Linh cảm thai nhi "gặp nạn" vì dấu hiệu ngứa bụng, mẹ Việt bật khóc đọc kết quả xét nghiệm

Ngày 15/05/2017 14:05 PM (GMT+7)

Mang bầu con sau hơn 2 năm cố gắng, chị Hà may mắn cứu được bé khỏi ứ mật thai kỳ nhờ không bỏ qua dù chỉ một dấu hiệu nhỏ.

"Cơ thể mỗi người khác nhau và sự thay đổi trong quá trình mang bầu cũng khác nhau. Có những biểu hiện tưởng như bình thường, thậm chí ngay cả các bác sĩ đôi khi cũng vì chủ quan nên coi nhẹ khả năng mắc phải của bệnh nhân. Không mẹ bầu nào hiểu rõ đứa con và cơ thể mình bằng chính bản thân mình., và cũng chỉ có chính người mẹ mới bảo vệ con mình được tốt nhất...."

Đó chính là bài học mà bà mẹ trẻ Thanh Hà - hiện cùng chồng sinh sống và làm việc tại bang California, Mỹ đã từng trải qua khi vô tình mắc phải hội chứng mang tên Ứ mật thai kỳ mà biểu hiện ban đầu đơn giản chỉ là những cơn ngứa ở vùng bụng.

Chia sẻ lại trải nghiệm nhớ đời của mình, chị Thanh Hà mong muốn tất cả mẹ bầu nên nâng cao tinh thần cảnh giác, quan tâm đến từng thay đổi nhỏ của cơ thể trong thai kỳ và khi thấy biểu hiện bất thường cần "chủ động tìm hiểu trên mạng, hỏi bác sĩ, thậm chí nhiều bác sĩ khác nhau, làm xét nghiệm, thậm chí nhiều lần...để có một thai kỳ an toàn và khoẻ mạnh."

Linh cảm thai nhi amp;#34;gặp nạnamp;#34; vì dấu hiệu ngứa bụng, mẹ Việt bật khóc đọc kết quả xét nghiệm - 1

Bà mẹ trẻ Thanh Hà vừa chào đón con đầu lòng, hiện cùng chồng sinh sống và làm việc tại bang California, Mỹ 

Linh cảm thai nhi amp;#34;gặp nạnamp;#34; vì dấu hiệu ngứa bụng, mẹ Việt bật khóc đọc kết quả xét nghiệm - 2

Thanh Hà từng trải qua một thai kỳ khó khăn khi phát hiện mắc Ứ mật thai kỳ ở tuần 35.

Chị biết mình có thai trong hoàn cảnh nào?

Mình quen ông xã trong thời gian học thạc sĩ qua một trang mạng xã hội. Chúng mình có một tình yêu đẹp sau lần đầu gặp gỡ rất tâm đầu ý hợp. Sau 3 tháng tìm hiểu, chúng mình kết hôn và tổ chức đám cưới tại Việt Nam. Hiện tại, hai vợ chồng mình sinh sống và làm việc tại bang California, Mỹ. Trước khi sinh, mình là giáo viên dạy trẻ tự kỉ tại thành phố San Jose. Hiện tại mình đang ở nhà chăm con. Ông xã mình là kĩ sư máy tính.

Năm đầu sau khi kết hôn, bọn mình kế hoạch vì nghĩ khi đó điều kiện chưa cho phép. Tuy nhiên, đến khi bắt đầu chủ động hơn để có con, thì mình lại không thể dễ dàng mang bầu được như ý. Hai vợ chồng mình đã cố gắng một thời gian mà không có kết quả, thậm chí bọn mình nản và đã tính đến chuyện thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, khi tưởng như đã bỏ cuộc, để tâm trạng thoải mái với ý nghĩ thụ tinh nhân tạo, đứa con bỗng dưng đến một cách tự nhiên.

Mình vẫn nhớ hôm đó trong lúc đang dạy học, mình bỗng thấy choáng váng và phải ngồi lấy hơi một lúc. Linh tính cho mình biết em bé đã đến với mình. Cơ thể mình rất nhạy cảm nên dù chỉ một thay đổi nhỏ nhất thôi mình cũng cảm nhận được. Ngay tối hôm đó, mình thử que và đã không tin vào mắt mình nên thử đi thử lại cho chắc chăn. Cho tới bây giờ, mình vẫn còn giữ một nắm que thử thai đánh dấu ngày vợ chồng mình biết con đã đến trong cuộc đời này (cười).

Chị đã trải qua những tháng đầu thai kỳ như thế nào? Chị có ốm nghén hay gặp khó khăn, mệt mỏi gì khi đó?

Trước khi phát hiện bị ứ mật thai kỳ, mình có một quãng thời gian bầu bí hoàn toàn khoẻ mạnh,không hề ốm nghén và lúc nào cũng cảm thấy yêu đời. Thậm chí trong thời gian bầu, mình nghiện mùi trà bí ngô nên sáng nào cũng phải đốt một ít tinh dầu này. Nó giúp mình hưng phấn để bắt đầu một ngày mới. Thời gian rỗi mình nấu ăn, đọc sách, làm cho em bé một số đồ trang trí phòng, mua sắm một chút những đồ dung thiết yếu cho em bé. Cả mẹ và thai nhi hoàn toàn vui vẻ, hạnh phúc.

Linh cảm thai nhi amp;#34;gặp nạnamp;#34; vì dấu hiệu ngứa bụng, mẹ Việt bật khóc đọc kết quả xét nghiệm - 3

Thời gian đầu mang bầu, bà mẹ trẻ cho biết chị hoàn toàn khoẻ mạnh, không gặp bất cứ rắc rối nào.

Từ khi nào chị phát hiện mình có những dấu hiệu ngứa bất thường?

Mình bắt đầu ngứa từ những tháng đầu thai kì. Lúc đó mình hiểu là da đang co giãn nên ngứa là một biểu hiện bình thường. Ngoài ra, hormone trong cơ thể cũng thay đổi khiến da mình khô hơn nên mình rất chăm chỉ thoa dầu dừa và bio oil để dưỡng ẫm và tăng đàn hồi cho da. Đến tam cá nguyệt thứ 2, mình không thấy ngứa nữa.

Tuy nhiên, đến tuần 32 của thai kì, hiện tượng ngứa quay trở lại. Không những mình ngứa ở những vùng da bị rạn, mà thỉnh thoảng còn ở bàn tay, cánh tay và bàn chân. Đặc biệt là da chỉ bị ngứa vào buổi tối và ban đêm. Có những đêm trong lúc ngủ mình vẫn còn gãi.

Chị đã phản ứng ra sao khi đó?

Mình lên mạng đọc về những trường hợp bệnh lý trong thời gian mang thai có biểu hiện ngứa. Trong số rất nhiều lý do vì sao khi mang thai da lại ngứa mà đa số an toàn, thì có duy nhất một khả năng đáng lo ngại liên quan đến chức năng bài tiết mật của gan.

Theo đó, khi chức năng này bị gián đoạn, acid mật bị chậm bài tiết hoặc tắc nghẽn dẫn đến hiện tượng ứ mật trong hoặc ngoài gan. Trong trường hợp này, nếu nồng độ mật quá cao sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho thai nhi nếu không có sự can thiệp kịp thời: Em bé có thể  sinh non hoặc tử vong, hoặc trong quá trình sinh hít phải phân su gây khó thở.

Ngoài biểu hiện ngứa ra, những biểu hiện khác của chứng “ứ mật thai kì” bao gồm: nước tiểu đậm màu; Da, mắt chuyển màu vàng; Phân lỏng và bạc màu....Mình lại không gặp phải những biểu hiện trên ngoài ngứa bụng.

Vì sao chị cương quyết làm xét nghiệm dù không gặp bất cứ biểu hiện bất thường nào khác ngoài việc thấy ngứa bụng?

Hội chứng này hiếm gặp, nên các bác sĩ thường coi nhẹ khả năng mắc phải của bệnh nhân. Ngay khi mình nêu vấn đề về hiện tượng ngứa, bác sĩ ở bên Mỹ cũng nói chắc chẳng sao đâu vì ngứa là biểu hiện thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nhưng sự cảnh giác và linh cảm người mẹ khiến mình thấy bản thân thực sự cần phải làm thêm xét nghiệm. May mắn, mình đã có quyết định đúng đắn.

Linh cảm thai nhi amp;#34;gặp nạnamp;#34; vì dấu hiệu ngứa bụng, mẹ Việt bật khóc đọc kết quả xét nghiệm - 4

Kết quả chẩn đoán Ứ mật thai kỳ mà chị Thanh Hà nhận được qua email bệnh viện.

Khi phát hiện bị ứ mật thai kì, chị đã được can thiệp như thế nào sau đó?

Mình nhớ như in ngày hôm đó, khi nhận được email thông báo kết quả xét nghiệm của bác sĩ, mình đã khóc luôn, cảm thấy rất lo và thương con.  Khi đó mình bầu ở tuần 35. Bác sĩ chỉ định đẻ ở tuần 37.

Trong thời gian chờ sinh, mình phải đi bệnh viện 2 lần/ tuần để đo nhịp tim và cử động của thai nhi (non-stress test) và để xem mẹ đã có dấu hiệu đẻ chưa qua tần xuất cơn gò  (contraction monitoring).

Mình được kê đơn thuốc mỗi ngày uống 2 lần Ursodeoxycholic Acid (UDCA), tác dụng làm giảm acid mật. Mình uống cho tới ngày sinh. Đó là một ca sinh khó mà phải 22 tiếng sau khi mình bắt đầu được kích thích đẻ em bé mới chào đời.

Sau sinh thì không uống nữa và biểu hiện ngứa mất hẳn. Khi xét nghiệm, nồng độ mật trong gan của mình quay trở lại bình thường ngay sau đó.

Chị có lời khuyên gì cho các bà mẹ lần đầu mang thai để tránh bị ứ mật thai kì nói riêng và có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh nói chung?

Theo như mình tìm hiểu thì nguyên nhân dẫn đến ứ mật thai kì chưa được làm rõ. Mẹ nào mắc chứng “ứ mật thai kì” ở lần bầu trước thì 65% khả năng tái phát ở lần sau. Ngoài ra, những mẹ mang đa thai hoặc có tiền sử bệnh gan cũng nên  đề phòng. Tình trạng này thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ 3 vì khi đó hormone tăng cao nhất. Nhưng cũng có những trường hợp được phát hiện ở tam cá nguyệt thứ 2.

Mình tham gia vào diễn đàn Baby Center và vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhiều mẹ cũng bị ứ mật thai kì như mình chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó, mình mới hiểu hết tầm quan trọng của việc xét nghiệm máu và làm non-stress test trong quá trình chờ sinh. Ngoài ra, Youtube cũng là một kênh để mình tham khảo. Nhờ có nó mà mình mới biết, có người phải xét nghiệm nhiều lần mới ra bệnh, và có những bác sĩ đánh giá thấp khả năng mắc bệnh chỉ vì tỉ lệ mắc thấp.

Linh cảm thai nhi amp;#34;gặp nạnamp;#34; vì dấu hiệu ngứa bụng, mẹ Việt bật khóc đọc kết quả xét nghiệm - 5

Gia đình hạnh phúc của chị Thanh Hà bên chồng và con trai nhỏ.

Sau lần sinh này, mình rút kinh nghiệm cho bản thân và cũng muốn khuyên các mẹ rằng hãy lắng nghe cơ thể của mình. Dù một chút thay đổi hay khó chịu trên cơ thể cũng có thể là biểu hiện của một hội chứng nào đó. Các mẹ đừng chủ quan mà bỏ qua những thay đổi này. Hãy tham vấn bác sĩ hoặc nhiều bác sĩ, hãy xét nghiệm máu thậm chí nhiều lần, hãy đọc về những biểu hiện này qua các bài báo trên mạng, hoặc ở các diễn đàn dành cho mẹ.

Tham gia các lớp tiền sản cũng rất quan trọng. Hãy rủ ông xã đi cùng. Mình và chồng tham gia tiền sản từ tuần thứ 12 của thai kì. Mỗi tháng 1 lần, chúng mình được gặp gỡ và trao đổi với bác sĩ và các bố mẹ (cùng thời gian sinh) về một chủ đề bổ ích khác nhau liên quan đến bầu bí, đời sống vợ chồng, sinh nở và chăm sóc em bé. 

Quan trọng hơn cả, mình nghĩ để có một thai kì khoẻ mạnh mẹ phải thật thoải mái và yêu đời. Hãy dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân và chuẩn bị tốt nhất có thể về kiến thức, thể chất, tinh thần và vật chất để đón bé yêu. Mình chúc tất cả các mẹ đang mang bầu có một thai kì khoẻ mạnh và đáng nhớ với thật nhiều kỉ niệm đẹp. 

Xin cám ơn chị đã chia sẻ!

Hà My
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu