Mang thai đôi: Bí mật của tôi

Ngày 09/12/2013 15:29 PM (GMT+7)

Khi bác sĩ thông báo có hai tim thai đang đập trong bụng bầu, cảm xúc của tôi lẫn lộn cả.

Từ hồi con gái, tôi đã luôn ao ước mình sinh được một cặp song sinh để tiện chăm sóc, để không phải đẻ nhiều lần và quan trọng là nhìn chúng thật đáng yêu. Thế nhưng, những lúc ngồi nói chuyện vui với mẹ, vừa chỉ nói ra điều này, mẹ tôi đã lớn tiếng phản đổi: “Gớm, cô tưởng đẻ đôi thích lắm ấy. Một đứa còn chẳng nuôi nổi huống chi 2 đứa…”. Tôi tặc lưỡi: “Ấy là con nói thế chứ có phải muốn đẻ đôi là đẻ được đâu.” Vậy mà chẳng hiểu sao đến lúc mang bầu tôi mang song thai thật, mặc dù gia đình tôi không hề có gen di truyền mang thai đôi.

Mang song thai công nhận là vất vả thật các mẹ ạ. Tôi phải kiêng khem nhiều hơn, ăn uống nhiều hơn và giữ gìn cẩn thận nữa. Nhưng đổi lại, được bế hai con trên tay, nhìn con yêu giống nhau như hai giọt nước, ánh mắt long lanh nhìn mẹ… thấy vui lắm ý. Mang thai đôi cũng ẩn chứa bao điều bí mật mà chỉ khi trải qua rồi tôi mới thấu hiểu. Xin chia sẻ cùng với các mẹ để những mẹ nào cũng có diễm phúc mang song thai như tôi tham khảo nhé!

Càng già càng dễ mang song thai

Tôi lấy chồng khi tuổi đã ngoài 30, cái tuổi mà mẹ tôi ngày nào cũng kêu ca “cô ế rồi”. 5 tháng sau ngày cưới tôi bắt đầu “thả”, cũng may tôi khá mắn nên chỉ 3 tháng sau đó là dính bầu. Tuy nhiên đó lại là bầu đôi nên tôi rút ra kết luận rằng khoa học nói rất đúng, mẹ càng tuổi cao thì nguy cơ mang bầu đôi cũng tăng lên.

Một người phụ nữ ở tuổi 25, 30 hay 40 thì khả năng rụng trứng sẽ khác nhau và có xu hướng giảm dần. Điều này đồng nghĩa với việc tuổi càng cao thì nguy cơ 2 quả trứng chín và rụng cùng một lúc cũng cao hơn. Đó là nguyên nhân khiến chị em U30, U40 dễ mang thai đôi hơn các độ tuổi khác đấy.

Mang thai đôi: Bí mật của tôi - 1
Tuổi càng cao thì nguy cơ 2 quả trứng chín và rụng cùng một lúc cũng cao hơn. (ảnh minh họa)

Mang thai đôi = ăn cho 3 người

Không phải nhất nhất tuân thủ nghiêm ngặt việc ăn cho 3 người nhưng đúng là khi mang song thai mẹ bầu cần bồi bổ hơn rất nhiều dưỡng chất đấy các mẹ ạ. Như mình được bác sĩ tư vấn là phải bổ sung đủ 1mg axit folic mỗi ngày để ngăn ngừa nguy cơ con sinh khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống ở thai nhi. Với mẹ mang thai đơn thì chỉ cẩn bổ sung 0,4 mg axit folic là đủ.

Ôi ốm nghén!

Tôi chưa gặp ai nghén ngẩm nhiều như tôi các mẹ ạ. Từ ngày mới thử que thử thai lên hai vạch, tôi đã bắt đầu nghén. Ban đầu là cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, đến tuần thứ 7-8 thì tôi bị nôn ói triền miên đặc biệt là vào buổi sáng khi bước vào nhà vệ sinh. 3 tháng đầu tôi sống dở chết dở vì nghén ngẩm. Theo tìm hiểu tôi được biết, nguyên nhân là do hormone gonadotropin ở mẹ mang song thai sẽ cao hơn. Vì vậy chị em sẽ thường xuyên có cảm giác buồn nôn, nôn ói đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Mang thai đôi cũng đồng nghĩa rằng chúng ta sẽ chịu đau đớn vùng lưng, hông kèm triệu chứng khó ngủ, ợ nóng đấy các mẹ ạ. Các mẹ mang song thai hãy chuẩn bị tâm lý đối mặt nhé!

Tăng cân đến chóng mặt

Nếu như mang đơn thai, các mẹ chỉ tăng khoảng 10-14kg thì khi mang song thai, các mẹ có thể tăng đến 20kg là chuyện bình thường. Như mình, khi bước lên bàn đẻ mổ là tăng tất cả 28kg đấy. Việc tăng cân khi mang thai là vô cùng quan trọng để có đủ dưỡng chất và sức khỏe cho hai thai nhi phát triển. Chị em mang bầu song thai cần dung nạp nhiều calo hơn, vì vậy chuyện tăng cân nhiều hơn cũng là điều đương nhiên.

Mang thai đôi: Bí mật của tôi - 2
Nếu như mang đơn thai, các mẹ chỉ tăng khoảng 10-14kg thì khi mang song thai, các mẹ có thể tăng đến 20kg là chuyện bình thường. (ảnh minh họa)

Đối mặt với nguy cơ

Mẹ mang song thai cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật như bệnh tiểu đường, tiền sản giật. Tiền sản giật được bắt đầu với chứng huyết áp cao và protein trong nước tiểu cao. Biểu hiện của căn bệnh này là sưng phù bàn chân, tay và mặt. Tiền sản giật là vô cùng nguy hiểm nên các mẹ phải chú ý nhé.

Chuyển dạ sớm

Mình sinh Nu và Na ở tuần 37 thai kỳ. Bác sĩ trực tiếp khám thai cho mình nói như thế là vừa đẹp rồi vì hiếm có ca song sinh nào chào đời ở tuần 40 như mang bầu đơn thai đâu. Trên thực tế, nếu các cặp song sinh ra đời sau tuần 34 đều được an toàn bởi sự chăm sóc của các bác sĩ khoa sản. Những cặp song sinh cũng thường phải đối mặt với nguy cơ xấu về đường hô hấp vì chúng chào đời sớm hơn ngày dự sinh. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc cẩn thận và chu đáo thì đây hoàn toàn không thành vấn đề đâu các mẹ nhé.

99% sinh mổ

Hầu hết các ca song thai đều chào đời bằng phương pháp đẻ mổ và mình cũng vậy. Mình thấy đẻ mổ rất nhẹ nhàng và đơn giản. Vậy nên nếu các mẹ mang bầu song thai thì xác định là đẻ mổ ngay từ đầu để sẵn sàng tâm lý nhé.

Mẹ NuNa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh đôi và đa thai