Khổ như... mang bầu

Ngày 03/01/2014 13:00 PM (GMT+7)

Khi con lớn khôn, liệu con có biết những cực nhọc mà mẹ đã trải qua để con ra đời...

Suốt 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, người phụ nữ chịu đựng muôn vàn khổ cực để rồi chờ đón con yêu bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Trong những thời khắc hạnh phúc dâng trào biết bao mêt nhọc, khó khăn đều tan biến. Khi con lớn khôn từng ngày, liệu con có biết những cực nhọc mà mẹ đã trải qua để con ra đời.

Ốm nghén

Cảm giác buồn nôn và tình trạng nôn óicó thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng thường xảy ra khi bạn đói nhất là thời điểm buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy.

Nguyên nhân chính là tình trạng này là lượng đường trong máu thấp, đồng thời các hormone nội tiết tố xuất hiện khi người phụ nữ mang thai cũng kích thích dạ dày của chị em.

Đa số mẹ bầu ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ, sau đó hiện tượng này giảm dần và hết hẳn trong những giai đoạn mang thai tiếp theo.

Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp, thai phụ mắc phải hội chứng ốm nghén HG- ốm nghén kéo dài thì cần có sự theo dõi sức khỏe một cách chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Choáng váng

Chị em thường có cảm giác chóng mặt, say sẩm mặt mày. Điều này thường xảy ra khi mẹ bầu đứng lên đột ngột khi ngồi quá lâu một chỗ. Trong trường hợp này lên đứng lên nhẹ nhàng, từ từ tránh việc có thể bị hoa mắt chóng mặt bị ngã, gây nguy hiểm cho thai nhi.

Nguyên nhân: Do nhu cầu máu gia tăng dồn về tử cung, máu tụ lại ở hai chân nên lượng máu cung cấp cho não bị thiếu hụt.

Khi thấy chóng mặt, choáng váng, mẹ bầu nên ngồi lại trên ghế, từ từ cúi đầu kẹp vào hai đầu gối. Nếu có thể chị em nên nằm xuống nghỉ ngơi một lúc.

Khổ như... mang bầu - 1
Khi mang bầu, chị em phải trải qua rất nhiều triệu chứng xấu. (ảnh minh họa)

Ợ nóng

Mẹ bầu có cảm giác nóng tại vùng xương ức ở ngực, thậm chí thỉnh thoảng dịch axit trong dạ dày trào lên thực quản.

Nguyên nhân: Hiện tượng này thường diễn ra trong thời gian đầu mang thai do ảnh hưởng của nội tiết tố progesterone khiến cho dịch vị dạ dày tràn lên thực quản.

Chị em nên ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh cho dạ dày bị dồn ứ thức ăn.

Trước khi đi ngủ, chị em nên uống sữa vì sữa có khả năng trung hòa axit trong dạ dày.

Chuột rút

Đây là hiện tượng khiến nhiều mẹ bầu thấy khó chịu vì những cơn đau hành hạ vùng hông, đùi, bắp chân. Nhiều chị em sẽ gặp tình trạng này trong thời kỳ đầu ốm nghén hoặc ba tháng cuối thai kỳ.

Nguyên nhân: Phụ nữ mang thai bị vọp bẻ là do lượng canxi trong máu thấp.

Khi bị vọp bẻ, chị em nên massage các vị trí đau, tốt nhất là nên nhờ người ngoài làm giúp. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để bổ sung lượng canxi phù hợp nếu thấy cần thiết.

Các vấn đề về tiêu hóa

Táo bón

Đây cũng là hiện tượng phổ biến gặp phải khi mang thai. Nguyên nhân là do chuyển động của ruột bị giảm. Progesterone tác động vào thành ruột già làm giảm lượng nước ở phân khiến phân khô cứng.

Chế độ ăn nhiều chất xơ bao gồm rau xanh, hoa quả tươi, uống nhiều nước là điều rất cần thiết. Một số trường hợp mẹ bầu bị táo bón nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhuận tràng.

Trĩ

Thường xuất hiện từ giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai trở đi.  Lúc này các tĩnh mạch trực tràng bị phình ra và có thể tụt ra ngoài cửa hậu môn.

Nguyên nhân: Thai nhi mỗi ngày một phát triển lớn lên sẽ đè vào trực tràng gây cản trở quá trình lưu thông máu khiến máu bị dồn ứ lại và cá tĩnh mạch trực tràng bị phình lên.

Tiêu chảy

Có thể bạn đã bị nhiễm khuẩn đường ruột do ngộ độc thức ăn. Mẹ bầu cần uống nhiều nước để bù vào lượng nước đang mất đi. Nên đi bệnh viện để truyền nước và được kê đơn thuốc điều trị vì mất nước kéo dài có thể gây nguy hiểm cho thai nhi

Phù nề

Đa số mẹ bầu mang thai thường phải cất lại chiếc nhẫn cưới của mình trong tủ do chân tay bị phù nề.

Nguyên nhân: do nội tiết tố trong thai kỳ làm cho thận bị ứ Natri dẫn đến hiện tượng giữ nước tại các mô cơ trong cơ thể tăng lên.

Trường hợp này thường khá phổ biến khi mẹ bầu mang thai ở những tháng cuối, tuy nhiên vẫn cần có chế độ kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày để hạn chế mức độ giữ nước gia tăng. Đây là dấu hiệu sớm của chứng tiền sản giật nên cần thận trọng theo dõi.

Khổ như... mang bầu - 2
Đa số mẹ bầu mang thai thường phải cất lại chiếc nhẫn cưới của mình trong tủ do chân tay bị phù nề. (ảnh minh họa)

Đau lưng

Mẹ bầu thường có những cơn đau quanh vùng thắt lưng, đau từ vùng hông chạy xuống hai bên mông, hai chân. Hiện tượng này xuất hiện khi chị em ngồi hoặc đứng quá lâu nhưng không đúng tư thế.

Nguyên nhân: Dây chằng vùng xương sống bị kéo dãn khiến các khớp xương lưng, mông phải chịu thêm áp lực.

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần tránh mang vác nặng, chỉ nên đi giày dép bệt. Việc tạo thói quen tập thể dục hàng ngày có thể hạn chế hiện tượng này nặng hơn. Khi những cơn đau xuất hiện, nên xoa bóp một cách nhẹ nhàng.

Mất ngủ

Trằn trọc suốt đêm không chợp mắt được khiến nhiều chị em đã mệt mỏi lại càng thêm mỏi mệt, sinh ra cáu gắt, bực bội. Hiện tượng này cũng thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.

Nguyên nhân: Thai nhi vẫn không ngừng phát triển, có sự chuyển hóa dù mẹ muốn nghỉ ngơi nằm ngủ.Việc dậy để đi tiểu thường xuyên cũng khiến chị em bị gián đoạn giấc ngủ.

Sử dụng thuốc ngủ khi mang thai rất nguy hiểm cho em bé nên mẹ bầu chỉ nên sử dụng các liệu pháp thư giãn như tắm nước ấm, uống sữa nóng, massage nhẹ nhàng để thư giãn các vùng cơ thể, sử dụng gối ngủ dành cho bà bầu để có tư thế ngủ thoái mái.

Thanh Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác khi mang thai