câu nói của bác sĩ: “Em muốn con bị suy dinh dưỡng à?” Đương nhiên là tôi không bao giờ muốn con bị suy dinh dưỡng nhưng biết làm thế nào đây?

Đừng ham thai to! - 1
Tôi đã từng rất lo lắng vì thai nhi bị... còi. (ảnh minh họa)

Từ hôm đó, chồng tôi lên hẳn một thực đơn rất chỉn chu về chế độ ăn uống giúp thai nhi tăng cân nhanh nhất. Và tôi hoàn toàn tự nguyện ăn theo thực đơn này để… tốt cho con. Mỗi ngày tôi phải ăn 2 quả trứng vịt lộn, 2-3 lạng thịt (đặc biệt thịt bò), 3 ly sữa bầu và rất nhiều loại hoa quả khác. Suốt một tháng liền tôi quay cuồng với thực đơn đó. Cứ 2 giờ một lần ăn. Nhiều lúc mải làm tôi quên uống 1 cốc sữa bầu và thầm tự trách bản thân ghê gớm…

Ăn uống ‘nhiệt tình’ là thế nhưng đến tuần 36, con trai vẫn chỉ tăng 400g và lúc đó con chỉ nặng 2,3kg. Tôi hoàn toàn choáng váng vì tôi có tham khảo trên các diễn đàn phụ nữ, các mẹ khoe rằng thai kỳ tuần này đã 3kg hay 'bèo' nhất cũng 2,8kg. Tôi càng ra sức ăn uống và cứ một tuần đi khám một lần. Áp lực ăn uống để con tăng cân đã khiến tôi ăn không biết ngon miệng. Thời gian đó tôi tăng cân nhiều lắm nhưng oái oăm là dưỡng chất toàn vào mẹ chứ không vào con được tí nào. Đến lúc lên bàn sinh, bác sĩ còn đùa tôi sắp trở thành vịt bầu vì béo quá.

Tôi rặn 2 phát là con chào đời (có lẽ vì thai nhỏ nên đẻ dễ) và đúng như kết quả siêu âm, con chỉ nặng 2,7 kg. Lúc đó, tôi hơi buồn một chút vì so với 3 bạn đẻ cùng thì con mình bé nhất. Mẹ tôi trấn an rằng, bé cứ có đầy đủ chân, tay, mặt, mũi là nuôi khắc lớn hết, đâu cần con to làm gì. Tôi tạm hài lòng. Và đúng như mẹ nói, từ lúc chào đời con tôi phát triển rất tốt. Tháng đầu tiên cháu đã tăng 2,1kg.

Nghĩ lại khoảng thời gian ăn uống hùng hục vì con còi nhiều khi tôi thấy hối hận vì rõ là ăn cho con nhưng lại là ăn béo mẹ. Tôi thấy mình dại quá vì cứ cố gắng chạy đua theo cân nặng của con mà không biết rằng sự phát triển của bé phụ thuộc vào cấu trúc gen. Có nhiều bé hấp thụ tốt, tăng cân nhanh nhưng cũng có bé không thể lớn như bố mẹ kỳ vọng. Miễn là thai nhi ổn định, chào đời khỏe mạnh là được.

Con to cũng… hãi

Trái với tôi, chị bạn cùng cơ quan mang bầu cùng cữ lại có nỗi lo thai to quá. Tôi đã luôn so sánh cân nặng của con mình (hồi trong thai) với con chị ấy… mà buồn. Chị mang thai sau tôi 2 tuần nhưng cân nặng con chị lúc nào cũng vượt cu Mốc nhà tôi. Có những khi nói chuyện với chị tôi toàn phải khai quá cân nặng của con để khỏi xấu hổ (đó là cái tôi trong mỗi người mà, ai cũng thích hơn người).

Đừng ham thai to! - 2
Thai nhi to quá sẽ gây khó khăn cho việc sinh nở. (ảnh minh họa)

Vậy nhưng đến những tuần cuối thai kỳ, chị đã phải khổ sở vì cố nhịn ăn theo chỉ định của bác sĩ. Chị kể rằng khi thai nhi được hơn 8 tháng, bé đã nặng 3,5 kg và bác sĩ buộc phải yêu cầu chị “ăn kiêng”. Cái dạ dày đã quen ăn nhiều, đến khi ăn ít đi khó chịu lắm. Bác sĩ còn nói rất nhiều nguy cơ xảy ra khi thai nhi to quá như người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ, sinh nở khó, không thể đẻ thường.

Không chỉ có thể, những bé sinh nặng cân, sau khi sinh dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt những nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy hệ tuần hoàn. Nếu nguy hiểm hơn bé có thể bị xuất huyết não dẫn đến bại nạo. Các bé sơ sinh thừa cần đều có nguy cơ bị bệnh tiểu đường nhiều hơn các bé khác.

Khi đau đẻ, chị nhập viện nhưng đến 2 ngày vẫn không thể đẻ thường được vì đầu thai quá to và không tụt được xuống dưới. Cuối cũng bác sĩ đã chỉ định chị phải mổ đẻ. Sau ca sinh nở trong khi tôi hồi phục ngay 1 ngày sau sinh thì chị phải mất cả tuần nằm liệt giường vì kiệt sức. Chị bảo chị 'cạch đến già' không dám bồi dưỡng quá nhiều khi mang thai nữa (thai kỳ của chị tăng 30kg và em bé chào đời 4,2kg).

Tôi đã tự rút ra kinh nghiệm cho chính mình rằng không nên ham đẻ con to để khổ cả mình, cả con. Theo các chuyên gia, cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh khi chào đời là từ 2,5-3,5kg. Vậy các mẹ đừng quá cố gắng chạy đua tăng cân nặng thai nhi nhé, bởi vì cấu trúc gen của mỗi bé trong bụng mẹ phát triển khác nhau và khi ra đời mới cần chăm sóc nhiều.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu