Mẹ Tây kể chuyện sinh nở ở Trung Quốc

Ngày 22/07/2013 12:33 PM (GMT+7)

Các sản phụ ở Trung Quốc thường phải kiêng cữ rất khắc nghiệt sau sinh nở.

Vì công việc nên T. Thorniley (một phụ nữ Anh) đã chuyển đến Thượng Hải, Trung Quốc để sinh sống. Trong thời gian này, cô đã mang thai và sinh con trai đầu lòng ngay tại đất nước này. Những trải nghiệm của cô về thời gian bầu bí, sinh nở và sau sinh tại đây có rất nhiều điều khác biệt. Hãy cùng nghe người mẹ Anh này kể về những trải nghiệm trong lần sinh nở cậu con trai đầu lòng tại Trung Quốc.

Quá trình mang thai

Việc mang thai ở Trung Quốc có những lợi thế riêng. Trong suốt 7 tháng đầu mang thai, tôi được siêu âm 5 lần trong đó có một lần siêu âm 4D. Hình ảnh siêu âm 4D rất nét và tôi có thể nhìn rõ từng bộ phận như chân, tay, đầu… của bé yêu. Chính sách y tế tư nhân với những người nước ngoài sống tại đây cũng có nhiều ưu đãi.  

Tuy nhiên, nhược điểm lớn trong việc khám thai ở nước này là đến giai đoạn thứ 2 của thai kỳ, giới tính của bé không được giữ bí mật. Dù tôi chưa hỏi nhưng bác sĩ đã ngỏ lời chúc mừng và thông báo tôi đang mang bầu bé trai. Tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng khi trò chuyện với rất nhiều bà mẹ nước ngoài khác thì tôi biết được rằng điều này rất phổ biến ở đây. Có lẽ do chính phủ Trung Quốc có chính sách sinh một con nên các bậc cha mẹ thường rất tò mò về giới tính con mình.

Thất vọng lớn nhất trong quá trình tôi mang thai ở Trung Quốc là khi tham gia các lớp học tiền sản. Không giống như ở Anh, tại các lớp học tiền sản trước sinh, các mẹ sẽ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với không chỉ chuyên gia khoa sản mà còn các bà mẹ khác nữa. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với nhau để chia sẻ kinh nghiệm về chuyện mang thai, sinh nở, sau sinh. Còn các lớp học tiền sản ở Trung Quốc, thì các bà bầu chỉ đến và ngồi nghe chuyên gia nói chuyện, sau đó nhanh chóng kết thúc buổi học.

Mẹ Tây kể chuyện sinh nở ở Trung Quốc - 1
Sinh con ở Trung Quốc có nhiều điều khác biệt. (ảnh minh họa)

Chuyện sinh nở

Tôi được lên chức mẹ vào một ngày nắng tháng sáu năm 2011. Buổi sáng đó, tôi thấy cơ thể có những cơn đau bất thường và tôi đã đến gặp bác sĩ. Vị bác sĩ này tôi đã theo khám từ những ngày đầu mang thai. Cô là phụ nữ Mỹ gốc Trung Hoa, nổi tiếng là người rất giỏi về sản khoa. Khi khám xong, bác sĩ đã cảnh báo rằng tôi có dấu hiệu chuyển dạ với những cơn co thắt nhẹ. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà nghỉ ngơi và tránh vận động nhiều.

Vì còn hơn 1 tháng nữa mới đến ngày dự sinh nên tôi thực sự lo lắng. Thật may là ngày hôm đó tôi cũng đã xin nghỉ làm để ở nhà dưỡng thai, chờ ngày sinh nở luôn. Tối đó, tôi đã sắp xếp đồ đạc sẵn sàng để chuẩn bị cho ca sinh nở và đến nửa đêm, trong khi hai vợ chồng đang ngủ thì tôi bị vỡ ối.

Hai vợ chồng vội mang đồ đạc ra khỏi căn nhà ở Thượng Hải và bắt taxi. Tôi đã rất lo có thể sẽ không đón được taxi vì người ta nhìn thấy tôi sắp đẻ vậy nhưng những lo lắng của tôi đã thừa. Đến tới bệnh viện, tôi được đưa ngay vào phòng khám. Điều đáng buồn là các bác sĩ xác nhận con tôi đang ở tư thế ngôi ngược. Vì vậy tôi phải mổ lấy thai. Ca sinh mổ của tôi vô cùng khó khăn. Thực sự lúc đó vợ chồng tôi đã rất lo lắng cho sự an toàn của con. Nhưng may mắn, con tôi đã chào đời an toàn dù sinh non.

Sau sinh

Ở Trung Quốc, các bà mẹ sau sinh phải kiêng cữ khá khắc nghiệt. Thông thường chị em sẽ phải kiêng tắm gội suốt tháng đầu tiên sau sinh. Mặc dù trong xã hội hiện đại, một số mẹ đã không còn kiêng cữ như thế nữa nhưng tỷ lệ những người “tuân thủ” theo quan niệm xưa vẫn khá đông. Trong thời gian sau sinh, chị em cũng được gia đình chăm sóc khá chu đáo. Họ được người thân lo cho từng bữa ăn và cả vấn đề sinh hoạt hàng ngày để sản phụ được nghỉ ngơi, kích thích nguồn sữa và nhanh phục hồi sau sinh.

Với bạn bè tôi sinh mổ ở Anh, họ thường được xuất viện chỉ 1-2 ngày sau đó nhưng tôi được các bác sĩ chỉ định phải ở lại bệnh viện 5 ngày cho đến khi sức khỏe hồi phục. Ở Anh, sản phụ cũng thường không nhận được sự giúp đỡ nhiều từ gia đình như các mẹ Trung Quốc. Bạn bè của tôi ở Anh đi đẻ chỉ có hai vợ chồng. Sau sinh sẽ có y tá về nhà chăm sóc trong khoảng 1 tuần đầu còn sau đó, chủ yếu là hai mẹ con chăm nhau. Họ cũng không phải kiêng cữ sau sinh quá nhiều như các bà mẹ Trung Quốc và thông thường sẽ được tắm rửa ngay sau sinh 1-2 ngày.

Sau khi xuất viện, tôi đã phải một mình chăm con. Nhiều khi phải đối mặt với cảm giác cô đơn, mệt mỏi do chồng đi làm không giúp đỡ được gì. Một điều đáng buồn là con trai tôi đã chào đời sớm hơn dự định nên tôi chưa sẵn sàng làm mẹ và cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đón con. Vậy nhưng cuối cùng thì mọi khó khăn cũng đã qua hết. Vì con trai, tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa đặc biệt là khi vợ chồng tôi vẫn sống ở một nơi không phải là đất nước mình.

Phong Lan (Lược dịch)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu