Không phải Singapore hay Malaysia, Lào mới là nước mẹ Việt này chọn để sinh con

Ngày 01/03/2017 11:01 AM (GMT+7)

Chị Ánh Phương đã chia sẻ những lý do rất thuyết phục khi chọn Lào là nơi để đón con đến thế giới này một cách "yên bình và hạnh phúc" nhất.

Nổi tiếng là một Health Coach (huấn luyện viên sức khỏe) ở Việt Nam với rất nhiều bài tư vấn về sức khỏe, lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, chị Trần Thị Ánh Phương còn được nhiều người biết đến trong cộng đồng các bà mẹ sữa bởi những quan điểm và phương pháp nuôi dạy con khoa học, đặc biệt là cách chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ. 

Hiện tại chị Ánh Phương đang mang thai em bé thứ 2 được 8 tháng và cũng giống như các bà mẹ khác, chị rất quan tâm đến việc chọn lựa bệnh viện để đón con chào đời. Từng nghĩ đến việc sẽ có trải nghiệm xa xỉ khi sinh con ở Malaysia hay một đất nước hiện đại nào đó nhưng cuối cùng chị lại quyết định sẽ đón con yêu ở Lào vào tháng 4 tới. 

Quyết định của chị đã từng khiến chính người thân ngạc nhiên, thậm chí là hoảng hốt can ngăn, đặc biệt là ông xã chị - người luôn muốn chị sinh ở Việt Nam "cho chắc". Tuy nhiên khi được trực tiếp dẫn đi xem phòng sinh và được tận tình trả lời mọi thắc mắc, chồng chị đã bị thuyết phục hoàn toàn. 

Không phải Singapore hay Malaysia, Lào mới là nước mẹ Việt này chọn để sinh con - 1

Chị Ánh Phương đã quyết định sẽ đón em bé thứ 2 tại thủ đô Vientiane, Lào.

Sinh con ở Lào với chị Ánh Phương không chỉ có chi phí rẻ (chi phí một ca sinh thường ở bệnh viện sản Mother And Child Health Hospital hoặc Hospital Settha tại thủ đô Vientiane, nằm phòng VIP hết khoảng 1,5 triệu kip – tương đương 4 triệu đồng) mà điều khiến chị ưng ý hơn cả là các bác sĩ ở đây sẽ chờ để chậm kẹp dây rốn cho con và chắc chắn hai mẹ con sẽ được thực hiện skin-to-skin (da tiếp da) sau sinh.

Dưới đây là những chia sẻ chi tiết về lý do chị Ánh Phương chọn Lào là nơi đón con yêu thứ 2 chào đời: 

Bác sĩ Lào có thể chờ"

"- Chị ơi, ở đây có được cắt dây rốn chậm không ạ?

- Tôi rụt rè hỏi chị bác sĩ người Lào biết tiếng Việt, cố gắng nói từng từ rõ ràng. Dù biết chị học y ở Việt Nam nhưng tôi không chắc những thuật ngữ vốn không quen thuộc với nhiều bác sĩ Việt Nam này thì liệu bác sĩ Lào có biết không.

- Có chứ, bây giờ đều làm chậm hết em. Chậm lắm. Hết đập mới cắt.

- (mừng rỡ) Thế có da tiếp da không chị? Mẹ ấp con sau khi sinh ấy.

- Có em, skin-to-skin một tiếng, thậm chí hai tiếng. Lâu lắm, vì chờ con phải bò lên rồi bú mẹ nữa. Ở đây sinh thường đều bú mẹ hết.

- Thế nếu sinh mổ thì có làm được không ạ?

- Nếu mẹ không chảy máu thì được. Còn chảy máu thì phải cầm máu, cách ly 30-40 phút rồi về mới skin-to-skin. Nếu có gì nghiêm trọng mới phải cách ly lâu không làm được.

- Thế trong trường hợp mẹ và con cách ly lâu thì con ăn gì ạ? Bệnh viện có nhận sữa mẹ gửi vào cho con không ạ?

- Bệnh viện không có sữa đâu nên người nhà phải gửi sữa. Không có tủ lạnh nên nếu gửi sữa mẹ thì gửi theo cữ để cho ăn luôn."

Tôi hỏi bác sĩ khác ở khoa sản bệnh viện công khác cũng nhận được câu trả lời tương tự với một thái độ rất lịch sự, điềm đạm, rõ ràng, Cả hai bệnh viện này giống nhau ở chỗ tất cả các poster trong viện đều về Da tiếp da, kẹp rốn chậm và Nuôi con bằng sữa mẹ có logo WHO, UNICEF. Và điều tuyệt nhất là không chỉ treo cho đẹp, họ làm điều đó thật 100%: Da tiếp da và kẹp rốn chậm là thủ tục bắt buộc sau sinh nở bình thường, bệnh viện không bán sữa, không có bất kỳ cái gì có logo hãng sữa, bác sĩ y tá coi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là điều hiển nhiên chứ không phải chỉ trên giấy. 

Không phải Singapore hay Malaysia, Lào mới là nước mẹ Việt này chọn để sinh con - 2

Hình ảnh chụp một phòng sinh tại bệnh viện ở Lào.

