Giã biệt những vết rạn da

Ngày 07/03/2013 08:25 AM (GMT+7)

Rạn da xuất hiện với xác suất gần 90% đối với các bà mẹ tương lai.

Tuy vậy, khá ngạc nhiên khi hầu hết các thai phụ chỉ lo sợ về những thay đổi khác của cơ thể mà quên đi làn da của mình. Họ không biết được rằng, rạn da rất khó hồi phục, kể cả sau khi sinh con.

Quá trình mang thai kéo theo nhiều thay đổi ở cơ thể và đương nhiên không thể bỏ qua sự lớn dần ở bụng. Chính vì do bụng căng phồng nhanh chóng mà làn da tại khu vực đó kéo giãn quá mức, các sợi collagen và elastin trong da bị gãy đứt nên xuất hiện vết rạn.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các thai phụ đều trải qua hiện tượng nứt da tại cùng thời điểm. Chị Bích Ngọc (Nghệ An) chia sẻ: “Qua cuối tháng thứ 8 mà bụng mình vẫn… không sao, mình tưởng đã thoát khỏi trường hợp này rồi. Ngờ đâu đến 2 tuần cuối trước khi sinh, không chỉ bụng mà cả đùi lẫn ngực rạn nứt rõ rệt”.

Giã biệt những vết rạn da - 1
90% phụ nữ mang thai bị rạn da. (ảnh minh họa)

Trường hợp của chị Ngọc cũng là một ví dụ về việc không thể đoán trước thời điểm của sự rạn nứt da xuất hiện, bởi ngoài sự thay đổi của cơ thể, làn da còn chịu ảnh hưởng của nhiều tác động như gen, hoóc môn và các sắc tố da.

Nhiều thai phụ còn phải trải qua những thay đổi như ngứa, sạm da, mọc mụn trứng cá, phù nề và giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, chúng sẽ biến mất hoàn toàn sau khi bé chào đời.

Rạn da không chỉ ở bụng

Như chị Ngọc đã chia sẻ ở trên, không chỉ mỗi vùng da ở bụng mới chịu ảnh hưởng trong quá trình mang thai mà nhiều bà bầu khác còn bị rạn nứt da ở vùng đùi, hông, ngực.

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng tới làn da

Theo khảo sát, các bà bầu bị thiếu dưỡng chất như protein, vitamin A, C, và E có nguy cơ bị rạn da cao hơn người được bổ sung đầy đủ các chất này.

Bà bầu đa thai rạn da là chuyện thường

Bởi bụng càng to thì da càng dễ rạn nứt nên những bà mẹ mang đa thai rất dễ là “đối tượng” thường xuyên của hiện tượng này.

Bà bầu lớn tuổi cũng không ngoại lệ

Da của phụ nữ lớn tuổi (sau 35 tuổi) thường mất đi độ đàn hồi, tức khả năng hoạt động của collagen. Vì vậy khi mang thai họ sẽ dễ bị rạn da cũng như khó hồi phục hơn so với các bà bầu trẻ.

Dưỡng da những ngày mang thai

Tuy rạn da rất phổ biến nhưng không phải là không thể tránh. Hãy để chúng tôi giúp bạn dưỡng da bằng nhiều cách đơn giản mà hiệu quả trong những ngày bộn bề này nhé!

Sử dụng các sản phẩm dưỡng da

Rạn da có thể được giảm nhẹ bằng cách bôi thuốc thường xuyên vào vùng da bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên chọn các sản phẩm được dán nhãn “tự nhiên”, “hữu cơ” hay “thảo dược” để an toàn cho cả mẹ và bé. Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ hướng dẫn trước khi chọn sản phẩm để sử dụng.

Tập các bài vận động cho mẹ

Một vài bài tập nhẹ nhàng sẽ duy trì cân nặng của bạn ở mức ổn định. Ngoài ra, thai phụ cần phải theo dõi quá trình tăng cân của bản thân trong suốt thời gian mang thai bởi việc tăng cân quá nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ đàn hồi của da.

Giã biệt những vết rạn da - 2
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp duy trì cân nặng, giảm rạn da ở mẹ bầu. (ảnh minh họa)

Dinh dưỡng phù hợp

Bên cạnh việc tập luyện, chế độ ăn hàng ngày cũng góp phần quan trọng đối với cả cân nặng lẫn dinh dưỡng của cơ thể. Bạn đừng quên các loại vitamin A, C và E nhiều trong trái cây, rau củ có màu xanh và đỏ cam.

Đồng thời cần hạn chế thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ và bánh ngọt. Ngoài ra, các bà bầu cần tăng cường uống nước mỗi ngày để giảm độ khô cứng của làn da.

Tắm nước ấm

Ngâm trong nước ấm mỗi ngày không chỉ là phương pháp thư giãn hiệu quả sau những cơn đau của cơ thể mà còn giúp thư giãn cả làn da khi bị kéo căng hàng ngày. Trong khi tắm, bạn có thể xoa nhẹ lên vùng da bạn dễ bị rạn bằng khăn mềm để tăng cường máu lưu thông dưới da dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các bà bầu cũng có thể áp dụng phương pháp massage nhẹ cơ thể bằng tinh dầu vào những ngày nghỉ cuối tuần, sau khi ra khỏi bồn tắm.

Kem chống rạn da bằng dầu dừa

Trộn 1 kg dừa khô nạo sẵn với 400 ml nước nóng. Sau 3 phút, đảo đều hỗn hợp rồi xay nhuyễn và lọc lấy nước cốt. Cho nước dừa vừa lọc vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi lớp dầu màu vàng nhạt xuất hiện.

Để tiết kiệm hơn, sau khi vắt nước cốt, bạn cũng có thể cho vào tủ lạnh trong vài giờ để chất béo đông lại rồi đổ phần nước trong đi. Vậy là dầu dừa đã hoàn thành. Bạn có thể cho sản phẩm tự làm này vào lọ thủy tinh để cất trữ và sử dụng mỗi ngày.

Dầu dừa không chỉ dễ làm mà còn vô cùng dễ bảo quản. Thậm chí không cần cất chúng vào tủ lạnh, bạn vẫn có thể sử dụng từ 6 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên tốt hơn hết là bạn nên cất dầu dừa vào tủ lạnh hàng ngày, chỉ khi sử dụng mới lấy ra ngoài đợi một chút cho dầu tan.

Bên cạnh đó, các bà mẹ tương lai cũng có thể tìm thấy nhiều công thức làm kem chống rạn tại gia từ những nguyên liệu như cà phê, sữa tươi, trứng gà, cà chua, bơ, bột ca cao…
Theo Vũ Phương (Mẹ yêu bé)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Làm đẹp sau sinh