Lỡ chụp X-quang khi mang thai, nguy hiểm thế nào?

Ngày 29/04/2017 09:17 AM (GMT+7)

Theo bác sĩ Lê Tiểu My, tia X không làm tăng nguy cơ sẩy thai với liều tia xạ dưới 5 rad (đơn vị đo lường)

(Thông tin cần biết nếu bạn đang lo lắng về việc chụp X quang khi đang mang thai)

Trong vòng một ngày lại nhận đến 3 câu hỏi cùng một nội dung “đang vô cùng hoang mang và lo lắng” vì lỡ chụp X quang và sau đó phát hiện có thai.

Đầu tiên, mình xin trả lời để các bạn an lòng mà đọc tiếp “nguy cơ em bé bạn bị ảnh hưởng bởi lần chụp X quang vừa rồi là rất thấp” (một trường hợp chụp chân, một chụp phổi và một chị đứng giữ con chụp X quang)

Có phải bạn lo lắng những điều này khi chụp X-quang?

- Sẩy thai

Tia X không làm tăng nguy cơ sẩy thai với liều tia xạ <5 rad (đơn vị đo lường). Bản thân mỗi phụ nữ khi mang thai đều có 3-15 % nguy cơ sẩy thai sẵn có, bất kể chụp X quang hay không.

- Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai

Nguy cơ dị tật thai, ngay cả liều 10-20 rad nguy cơ này cũng không tăng đáng kể. Thai phát triển chậm nếu chụp X quang trong giai đoạn sớm, nhưng có khi liều đến 50 rad.

- Nguy cơ bé ung thư

Nếu chụp X quang giai đoạn sớm, liều tia xạ > 5 rads thì nguy cơ này tăng 0,3 – 1 % (nhắc lại là nguy cơ này cũng tồn tại sẵn 0,3% - số liệu của CDC - dù mẹ có tiếp xúc tia xạ trong khi mang thai hay không).

Lỡ chụp X-quang khi mang thai, nguy hiểm thế nào? - 1

Theo bác sĩ Lê Tiểu My, tia X không làm tăng nguy cơ sẩy thai với liều tia xạ <5 rad (đơn vị đo lường). 

Một số loại X-quang thông thường

Ước đoán thai nhi hấp thụ (đơn vị rad) trên mỗi lần chụp và số lần chụp có thể gây ảnh hưởng (liều 5 rad)

- Đầu: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,004/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 1250 lần chụp

- Răng (nha khoa): ước đoán thai nhi hấp thụ 0,0001/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 50000 lần chụp.

- Cột sống cổ: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,002/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 2500 lần chụp

- Tay – chân: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,001/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 5000 lần chụp

- Ngực: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,00007/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 71429 lần chụp- Vú: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,02/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 250 lần chụp

- Bụng: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,245/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 20 lần chụp

- Cột sống thắt lưng: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,359/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 13 lần chụp

- Khung chậu: ước đoán thai nhi hấp thụ 0,04/ 1 lần chụp => để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad cần 125 lần chụp. 

Giai đoạn thai kỳ và tia X

- Hai tuần đầu thai kỳ: nguy cơ sẩy thai khi liều tia xạ > 5 rad

- Tuần thứ 3 đến tuần thứ 8: nguy cơ ảnh hưởng thai khi liều tia xạ > 20 – 30 rad

- Sau tuần thứ 20: thai nhi phát triển khá hoàn chỉnh và nguy cơ sẩy thai không tăng khi chụp X quang. Việc này ít xảy ra vì cũng không nhiều người mang thai đến 20 tuần mà chưa biết mình có thai. Việc chụp X quang giai đoạn này nhằm chẩn đoán và thường bác sĩ chỉ định đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Cần nhớ là khi sử dụng tia xạ, ngoài việc góp phần tìm kiếm xem bạn bị bệnh gì (gọi là chẩn đoán) thì bác sĩ còn sử dụng tia xạ để trị bệnh (gọi là điều trị). Rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng, nguy cơ…bác sĩ mới xác định được liều cần thiết. Vì vậy, những thông tin này là điều quan trọng đây:- Không có kỹ thuật chụp X quang nào gây hại cho thai với một lần chụp

- Liều dưới 5 rad không làm tăng nguy cơ gì cho thai, liều có thể gây dị tật cho thai có thể >15 rad- Khi có thai và cần PHẢI chụp X quang thì hãy trấn an mình rằng với một lần chụp nguy hại cho thai rất thấp, kể cả nguy cơ sẩy thai.

Nam giới chụp X-quang có ảnh hưởng đến tinh trùng không?

Hoàn toàn không nếu không “đụng” đến tinh hoàn như chụp X quang đầu, tay - chân... Nếu nam giới chụp X quang bụng, chậu – hông hay bàng quang… thì nguy cơ gây ảnh hưởng đến tinh trùng cũng thấp. Có những nghiên cứu rất lớn, lâu dài (ví dụ bệnh nhân nhiễm tia xạ ở Hiroshima và Nagasaki) cho thấy không tăng tỷ lệ bệnh di truyền. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với liều tia xạ lớn, hay thậm chí “lo xa” thì bạn có thể trì hoãn việc có con khoảng 4 tháng (tính bằng thời gian của việc sản xuất 2 chu kỳ sản sinh tinh trùng) cho an toàn.

Làm gì để giảm thiểu nguy cơ nhiễm tia X?

Dù phần trên toàn thông tin tốt đẹp, nhưng không có nghĩa là cứ vô tư bởi vì làm sao đảm bảo trong suốt thai kỳ bạn không vô tình nhiễm tia. Cứ luôn nhắc mình “cẩn tắc vô ưu”

- Nói cho bác sĩ của bạn rằng bạn đang có thai, hay thậm chí “có thể bạn có thai” khi được chỉ định chụp X quang. Chụp X quang còn liên quan đến việc sử dụng thuốc cản quang nữa (nghĩa là có sử dụng thuốc khi chụp), do vậy, mọi sự cẩn thận luôn là điều quan trọng.

- Để ý xem những dấu hiệu có thể bạn đang mang thai khi chuẩn bị đi khám sức khoẻ, ví dụ như nôn, buồn nôn, mệt mỏi, căng ngực. Có thể đó là triệu chứng của bệnh nào đó, nhưng hãy nói với bác sĩ để bác sĩ có cách xác định.

- Nếu đang có thai và được đề nghị giữ/ôm bé khi bé cần chụp X quang, bạn nên chủ động đề nghị người thay thế khi có thể. Nếu bé chỉ muốn mẹ bên cạnh, hãy mạnh dạn xin áo chì che chắn vùng bụng cẩn thận để không bị nhiễm tia.

Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia