Những bất lợi cho trẻ khi mổ lấy thai

Ngày 28/11/2015 15:57 PM (GMT+7)

Theo khảo sát tại một số Bệnh viện Phụ sản tại TPHCM, có đến 35-45% trẻ ra đời bằng phương pháp sinh mổ (trước đây, tỷ lệ này chỉ từ 5-15%). Trong khi đó, trẻ sinh mổ phải chịu những bất lợi nhất định.

TS.BS Tô Mai Xuân Hồng - giảng viên bộ môn Phụ sản Đại học Y dược TPHCM cho rằng, mổ lấy thai là một phẫu thuật thường gặp nhất trong ngành sản khoa nhằm đem lại sự an toàn cho thai phụ và thai nhi khi thai phụ không thể sinh được qua đường âm đạo.

Việc mổ lấy thai chủ động chỉ được đặt ra khi có các yếu tố như sức khỏe của thai phụ không thể chịu đựng được một cuộc chuyển dạ sinh bình thường (các thai phụ có bệnh lý tim và mạch máu, bệnh lý ở phổi, bệnh lý ở thận, bệnh lý ở cột sống và khung chậu, hoặc thai phụ có khối u xơ cơ tử cung to...); ngôi thai nhi không thuận (ngôi mông, ngôi ngang...), thai nhi bị suy dinh dưỡng nặng trong tử cung; thai nhi có khối u; nhau tiền đạo...

Những bất lợi cho trẻ khi mổ lấy thai - 1

Việc mổ lấy thai chủ động chỉ được đặt ra khi có các yếu tố như sức khỏe của thai phụ không thể chịu đựng được một cuộc chuyển dạ sinh bình thường. (ảnh minh họa)

Trong giai đoạn bào thai, phổi của thai nhi không hoạt động và chứa đầy dịch phổi. Khi chuyển dạ, cơ thể thai nhi sẽ tiết vào máu một chất khiến cho phổi của thai nhi ngưng không bài tiết dịch phổi mà chuyển sang hấp thu dịch phổi. Khi sinh qua ngã âm đạo, lồng ngực của trẻ sẽ được âm đạo của mẹ bóp chặt nên hầu hết dịch phổi này sẽ được tống ra khỏi phổi. Số dịch còn lại sẽ được phổi tự hấp thu.

Trẻ ra đời bằng phương pháp mổ lấy thai, thông qua đường rạch da từ bụng vào cơ tử cung, không chịu một lực ép trên ở lồng ngực giống như sinh qua đường âm đạo. Do vậy, các chất dịch nhầy nhớt vùng mũi miệng ở trẻ sau khi sinh mổ thường phải được hút sạch. Nếu không trẻ sẽ có nguy cơ ứ đọng đàm nhớt, gây viêm phổi hít sau sinh.

Bên cạnh yếu tố sức khỏe của thai nhi, thai phụ trải qua một cuộc mổ lấy thai, thường lâu lấy lại sức hơn vì không được ăn uống và ngồi dậy đi lại trong 24 giờ đầu sau mổ, chịu đau nhiều hơn (đau ở vết mổ, đau khi tử cung co thắt, đau ở vị trí đặt ống thông tiểu, đau ở các vị trí tiêm thuốc...), dễ dẫn đến các nguy cơ ứ máu lòng tử cung, viêm phổi và các nhiễm trùng khác.

Vì vậy, thai phụ chỉ nên lựa chọn phương pháp sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ sản khoa.

Theo An Nhiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh mổ