Chi phí sinh nở chỉ bằng 1% ở Malaysia

Hai năm trước, khi làm việc với một số đối tác về y tế ở Singapore và Malaysia, tôi từng nghĩ tới việc sang Malay sinh con, không chỉ để thử "một trải nghiệm xa xỉ" là water-birth (sinh trong bồn tắm tại bệnh viện) mà còn được thoải mái kẹp dây rốn chậm và da tiếp da sau sinh - những việc tưởng đơn giản nhưng ở Việt Nam hay bị xem nhẹ. Cán bộ y tế không phải không biết, chỉ là phần đông hay "quên", làm cũng được không làm cũng không sao, "quen tay" cắt trước hoặc skin-to-skin không đúng hướng dẫn, không đủ thời gian mà thôi. Kết quả là trường hợp không được may mắn sinh con tại số ít bệnh viện thực hiện chuẩn, nếu sản phụ lại không biết, hoặc sinh xong quên không nhắc thì người thiệt thòi nhất sẽ là những em bé. 

Thế rồi 2 năm sau, tôi không do dự quyết định sinh con tại nước ngoài thật, nhưng đó là Lào; làm cho cả gia đình đều hoảng hốt can ngăn. Cũng nên thông cảm vì mọi người "chưa đi chưa biết nước Lào, cứ tưởng nó cũng hao hao nước mình". Chính tôi trước đây nếu nghĩ tới y tế ở Lào là liên tưởng ngay tới các mẹ ở miền núi "lên lán lót lá đẻ rồi lấy liềm cắt rốn". Tất nhiên, ở các huyện miền núi Lào hay Việt Nam hiện nay thì việc sinh nở vẫn còn nhiều hạn chế; nhưng ở các thành phố như Vientiane, các bệnh viện công về sản hoặc có chuyên khoa sản đều thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy trình chăm sóc trong và sau đẻ của WHO, UNICEF cho sản phụ và trẻ sơ sinh; đặc biệt là chậm kẹp dây rốn và da tiếp da. 

Điều tuyệt nhất là nhân viên y tế nào tôi gặp ở đây cũng đúng nghĩa "thầy thuốc như mẹ hiền", nói chuyện rất nhẹ nhàng và từ tốn trả lời lần lượt các câu hỏi "kỳ quặc" của tôi (có lẽ chẳng có bà bầu nào không biết tiếng Lào mà lại hỏi nhiều và cặn kẽ như vậy). Tôi đến viện không khám thai mà ngỏ ý chỉ muốn đi xem bệnh viện, bác sĩ vẫn nhiệt tình dẫn đi xem tận phòng đẻ. Phòng đẻ nào cũng là phòng riêng nên tôi sẽ không cần đóng phí dịch vụ cao ngất để thêm một "trải nghiệm xa xỉ" nữa là bố hoặc bà được cắt rốn cho con, chỉ cần người thân đeo găng tay và làm cam kết sẽ không... ngất xỉu trong phòng là được.

Thế là, dù không được thử "trải nghiệm xa xỉ" ở các nước tiên tiến, tôi vẫn hoàn toàn hài lòng với những gì ở đây, lại còn với một chi phí dự trù bằng 1% chi phí sinh ở Malaysia. Em bé của tôi có lẽ không cần "xa xỉ", bé chỉ cần được chào đón đến thế giới này một cách yên bình và hạnh phúc bởi những y bác sĩ hiền hậu mà thôi. 

Không phải Singapore hay Malaysia, Lào mới là nước mẹ Việt này chọn để sinh con - 3

Bệnh viện thoáng mát và không hề có "mùi bệnh viện"

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngạc nhiên khi lần đầu bước chân vào bệnh viện công tại Lào: nó... quá rộng rãi và không quá đông bệnh nhân đến nỗi tôi nghĩ có thể thoải mái đi xe đạp trong sảnh bệnh viện lúc 10 giờ sáng. Không khí rất thoáng mát và không hề phảng phất "mùi bệnh viện" đầy cồn. Những điều sau đó còn khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa. Hôm đó là 17 tuần, tôi nói mình chỉ muốn khám thai không muốn siêu âm, bác sĩ cũng đồng ý luôn - không thấy ai nói to hay quát bệnh nhân kiểu "cô là bác sĩ hay tôi là bác sĩ".

Một mẹ Lào mới sinh ở đây bảo với tôi ở bệnh viện không có bác sĩ bán sữa, bán thuốc bổ, không có văn hóa phong bì, bạn ấy chỉ cần trả chi phí trên hóa đơn bệnh viện mà vẫn nhận được thái độ niềm nở, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ của các y bác sĩ trong suốt thời gian ở viện.

Đến hôm được trực tiếp dẫn đi xem phòng sinh và được tận tình trả lời mọi thắc mắc; ngay cả chồng tôi là người lâu nay vẫn muốn vợ sinh ở Việt Nam "cho chắc" cũng đã bị thuyết phục hoàn toàn. Điểm cộng nhỏ mà không hề nhỏ cho các phòng sinh ở đây là giường đều quay vào trong, không như nhiều nơi khác, phòng chờ cũng như phòng đẻ cứ để sản phụ gác chân nằm tơ hơ quay ra ngoài (có lẽ để cho nữ hộ sinh đi qua dễ thấy mở được bao nhiêu phân, chứ không quan tâm đến cảm giác của sản phụ). 

So với các khoa đẻ ở nhiều bệnh viện khác, ở đây chỉ có một thứ duy nhất thiếu là Bản "10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ" treo trên tường. Có lẽ vì ở đây tự họ đã làm quá tốt rồi, không cần phải hô khẩu hiệu suông làm gì nữa.

Nguyệt Minh, Ảnh: NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu