Ngày càng nhiều trẻ bị tự kỷ, liệu có thể ngăn ngừa từ trong “trứng nước”?

Ngày 24/03/2017 00:06 AM (GMT+7)

Tự kỷ là hội chứng phức tạp, ảnh hưởng đến khoảng 1/68 trẻ em trên toàn thế giới. Liệu hội chứng khá phổ biến này có thể ngăn ngừa được từ trong thai kỳ hay không?

Xã hội hiện đại có ngày càng nhiều trẻ em mắc hội chứng tự kỷ (ASD - Autism spectrum disorder) và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tự kỷ có thể bắt đầu ngay từ khi em bé chưa được sinh ra. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Y khoa New England đã tìm thấy sự khác biệt trong não bộ của trẻ tự kỷ ngay từ quý thứ 2 thai kỳ.

Mặc dù những nghiên cứu này không xác định được chính xác nguyên nhân nhưng theo các chuyên gia, hội chứng này có thể xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. “Nguyên nhân di truyền là chủ yếu nhưng cũng có thể do một số nguyên nhân khác từ môi trường xung quanh và phần lớn là từ 2 nguyên nhân này tương tác lẫn nhau.”, tiến sĩ Paul Wang – trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Ngày càng nhiều trẻ bị tự kỷ, liệu có thể ngăn ngừa từ trong “trứng nước”? - 1

Nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt trong não bộ của trẻ tự kỷ ngay từ quý thứ 2 thai kỳ. (ảnh minh họa)

Trong khi bố mẹ không thể làm gì để ngăn ngừa yếu tố di truyền thì lại có thể thay đổi lối sống, môi trường sống – một yếu tố có thể gây ra hội chứng tự kỷ ở trẻ ngay từ trong bào thai.

“Dù vậy không ai trong chúng ta có thể thay đổi tuyệt đối về lối sống nhưng việc giảm tiếp xúc với những môi trường độc hại cũng có nghĩa là bạn sẽ giảm được nguy cơ con bị tự kỷ.”, tiến sĩ M. Daniele Fallin, giám đốc Trung tâm Wendy Klag (Mỹ) nói.

Vì vậy việc quan trọng các bà mẹ mang thai nên làm ngay lúc này để phòng ngừa hội chứng tự kỷ cho con là:

Giảm phơi nhiễm với không khí ô nhiễm

Tiến sĩ Fallin cho biết: “Có lẽ nguyên nhân từ môi trường làm tăng nguy cơ thai nhi bị tự kỷ là người mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra người mẹ bầu tiếp xúc với mức độ ô nhiễm môi trường cao (với hàng trăm loại hóa chất từ nhiều nguồn khác nhau) thì có nguy cơ sinh con tự kỷ cao gấp đôi, đặc biệt là trong 3 tháng cuối. Mức độ tiếp xúc càng cao thì rủi ro càng lớn.”

Ông cũng khuyên thai phụ: “Nếu mức độ ô nhiễm không khí quá cao, tốt nhất phụ nữ mang bầu nên ở trong nhà. Ngoài ra cũng cần tự biết cách bảo vệ mình khỏi nguồn không khí ô nhiễm như tránh nhưng khu vực khói bụi đông đúc và tránh ra đường trong giờ cao điểm…”

Ngày càng nhiều trẻ bị tự kỷ, liệu có thể ngăn ngừa từ trong “trứng nước”? - 2

Môi trường độc hại, ô nhiễm có liên quan đến chứng tự kỷ. (ảnh minh họa)

Tránh các chất độc hại

Đã có những nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở thai nhi với việc bà mẹ tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong thai kỳ, đặc biệt là các chất gây ô nhiễm liên quan đến giao thông, một số kim loại, thuốc trừ sâu và phthalates (nhóm hóa chất được sử dụng để làm mềm và tăng tính linh hoạt của nhựa và nhựa vinyl).

Thật khó để khẳng định chính xác loại hóa chất nào nhưng chúng hầu hết đều có trong chất chống cháy, chất dẻo và thậm chí cả trong các loại mỹ phẩm. Vì vậy, mẹ nên lưu ý hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp, uống nước từ chai nhựa, nhôm và lưu ý khi sử dụng các loại mỹ phẩm có mùi thơm.

Khoảng cách thời gian giữa các lần mang thai

Nghiên cứu của Học viên Tâm thần tuổi vị thành niên của Mỹ đã phát hiện ra rằng những trường hợp thụ thai cách nhau từ 2-5 năm có ít nguy cơ mắc nhất tự kỷ nhất. Cụ thể các nhà nghiên cứu đã tìm ra những em bé được thụ thai dưới 12 tháng so với lần thụ thai trước của mẹ có nguy cơ mắc hội chứng tự kỷ cao hơn tới 50% so với những trẻ được sinh ra với khoảng cách từ 2-5 năm, mặc dù không rõ nguyên nhân tại sao.

Dù vậy hãy nhớ rằng khả năng thụ thai của người mẹ sẽ giảm dần theo độ tuổi, vì vậy hãy cân nhắc kỹ lưỡng về khoảng cách giữa các lần mang thai.

Bổ sung axit folic đều đặn, đủ liều lượng

“Một số nghiên cứu cho thấy việc thiếu hụt axit folic từ ăn uống hoặc bổ sung thuốc bổ, là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở thai nhi. Bộ Y tế Mỹ khuyến cáo phụ nữ mang bầu nên bổ sung từ 400-800 mcg axit folic mỗi ngày.”, tiến sĩ Fallin nói. Vì vậy mẹ bầu hãy nói chuyện với bác sĩ để được bổ sung axit folic phù hợp với mình.

Kiểm tra các loại thuốc trước khi uống

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra mối liên hệ tiền ẩn giữa các loại thuốc mẹ sử dụng với nguy cơ tự kỷ ở trẻ. Tiến sĩ Fallin cho biết, nhiều nghiên cứu đã khẳng định mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm khi mẹ sử dụng trong thai kỳ với chứng tự kỷ, mặc dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân do thuốc hay do căn bệnh trầm cảm ở người mẹ.

Ngày càng nhiều trẻ bị tự kỷ, liệu có thể ngăn ngừa từ trong “trứng nước”? - 3

Mang thai, mẹ không được dùng thuốc bừa bãi. (ảnh minh họa)

Ngoài ra, một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra rằng valproate - thuốc dùng để điều trị chứng động kinh và các rối loại thần kinh khác cũng làm tăng nguy cơ tự kỷ.

Điều quan trọng là người mẹ cần nói chuyện với bác sĩ để xác định được những được – mất khi sử dụng các loại thuốc trong việc điều trị bệnh nếu đang mang bầu.

Giữ gìn sức khỏe bản thân

Các chuyên gia cho rằng, sức khỏe người mẹ trong thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ khi chưa sinh ra và với chứng tự kỷ cũng không ngoại lệ. “Ví dụ phụ nữ mắc bệnh nặng, nằm viện thường xuyên trong thai kỳ có thể sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao hơn mắc tự kỷ.”, tiến sĩ Fallin cho hay.

Vì vậy mẹ bầu cần đặc biệt chú ý chăm sóc sức khỏe. “Điều này bao gồm các việc chú ý đến nguồn dinh dưỡng bổ sung hàng ngày, dùng thêm vitamin theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh tiếp xúc với các loại thuốc, không được uống thốc bừa bãi và đảm bảo tiêm chủng ngừa đầy đủ. Ngoài ra, đã có nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường thai kỳ với nguy cơ tự kỷ ở trẻ, vì vậy bà bầu cần chú ý ăn uống điều độ, khoa học.”, tiến sĩ Fallin nói thêm.

Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn

Theo tiến sĩ Fallin, trong thai kỳ có thể có rất nhiều áp lực từ công việc, gia đình, cuộc sống và điều đáng buồn là người mẹ bị lo lắng, căng thẳng, stress thường xuyên lại có mối liên hệ với chứng tự kỷ và những rối loạn khác ở thai nhi. “Vì vậy người mẹ nên dành nhiều thời gian thư giãn, thoải mái, đọc sách, trò chuyện với con cũng là cách để cả 2 mẹ con được thư giãn.”

Tiến sĩ Fallin cũng nhấn mạnh thêm rằng, tất cả những yếu tố trên đều chưa được khẳng định là nguyên nhân trực tiếp gây ra chứng tự kỷ mà chỉ được coi là những yếu tố có nguy cơ tiềm ẩn. Dù vậy, đó đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi nên mẹ cần đặc biệt ghi nhớ.  

Hướng tới Ngày Thế giới Nhận thức về Chứng tự kỷ 2/4, chúng tôi thực hiện chuyên đề Trẻ tự kỷ với mong muốn thúc đẩy nhận thức đúng từ cộng đồng về vấn đề này. Các mẹ đang một mình chiến đấu với con bị tự kỷ, hãy gửi những câu chuyện của mình về địa chỉ e-mail Tintuc@khampha.vn, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn.  

Nguyệt Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc bà bầu