Mẹ cần chuẩn bị gì trước khi lên bàn đẻ mổ?

Ngày 09/10/2015 00:06 AM (GMT+7)

Sinh mổ không phải là một ca phẫu thuật lớn, tuy nhiên nếu không biết chăm sóc đúng cách thì có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ sau này.

Những ngày đầu sau sinh em bé thường chính là thời điểm các bà mẹ gặp nhiều khó khăn nhất do chưa quen với những thay đổi khi có con nhỏ. Thế nhưng với những bà mẹ đẻ mổ thì sự khó khăn này còn tăng lên gấp đôi khi phải đối mặt với những cơn đau do vết mổ chưa lành cũng như sự hạn chế và bất tiện trong các hoạt động cá nhân. Dưới đây là một số lưu ý mẹ nên nghiên cứu kỹ để chuẩn bị trước khi lên bàn mổ đẻ:

1. Trước khi rời khỏi bệnh viện

- 24 giờ sau khi sinh mổ, mẹ thường sẽ được khuyến khích để cố gắng bắt đầu ngồi dậy và đi lại thật nhẹ nhàng. Việc này nhằm giúp quá trình hồi sức diễn ra nhanh hơn cũng như giúp cho cơ thể thích nghi với sự thay đổi sau khi sinh mổ. Mẹ nên nhớ là hãy di chuyển thật chậm và cẩn thận bởi rất có thể mẹ sẽ bị chóng mặt và khó thở sau một thời gian dài nằm trên giường cũng như mất nhiều máu khi sinh.

Mẹ cần chuẩn bị gì trước khi lên bàn đẻ mổ? - 1

24 giờ sau khi sinh mổ, mẹ thường sẽ được khuyến khích để cố gắng bắt đầu ngồi dậy và đi lại thật nhẹ nhàng. (Ảnh minh họa)

- Việc đi tiểu tiện sau khi các ống thông đã được lấy ra khỏi niệu đạo đôi khi có thể gây đau đớn và khó chịu, do vậy mẹ nên tham khảo trước lời khuyên của bác sỹ để tìm ra cách tốt nhất có thể khiến việc tiểu tiện đỡ đau đớn hơn.

- Nếu đã sớm xác định khả năng phải sinh mổ, mẹ cũng nên chủ động nói chuyện với bác sỹ về việc làm thế nào để đối phó với cơn đau đớn khó chịu sau phẫu thuật. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc giảm đau thì mẹ cũng nên hỏi kỹ bác sỹ về những tác dụng phụ có thể có của thuốc đối với việc cho con bú. Nếu mẹ không muốn sử dụng thuốc để tránh ảnh hưởng tới thai nhi thì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để có giải pháp thay thế an toàn cho cả mẹ và bé. Chủ động sẽ luôn tốt khi có thể lường trước được các khả năng có thể xảy ra và chuẩn bị trước.

- Sau sinh, tử cung sẽ bắt đầu quá trình co lại kích thước ban đầu như trước khi mang thai, kéo theo đó là hiện tượng sản dịch chảy ra ngoài âm đạo và đây cũng dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần ít đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với mẹ sau sinh.

2. Sau khi về nhà

- Mẹ cần cố gắng tránh các vật nặng, tốt nhất là tránh nâng nhấc mọi vật có khối lượng nặng hơn em bé và cũng chưa nên làm việc nhà ngay sau khi về nhà.

Mẹ cần chuẩn bị gì trước khi lên bàn đẻ mổ? - 2

Sau khi về nhà, mẹ cần cố gắng tránh các vật nặng, tốt nhất là tránh nâng nhấc mọi vật có khối lượng nặng hơn em bé. (Ảnh minh họa)

- Theo dõi màu và lượng sản dịch tại nhà. Màu của sản dịch thay đổi từ hồng nhạt hay đỏ sẫm, cuối cùng sang màu vàng nhạt hoặc không màu là bình thường.

- Uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể bị thiếu nước, cũng như hạn chế tình trạng táo bón. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và khoa học để cơ thể nhanh hồi phục.

- Để các dụng cụ pha sữa cho bé hay các đồ dùng cần thiết khác như tã lót, quần áo ở gần tầm tay để mẹ không phải thức dậy lâu vào ban đêm dễ dẫn tới tỉnh giấc hoàn toàn và khó ngủ lại.

- Cảnh giác cao với bất kỳ triệu chứng sốt hay đau, bởi đây đều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

3. Những điều cần tránh

- Mẹ nên tránh làm ‘chuyện ấy’ trong thời gian mới mổ sinh để tránh ảnh hưởng tới vết mổ, cũng như dành thời gian để cơ thể hồi phục hoàn toàn

- Tránh tắm nhiều bằng nước cho đến khi vể mổ lành hẳn và không còn chảy máu. Đặc biệt nên tránh tắm bồn nước nóng

- Hạn chế leo cầu thang lên xuống

- Tránh vận động tập thể dục mạnh.

4. Các tình huống cần lưu ý

- Sốt cao trên 37,8 độ C

- Đau nặng đầu ngay sau khi sinh và kéo dài không dứt

- Cảm giác đau đột ngột ở vùng bụng, nơi vết mổ kèm theo chảy mủ

- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi

- Sưng đỏ và đau ở chân

- Đau đớn khi đi tiểu và tiểu ra máu

- Xuất hiện nốt phát ban đỏ

- Dịch tiết âm đạo chứa nhiều máu hay có xuất hiện những cục máu đông lớn

- Ngực bị đau và tấy đỏ, có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh cúm

- Cảm giác lo lắng, hoảng sợ hay trầm cảm.

Linh Hương (Theo Americanpregancy)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị đồ và tâm lí