Khi nào thì nên đẻ mổ

Ngày 03/03/2013 10:35 AM (GMT+7)

Chỉ nên đẻ mổ khi có chỉ định của bác sĩ.

Tỷ lệ sinh mổ có xu hướng ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Nhưng phương pháp này chỉ cần thiết nếu mẹ hoặc thai có vấn đề trước và trong thời gian sinh nở.

Mổ lấy thai là một phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định một khi quá trình chuyển dạ sinh không thể tiến triển hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm.

Chỉ mổ đẻ khi có chỉ định của thầy thuốc.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, mổ đẻ chỉ nên tiến hành trong những trường hợp bắt buộc do không thể đẻ thường.

Nói chung, mổ lấy thai được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

Về phía sản phụ

Xương chậu hẹp, dị hình hoặc thai nhi quá lớn (trên 4.000gr), trong khi xương chậu quá nhỏ, bất tương ứng giữa thai nhi và khung chậu người mẹ.

Mang nhiều thai một lúc.

Tử cung có dấu hiệu vỡ, cơn co thắt tử cung yếu, khiến quá trình sinh sản kéo dài, mặc dù dùng nhiều biện pháp xử lí vẫn không có hiệu quả.

Xuất huyết nhiều trước khi sinh.

Thai phụ sinh lần 1 trên 35 tuổi.

Thai phụ mắc hội chứng cao huyết áp nặng và vừa, từng chữa trị mà không có khỏi.

Thai phụ bị bệnh tim khi mang thai.

Có tiền sử khó đẻ.

Có tiền lệ về phẫu thuật: từng mổ tử cung, các vết khâu mổ phẫu thuật không tốt, sau khi mổ bị viêm nhiễm…

Khi nào thì nên đẻ mổ - 1
Phương pháp sinh mổ được tiến hành trong trường hợp bắt buộc do không thể đẻ thường. (Hình minh họa)

Về phía thai nhi:

Thai nhi bị ngạt trong tử cung, suy thai, qua chữa trị mà vẫn vô hiệu.

Thai nhi trong bụng mẹ thiếu oxy.

Dây rốn bị đứt sớm.

Tim thai không tốt.

Chức năng của nhau thai giảm khiến thai nhi phát triển chậm trong tử cung, mang thai quá lâu mà chưa có dấu hiệu đau đẻ (trên 42 tuần).

Vị trí của thai nhi không đúng, ngôi thai bất thường như ngôi ngang, ngôi ngược, ngôi thai khác thường như nằm ngang, thế cằm sau ngôi đầu, không thể sinh ra thông qua âm đạo, ngôi mông lần sinh đầu…

Một số trường hợp mổ lấy thai không có chỉ định trước

Quá trình chuyển dạ chậm và khó khăn hoặc bị ngừng hoàn toàn.

Bé có các dấu hiệu suy thai như nhịp tim thai quá nhanh hoặc chậm.

Bé có kích thước quá to, mẹ không thể sinh thường.

Các vấn đề liên quan tới nhau thai, nhau tiền đạo, những nguyên nhân gây băng huyết cho phụ sản nếu sinh thường.

Những lý do khác: Mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề: thai chết lưu nhiều lần, thai chết lưu trước chuyển dạ

Biến chứng nào có thể xảy ra

Đối với mẹ:

Biến cố do phẫu thuật như gây tổn thương các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột), rò bàng quang - tử cung, rò bàng quang - âm đạo. Chảy máu do chạm phải động mạch tử cung, chảy máu do rách thêm đoạn dưới.

Nhiễm trùng: có thể bị nhiễm trùng vết mổ, tiết niệu, viêm phổi. Thường gặp là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc có thể dẫn đến cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu.

Dính ruột, tắc ruột. Tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.

Lạc nội mạc tử cung.

Sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt trong những lần có thai sau (nứt khi chưa vào chuyển dạ hoặc khi đã vào chuyển dạ).

Đối với bé:

Thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê; Bị chạm thương trong khi phẫu thuật;

Hít phải nước ối; Suy hô hấp cấp tính sơ sinh khi chưa có yếu tố chuyển dạ.

Chưa tiết ra các nội tiết tố sản xuất và phóng thích surfactant gây ra bệnh màng trong.

Không tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi nên có lượng dịch trong phổi cao.

Trẻ sinh bằng con đường mổ đẻ dễ bị phát sinh hội chứng ngạt thở hơn so với trẻ đẻ thường. Nguyên nhân là do việc đẻ thường sẽ thúc đẩy nang phổi mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hô hấp tự động của thai nhi sau khi sinh ra.

Đẻ thường có thể khiến cửa âm đạo mở rộng, có lợi cho bài tiết sản dịch và cũng có lợi cho việc hồi phục tử cung sau khi đẻ.

Trước đây, không có tài liệu ghi nhận về sự khác biệt rõ ràng giữa trẻ sinh thường và sinh mổ. Thế nhưng, nghiên cứu gần đây ở Phần Lan cho thấy các phản ứng bảo vệ miễn dịch của trẻ sinh mổ không nhanh nhạy và hiệu quả bằng ở những trẻ sinh thường.

Các thai phụ sắp được làm mẹ cần hiểu biết về việc này mà có những quyết định khoa học, hợp lý và phải tự chịu trách nhiệm khi đưa ra hoặc chấp nhận yêu cầu mổ lấy thai theo giờ. Đừng vì những ý kiến bên ngoài tác động đến cuộc sinh đẻ của chính bản thân mình và vì sự an toàn cho chính đứa trẻ mà mình sắp sinh ra.

Theo ThS. Nguyễn Trung Hiếu (Sức khỏe & Đời sống)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh mổ