Kinh nghiệm 'xương máu' chẳng lo hậu sản

Ngày 31/01/2014 15:00 PM (GMT+7)

Rút kinh nghiệm từ những vấn đề sau khi sinh Rim nên thời gian hậu sản khi tôi sinh bé Na diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.

Tôi sinh Rim, bé trai đầu lòng khi mới 24 tuổi. Nhìn lại quãng thời gian đó tôi thấy mình quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm làm mẹ, chăm sóc trẻ sơ sinh. Tôi phải nhận không ít những điều khổ sở “từ trên trời rơi xuống” nào là hơi một tý thì chảy nước mắt, giận dỗi chồng vô cớ, những cơn đau quặn bụng hoặc sốt cao mà chẳng biết là mình đang bị tắc tia sữa. Tuy nhiên những kỷ niệm nhớ đời ngày đó cũng đã giúp tôi có được những trải nghiệm quý giá để trở thành người phụ nữ của gia đình. Và giờ đây, khi còn ít ngày nữa là đến sinh nhật tròn một tuổi của bé Na, những câu chuyện và kỷ niệm qua hai lần sinh nở lại ùa về.

Không nên ăn kiêng quá

Lúc sinh Rim xong, tôi về nhà chồng ở cữ tròn 1 tháng. Suốt ngày tôi chỉ được ăn cơm kèm thịt nạc rang, trứng luộc và canh rau ngót. Các cụ bảo ăn như vậy cho lành dạ, phải cố mà kiêng thì sau này mới đỡ khổ. Vì vậy suốt 30 ngày trời tôi chỉ có một thực đơn duy nhất nên mồm miệng nhạt nhẽo và thấy khó ăn vô cùng.

Nhà chồng tôi sống ở nông thôn, tư tưởng bảo thủ vẫn rất nặng nề nên gái đẻ phải ở riêng, ăn riêng không được chung mâm cùng  gia đình. Tôi được mẹ chồng chuẩn bị cho một mâm riêng, ăn trong phòng riêng nên nhiều lúc có cảm giác mình bị cầm tù vô cùng ngột ngạt.

Tuy nhiên đến khi sinh Na tôi đã rút kinh nghiệm. Tôi viết sẵn cho mẹ chồng thực đơn và cách làm một số món ăn đơn giản từ thịt nạc để bà làm giúp. Từ thịt nạc có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn như canh thịt nạc, các món hấp, chưng. Các thực phẩm khác cũng tương tự.

Mẹ chồng tôi thương con cháu lắm nhưng bà không phải người tinh ý, khéo léo vì vậy muốn bà làm gì thì chỉ cần dặn dò, hướng dẫn bà tỉ mỉ là được.

Tôi không ăn uống kiêng kem như trước nữa nhưng vẫn chú ý tránh các món ăn dễ lạnh bụng hoặc ảnh hưởng đến sữa mẹ như thịt trâu, rau cải, cua ốc hến. Các thực phẩm phải được làm chín hâm nóng, không ăn đồ tái, sống để lạnh là được.

Về vấn đề ăn uống tôi ăn riêng trong phòng để tránh gió, đồng thời trông con nhưng thay vì ru rú mãi trong căn phòng 14m2, tôi thường xuyên bế con ra ngoài tắm nắng hoặc chơi cùng mọi người trong gia đình nên tinh thần cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái.

Kinh nghiệm xương máu chẳng lo hậu sản - 1
Rút kinh nghiệm từ những vấn đề sau khi sinh Rim nên thời gian hậu sản khi tôi sinh bé Na diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều. (ảnh minh họa)

Chia sẻ việc chăm sóc bé

Tôi may mắn là có mẹ chồng yêu thương và trợ giúp rất nhiều trong 2 lần sinh nở. Lần thứ nhất sinh Rim, tôi hoàn toàn lóng ngóng không biết cách bế con như thế nào cho đúng tư thế, cho bé bú ra sao thì sữa về đều, con ty được nhiều, làm thế nào tắm cho con nhanh mà vẫn sạch… Mọi thứ đều do mẹ chồng tôi làm từ a-z, bà vừa làm rồi hướng dẫn lại cho tôi, tuy nhiên vì cơ thể vốn yếu ớt nên hết một tháng trời tôi mới bắt đầu ngồi dậy đụng đậy tay chân để tắm cho con.

Đã có những lúc tôi có cảm giác mình như người thừa và thấy bản thân sao lại vô dụng đến như vậy, mình là mẹ mà mình không thể tự tay làm cho con điều này điều kia. Biết được tâm trạng của tôi mẹ chồng lại cười bảo: “Ngày xưa, đàn bà phụ nữ mấy ai được ở cữ, có người chăm sóc trông nom con cái thay. Giờ nhà ít con, mẹ lại không có việc thì giúp đỡ con cái lúc sinh đẻ, có gì đâu mà phải buồn. Ngày xưa, mẹ còn tủi thân, đầu óc căng thẳng vì chẳng có ai đỡ đần cho đấy”. Nghe mẹ chồng động viên như vậy nên sau này tôi cũng thấy thoải mái, đỡ suy nghĩ hơn. Đến khi sinh Na thì tôi đã bỏ túi được ít nhiều kinh nghiệm, lại biết thương mẹ chồng hơn nên nhiều cái tự mình chủ động làm, vừa là cách rèn luyện để cơ thể mau hồi phục, đồng thời để mình cảm nhận được hết niềm hạnh phúc làm mẹ.

Chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân

Khi còn ít tuổi, tính tình hiếu thắng khi nghe các cụ nói đến chuyện kiêng cữ để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ sau sinh, tôi đã cười lại và bảo: “Sao các mẹ lạc hậu quá, giờ ai người ta còn kiêng như thế”. Chính vì sự chủ quan nên tôi uống nước lạnh sớm và hậu quả rõ nhất là sau khi sinh Rim tôi trở thành bệnh nhân của căn bệnh “răng nhạy cảm”. Chỉ cần ăn đồ nóng hay lạnh một chút xíu cũng đủ khiến hai hàm răng tê buốt, đau đớn. Chính vì vậy, khi sinh Na tôi chú ý bảo vệ sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Dù sinh con vào đầu thu, thời tiết vẫn oi nóng nhưng tôi vẫn mặc bộ đồ sau sinh dài tay để tránh gió lùa hoặc có cảm giác gai ốc. Đi ra ngoài lúc nào tôi cũng quàng khăn, nút bông gòn để giữ ấm cổ và chống ù tai. Khác với các bà mẹ khác gel bụng sớm để làm đẹp thì tôi có ý thức sử dụng gel bụng một cách hợp lý để giữ ấm bụng, tránh đau bụng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan bên trong nhanh chóng ổn định. Tôi hiểu rõ sức khỏe của mình vốn yếu hơn người khác nên cũng không vội vàng tắm sớm, tuy nhiên hàng ngày tôi đều lau rửa người bằng nước ấm pha với rượu gừng, sau đó quay sang lau chân cho bé Na bằng nước này để con tăng cường sức đề kháng.

Bằng cách rút kinh nghiệm từ những vấn đề sau khi sinh Rim nên thời gian hậu sản khi tôi sinh bé Na diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều. Sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi đều ổn định, sữa mẹ về nhiều, con khỏe mẹ khỏe nên cả nhà ai cũng bảo: “Mẹ Rim và Na giờ nuôi con khéo rồi!”

Mẹ Rim và Na
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc cơ thể sau sinh