Nhọc lắm vượt cạn song thai...

Ngày 15/09/2013 10:00 AM (GMT+7)

Vượt cạn khi mang song thai quả là chuyện vô cùng khó khăn đối với nhiều mẹ bầu.

Mang bầu song thai quả là chuyện khó khăn đối với nhiều thai phụ bởi họ luôn canh cánh nỗi lo sảy thai, đẻ non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ…trong suốt quá trình “đeo ba lô ngược”. Càng đến ngày “vượt cạn”, nhiều mẹ bầu càng cảm thấy sợ hãi, bồn chồn, ăn không ngon, ngủ không yên.

Chị Hiền Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi bước sang tuần 34, lúc nào em cũng thấy lo lắng các mẹ ạ, chỉ sợ sinh non hay các bé yếu quá thì thương lắm. Mà nghe các chị đi trước kể “vượt cạn” khi mang song thai nhọc nhằn, vất vả lắm. Chẳng biết đến lượt em thì sẽ thế nào đây. Mong là mọi chuyện đều ổn cả, mẹ tròn con vuông”.

Theo các chuyên gia, thay vì ngồi không lo lắng về các chuyện xấu có thể xảy đến trong quá trình “bể chum”, các mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ về những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình chuyển dạ và sinh nở và chuẩn bị tinh thần cho ngày trọng đại.

Nhọc lắm vượt cạn song thai... - 1
Lo lắng ám ảnh mẹ bầu mang song thai khi sắp tới ngày “vượt cạn” (Ảnh minh họa)

Sinh sớm là "chuyện thường ở huyện"

Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây cho biết phần lớn các mẹ bầu mang song thai sẽ “lâm bồn” trước tuần thứ 37 và thời gian “đeo ba lô ngược” của chị em là 258 ngày so với 282 ngày của các mẹ đơn thai. Do vậy, chị em nên chủ động tham gia các lớp học tiền sản vào tháng thứ 6 của thai kỳ nếu không rất có thể các mẹ sẽ mang “bé yêu” đến lớp cùng đấy.

Ngoài ra, để tránh sinh non, “mẹ ỏng” nên chú ý thường xuyên nghỉ ngơi từ tuần 20 trở đi, uống đầy đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh các hoạt động mạnh, du lịch phiêu lưu, mạo hiểm như leo núi, lặn biển… và xin nghỉ việc nếu điều kiện sức khỏe không cho phép.

Bên cạnh đó, chị em mang bầu song sinh cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu sinh non như cơn co thắt mạnh và thường xuyên (kéo dài khoảng 30 giây) ở tử cung, chuột rút, đau lưng dưới, tiết dịch âm đạo, rỉ hay vỡ ối, chảy nhớt hồng, đau vùng chậu thấp hoặc áp lực ở trực tràng.. Nếu thấy các dấu hiệu nói trên, thai phụ nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách bởi nguy cơ nhiễm trùng ngược rất cao, cả mẹ và bé đều gặp nguy hiểm.

Chủ động nhờ bác sĩ giải đáp các thắc mắc

Theo các chuyên gia, khi nằm trong phòng chuẩn bị đẻ, chị em nên chủ động nói chuyện và thảo luận với các bác sĩ về việc họ có được thay đổi vị trí hoặc đi bộ xung quanh trong phòng chờ sinh, sử dụng thuốc giảm đau hay kích đẻ có tốt không, khi nào thì họ nên đẻ mổ…

Nhọc lắm vượt cạn song thai... - 2
Chị em nên chủ động nói chuyện với bác sĩ về các thắc mắc của bản thân (Ảnh minh họa)

Ngoài ra các mẹ bầu mang song thai có thể tìm hiểu xem bác sĩ của mình đã đỡ bao nhiêu ca song sinh, đẻ thường hay đẻ mổ cũng như các tình huống mà họ gặp phải trong quá trình chào đón các thiên thần nhỏ đến với thế giới.

Đẻ mổ hay đẻ thường tùy vào vị trí của thai nhi

Khi nằm trên bàn đẻ, mẹ bầu thường muốn biết vị trí của thai nhi ra sao bởi điều này sẽ quyết định đến việc họ sẽ đẻ thường hay đẻ mổ. Tuy nhiên đối với chị em mang song thai, mọi chuyện đều có thể xảy ra, đôi khi bé đầu tiên được sinh thường còn bé thứ hai lại phải nhờ đẻ mổ.

Sự ra đời của các loại máy siêu âm hiện đại khiến cho ngày càng có nhiều chị em mang bầu sinh đôi lựa chọn đẻ thường bởi giờ đây bác sĩ sản khoa đã xác định chính xác vị trí của các bé trong bụng mẹ. Thông thường nếu bé thứ nhất nằm ở ngôi thai ngược hay bị dây rốn quấn cổ, chắc chắn đến 99% chị em sẽ phải đẻ mổ.Trong trường hợp bé đầu tiên nằm ở ngôi thai thuận thì chị em sẽ đẻ thường dù rằng bé thứ hai có ở vị trí ngược (khi thai nhi nhỏ).

Lúc này, biến chứng có thể xảy ra khi thời gian chào đời của hai bé quá lâu và cổ tử cung bắt đầu đóng lại hoặc bé thứ hai nặng cân hơn rất nhiều so với bé thứ nhất. Nếu các cơn co thắt của thai phụ không đủ mạnh, tình hình sinh nở của họ sẽ trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Cân nặng trung bình của các bé sinh đôi là 2.4 kg so với các bé sinh đơn là 3,4 kg để thuận tiện cho việc sinh nở và bé thứ hai thường chào đời sau bé thứ nhất trong vòng 1 giờ.

Nhọc lắm vượt cạn song thai... - 3
Đẻ mổ hay đẻ thường tùy thuộc vào vị trí thai nhi (Ảnh minh họa)

Chuẩn bị tinh thần không được ôm bé sau sinh

Nếu mang bầu song sinh, chị em cần chuẩn bị sẵn tinh thần bởi rất có thể hai “thiên thần nhỏ” của bạn sẽ chào đời sớm, bé xíu và phải nằm trong lồng kính ngay khi mới chào đời. Điều đó có nghĩa là các mẹ sẽ chỉ được nhìn thấy bé trong vài giây và không có cơ hội tiếp xúc da thịt trực tiếp với bé.

“Hầu hết các bậc cha mẹ có con sinh non đều cảm thấy vô cùng buồn bã khi không được ôm con trong tay dù họ hiểu rằng điều đó là cần thiết và vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của bé yêu”, một bác sĩ sản khoa tâm sự.

Bởi vậy chị em nên chủ động đi thăm phòng chăm sóc các bé sinh non và yếu ớt tại bệnh viên nơi mình đăng ký đẻ. Quan sát xung quanh, nói chuyện với các nhân viên y tế hoặc những người ở hoàn cảnh tương tự để chuẩn bị tinh thần khi chuyện này xảy ra.

Nguyệt Minh (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu