Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng… sợ

Ngày 20/10/2014 15:27 PM (GMT+7)

“Phu bốc mộ”, “phu gạch”, “thợ” nuôi rắn độc… đó là những cái “nghiệp” đáng sợ mà những người phụ nữ chân yếu tay mềm này đang “mang”.

Vì cuộc sống, họ phải oằn mình với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, những việc mà ngay cả đàn ông cũng… sợ.

Gần 30 năm làm “phu bốc mộ”

Trong ngôi nhà nhỏ mới dựng bên bờ ruộng thôn Đại Cầu (xã Tiên Tân, TP Phủ Lý, Hà Nam), chị “Bình bốc mộ” đã trải lòng với PV Báo GĐ&XH về cái nghề “nghe đã phát sợ” này. Tên chị là Phạm Thị Bình, sinh năm 1973 nhưng gần 30 năm qua, người ta không gọi chị bằng cái tên đơn đó nữa mà bao giờ cũng kèm theo hai cái từ đáng sợ phía sau: “Bình bốc mộ”.

Cuộc sống ngang trái, chị không có được một gia đình hạnh phúc với người chồng và những đứa con đúng nghĩa, nhưng chị chưa bao giờ một lần than thân, trách phận. “Ai sinh ra cũng có cái sung sướng và nỗi khổ riêng. Tôi nghèo và mưu sinh bằng cái nghề không phải ai cũng dám làm nhưng đổi lại tôi cảm thấy mình vẫn thanh thản. Cuộc sống của tôi làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, không xin, không lừa dối ai cái gì. Cho dù sau này như thế nào đi nữa thì tôi vẫn cảm thấy vui vì cái nghề mà ai cũng sợ nhưng rất cần trong đời sống xã hội hiện nay”, chị Bình bắt đầu câu chuyện.

Chị Bình kể, gia đình nghèo khó, chị không được học hành đến nơi đến chốn. 13 tuổi, chị đã theo bố ra những khu nghĩa trang vắng lạnh để giúp bố những công việc lặt vặt của nghề “bốc mộ”. “Bố tôi nuôi mấy chị em tôi bằng nghề bốc mộ và tôi cũng nuôi sống tôi, con tôi bằng chính cái nghề không ít người kỳ thị này”. Nói rồi chị nhìn lên bức ảnh cưới của con gái: “Nó sinh năm 1993, khi tôi tròn 20 tuổi. Tôi xin đứa con chứ chả cưới chồng, cưới cheo gì đâu. Giờ nó lấy chồng ở Hải Phòng, có 2 đứa con rồi. Trước cái Hoa (Phạm Thị Hoa – con gái chị) cũng thỉnh thoảng ra nghĩa trang giúp mẹ nhưng tôi không cho cháu theo cái nghề này được”.

Gần 30 năm làm nghề, chị nhớ không biết bao nhiêu kỷ niệm mà khi kể ra người nghe đều cảm giác rùng mình, ớn lạnh. Đó là lần “gom” những phần thi thể nát bét vì tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt hay những lần vớt xác đã trôi nhiều ngày trên sông. “Với tôi, ngoài cái mùi hơi khó chịu một tí thì không có chút sợ hãi gì cả. Lúc sống, họ cũng như mình nên khi họ chết đi, tôi chả có gì phải sợ”, chị nói.

Gần 30 năm làm nghề, chị đã “sang cát” không biết bao nhiêu bộ hài cốt. Công cán thì ngày xưa có khi được vài ba chục đồng, rồi lên vài ba trăm, giờ thì được một vài triệu đồng. Chị bảo, nhà nào tốt thì thêm cho mình chút công, còn nhà nào nghèo thì có khi mình lấy chút theo lễ chứ cũng không đòi hỏi. Sau hàng chục năm trời làm nghề bốc mộ, khâm liệm người chết, do thường xuyên phải thức đêm và tiếp xúc nhiều với tử khí nên sức khỏe chị ngày một yếu đi. Trước đây, không ít người luôn kỳ thị, xa lánh những người bốc mộ, nhưng bây giờ họ luôn xem chị như một người bạn, người hàng xóm tốt, bởi ai cũng hiểu, nghề của chị là “nghề làm phúc cho thiên hạ” chứ không phải ai cũng dám theo cái nghề đầy tử khí này.

“Máy gánh gạch” đất  Hà thành

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng… sợ - 1

Chị Trần Thị Thêm (bên trái) chọn công việc nặng nhọc để mưu sinh. Ảnh: BÌNH OANH

Chúng tôi tìm đến khu chợ Hà Đông khi chị Trần Thị Thêm (quê ở Giao Thủy, Nam Định) đang gánh những gánh gạch rồi vác trên vai những bao tải cát, xi măng lên tận tầng 4, tầng 5 của một công trình xây dựng. Nhìn dáng người gày gò, ốm yếu, làn da đen sạm ấy, không ai nghĩ rằng chị mới 42 tuổi.

Chị kể, cách đây chừng 5 năm, do quá đói nghèo, vợ chồng chị bỏ lại làng quê, gửi con cái nhờ ông bà chăm nom lên Hà Nội kiếm việc mưu sinh. Hàng ngày, vợ chồng chị ra đứng ở ngã ba, ngã tư đường phố để chờ người ta đến thuê đi làm. Làm gì cũng được, miễn sao có tiền là hai vợ chồng nhận hết. Nhưng ông trời chẳng thương kẻ nghèo, cách đây 3 năm chồng chị qua đời trong một lần đi đập nhà thuê, bị cả khối bê tông đè vào người. Thân gái một mình, chị như suy sụp hoàn toàn, không biết phải xoay sở ra sao. May mắn, họ hàng, bạn bè cùng làm ăn trên đất Hà Nội cho vay tiền, chị đưa anh về quê mai táng. Ngày đi lên đất Hà Nội, chị nước mắt ngắn dài vì thương con thì ngày đưa chồng trở về quê nhà chị ngã khuỵu trong nỗi đau đớn tột cùng.

Hơn một năm sau ngày chồng mất, khi nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai thì chị lại nhận được hung tin đứa con thứ ba mới học lớp 5 bị tim bẩm sinh cần mổ gấp. Một thân một mình chị lại lo chạy vạy khắp nơi lấy tiền để mổ cho con. Ngày con nằm viện, chị cứ làm việc như một cỗ máy, không biết ngơi nghỉ. Ban ngày chị ra những khu chợ người, có ai mướn gì thì làm nấy. Những lúc trưa, tối lại vào viện chăm con. Tiền ăn không đủ, chị thường xuyên phải nhờ đến những suất cơm từ thiện trong bệnh viện. Đứa con của chị còn bé nhưng cũng đã biết thương mẹ, “cháu chẳng bao giờ kêu ca với mẹ là con đói, con đau hay như thế nào cả. Trong bệnh viện ai cũng bảo cháu là chiến sĩ dũng cảm. Nghĩ cũng tội cho con lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì cả, tiền viện đã đủ tốn rồi, lấy đâu ra tiền mà ăn ngon”, chị Thêm bùi ngùi.

Giờ đây, bốn mẹ con chị mỗi người một nơi. Đứa con trai lớn đã 18 tuổi nhưng bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển nên ở nhà bác, trông nhà cho hai bác. Đứa thứ hai thì phải theo chị lên Hà Nội để làm, còn đứa út thì sống với ông bà ngoại. Tháng trước, do đau lưng quá, cảm thấy xương khớp có vấn đề nên chị cũng đi khám thì biết mình bị thoái hóa đốt cột sống và xương vai. Bác sĩ khuyên chị nên nghỉ để điều trị nhưng giờ mà nghỉ thì sẽ lấy ai kiếm tiền nuôi con, nên chị vẫn cố đi làm. Có những lúc đang làm, cơn đau quặn lên, chị lại ngồi xuống xoa bóp lưng rồi lại cố làm tiếp. “Giờ nghỉ một ngày là cái khoản nợ vay chữa bệnh cho con nó lại tăng lên. Thôi thì cứ cố gắng chứ cũng bao nhiêu người còn khổ hơn mình nữa”, chị nói vội, giọt mồ hôi rơi lã chã.

Góa phụ nuôi rắn mưu sinh

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng… sợ - 2

Chuồng rắn của nhà chị Hà Thị Hương.

Trong căn nhà khá khang trang, chị Hà Thị Hương (39 tuổi) ở thôn 4, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cho biết, năm 2002, do không cẩn thận, chồng chị đã qua đời do bị rắn cắn, để lại 2 đứa con nhỏ (đứa lớn lúc đó lên 8, đứa bé mới chỉ được 9 tháng tuổi).

Ngày đó do cũng quá sợ hãi và xót thương trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị đã bỏ nghề gia đình (nuôi rắn) suốt hơn 2 năm. 27 tuổi, đối diện với nỗi đau mất chồng, kinh tế lại đang khó khăn, có những lúc chị đã nghĩ quẩn, muốn đi theo chồng nhưng nghĩ về các con chị lại cố gắng đứng dậy. Thấy mọi người xung quanh ai cũng nuôi rắn, sống được với nghề, chị Hương quyết liều với số phận một phen nữa.

Vậy mà, đến nay cũng đã hơn 15 năm kể từ ngày “chung sống” với loài vật nguy hiểm này, mất mát cũng nhiều nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi nghề. Lúc nào cũng thân gái một mình chui ra, chui vào chuồng rắn, từ việc vệ sinh, cho rắn ăn cho đến lúc thu hoạch đều một tay chị đảm đương. “Thấy người ta có vợ có chồng cùng làm ăn, được chồng chăm sóc, lo lắng cho từng li, từng tí nhiều khi nghĩ cũng thấy cực, tủi thân nhớ đến chồng. Nhưng tôi lại nhìn vào hai đứa con nhỏ mà cố gắng sống tiếp thôi. Nhưng may mắn được trời thương nên làm ăn cũng chưa bao giờ thua lỗ, kinh tế cũng đủ ăn đủ sống rồi”, chị bảo.

Dù có những đôi găng tay dày làm việc, nhưng hầu như những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đều không sử dụng đến những dụng cụ bảo hộ này. Chị Hương cho hay: “Dùng găng tay vừa dày vừa vướng víu, cầm con rắn không thật tay, rất dễ bắt trượt. Khi ấy rắn lao vào cắn vào mặt, vào người, vào vai còn nguy hiểm hơn nên tôi vẫn thường dùng tay không bắt rắn cho dễ”. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm của người dân nơi đây.

Ngay cạnh nhà chị Hương, cách đây chỉ chừng trăm ngày, người hàng xóm của chị cũng qua đời vì bị rắn cắn, để lại người vợ trẻ cùng 3 đứa con nhỏ. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Lương. Thế nhưng cũng như chị Hương, chị Lương vẫn không từ bỏ nghề nuôi rắn dẫu biết rằng, trong xã hầu như năm nào cũng có người chết vì bị rắn cắn.

Chị Phạm Thị Bình tâm sự: “Có nhiều trường hợp đi bốc mộ 1-2h sáng, khi nắp quan tài vừa bật, người đã chết 4, 5 năm vẫn còn nguyên hình, tóc còn dính, da thịt còn đỏ au, gia đình phát sợ chạy tán loạn thì tôi vẫn bình tâm làm việc. Tôi luôn tâm niệm giúp được càng nhiều người cũng chính là mình tích đức cho con. Công việc có khó khăn thì họ mới nhờ đến mình. Nếu mình cũng từ chối, thì ai giúp họ”.

Theo P.Bình – K.Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Phụ nữ VN 20/10