"Méo mặt" vì chuột rút khi bầu bí

Ngày 06/08/2013 15:26 PM (GMT+7)

Chuột rút – vọp bẻ là tình trạng thường gặp trong thai kỳ, nhất là vào các tháng cuối.

Đây là tình trạng cơ bắp bị co cứng đột ngột trong một thời gian, sau đó cơ sẽ tự trở về trạng thái bình thường.

Vì đâu nên nỗi?

Cơ bắp phải co – giãn theo ý muốn và vận động của chúng ta. Ở người bình thường, co cứng cơ xảy ra khi cơ rơi vào tình trạng làm việc quá mức hay bị kích thích đột ngột và quá mức, như xảy ra ở vận động viên sau vận động kéo dài hay có cường độ cao, xảy ra ở người đang bơi lội mà không có quá trình khởi động hiệu quả trước đó. Nguyên nhân của chứng co cứng cơ thường do sự rối loạn về điện giải, như các rối loạn cân bằng muối mước, rối loạn cân bằng natri, kali, canxi…

Trong thai kỳ, đặc biệt ở những tháng đầu, do tình trạng thai hành, thai phụ có thể bị nôn ói, ăn uống kém, sụt cân… dẫn đến mất nước, rối loạn cân bằng nước điện giải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chứng co cứng cơ. Ở những tháng cuối thai kỳ, do yêu cầu canxi cho thai nhi ngày càng cao, sẽ có sự thay đổi cân bằng canxi nội bào và ngoại bào, cũng như thay đổi về khuynh hướng thu nhận và thải trừ canxi cho phù hợp với nhu cầu… tình trạng rối loạn cân bằng điện giải đặc biệt là canxi có thể xảy ra và thường biểu hiện bằng tình trạng co cứng cơ.

quot;Méo mặtquot; vì chuột rút khi bầu bí - 1
Tập nhẹ nhàng các bài thể dục ban ngày cũng sẽ giúp thai phụ có được giấc ngủ sâu và ngon hơn, đề phòng chuột rút vào ban đêm. (ảnh minh họa)

Dễ nhầm với sản giật

Đặc biệt ở tháng cuối thai kỳ, trong một số trường hợp, cần phân biệt tình trạng co cứng cơ với những triệu chứng báo động co giật do sản giật. Co cứng cơ thường xảy ra vùng cơ bắp chân, thai phụ hoàn toàn tỉnh táo và có cảm giác đau vùng bị co cứng; trong khi ở sản giật, thai phụ có thể có cao huyết áp trước đó, người bị phù nhiều, ngay trước khi có cơn giật thường rất nhức đầu, sau đó có co cơ (thường ở vùng mặt lẫn vùng chi), mất tri giác lúc có co cơ, sau đó tỉnh lại chậm hay lại đi tiếp vào cơn giật mới. Sản giật là tình trạng cấp cứu, cần đưa ngay vào cơ sở y tế; trong lúc vận chuyển cần lưu ý đường thở của bệnh nhân cũng như tránh việc co giật cơ cắn có thể làm đứt lưỡi.

Phải làm sao?

Điều trị tức thời tình trạng co cứng cơ ở thai phụ cũng giống như ở người bình thường là kéo giãn cơ theo chiều ngược lại và xoa bóp; thậm chí không cần làm gì cơ cũng có thể tự động trở lại tư thế bình thường, tuy đòi hỏi thời gian và thai phụ sẽ chịu đau trong thời gian chờ đợi.

Điều trị dự phòng được khuyên sử dụng thêm magné trong tháng cuối thai kỳ. Chế độ ăn đầy đủ các chất khoáng, bổ sung canxi đều đặn trong thai kỳ sẽ làm giảm phần nào các rối loạn điện giải và ngăn ngừa co cứng cơ. Rau xanh, nguồn cung cấp điện giải được khuyến khích sử dụng đều đặn. Theo kinh nghiệm dân gian, trước khi đi ngủ thai phụ có thể ngâm chân bằng nước ấm pha một chút gừng và muối. Tập nhẹ nhàng các bài thể dục ban ngày cũng sẽ giúp thai phụ có được giấc ngủ sâu và ngon hơn, đề phòng chuột rút vào ban đêm.

ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh (Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương TP.HCM)

Theo SGTT
Nguồn:

Tin liên quan