Những thực phẩm mẹ bầu không nên ăn dịp Tết

Ngày 05/02/2016 09:22 AM (GMT+7)

Một số món ăn truyền thống trong dịp Tết như bánh chưng, xôi có chứa nhiều chất bột đường, mẹ bầu không nên ăn nhiều.

Tết đến xuân về là dịp gia đình, anh em, bạn bè đoàn tụ, thăm hỏi lẫn nhau, cùng nhau đi chúc Tết… Chính việc này sẽ làm đảo lộn cuộc sống so với thường ngày. Mẹ bầu cũng phải hòa nhịp vào cuộc sống ngày Tết, đặc biệt phải đối diện với nhiều thực phẩm lạ, nhiều dầu mỡ, bánh mứt kẹo và các loại đồ uống,… Những thực phẩm đó có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của mẹ bầu. Do vậy, chị em cần biết tránh những thực phẩm không nên ăn hoặc hạn chế ngày Tết để có thai kỳ hoàn hảo nhất.

Thạc sĩ, Bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng sẽ đưa ra lời khuyên giúp mẹ bầu nên và không nên ăn những loại thực phẩm nào trong dịp Tết cổ truyền này.

Những thức ăn cần kiêng

Dịp Tết, gia đình nào cũng dự trữ nhiều thực phẩm và đồ uống. Vì vậy, các mẹ bầu cần lưu ý hạn chế một số loại thức ăn và đồ uống. Bác sĩ Tường Vi cho biết: “Thức ăn chế biến sẵn được sử dụng trong ngày Tết  như thịt xông khói, jambo, xúc xích,… có hàm lượng muối cao, chất bảo quản thường không có lợi đối với mẹ bầu. Ngoài ra, một số món ăn chứa nhiều dầu mỡ mẹ bầu cũng nên hạn chế. Bởi, có thể làm tăng triệu chứng ốm nghén, buồn nôn và nôn của mẹ bầu. Đặc biệt, sẽ ảnh hưởng tới nguồn sữa mẹ đang cho bé bú hoặc làm tăng cân quá mức dẫn đến thừa cân”.

Những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết như xôi, bánh chưng chứa nhiều chất bột đường mẹ bầu không nên ăn nhiều. Nếu ăn 1 phần 8 chiếc bánh chưng hoặc non nửa bát xôi thì lượng tinh bột tương đương với ăn 1 lưng bát cơm tẻ.

Những thực phẩm mẹ bầu không nên ăn dịp Tết - 1

Bánh chưng chứa nhiều chất bột đường mẹ bầu không nên ăn nhiều. (ảnh minh họa)

Rượu bia là thức uống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Tuy nhiên, chúng là điều cấm kỵ với các mẹ bầu vì không tốt cho trẻ. Các chất kích thích như trà, cà phê các mẹ cũng không nên sử dụng.

Bên cạnh đó, các mẹ bầu cần tránh những điều sau:

- Tránh mua quá nhiều thức ăn trong dịp Tết. Dưới tiết trời thay đổi thất thường, những thực ăn sẽ dễ bị hỏng, ôi thiu. Khi mẹ bầu ăn phải sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.

- Tuyệt đối không ăn các thực phẩm lạ để phòng ngừa bị dị ứng thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa.

- Các mẹ bầu bị mắc bệnh lý nội khoa đi kèm như tim mạch, tăng huyết áp,… cần được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn cụ thể và tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ trong dịp Tết.

Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng

Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và bé trong dịp Tết, mẹ bầu cần có chế độ ăn hợp lí. Theo bác sĩ Tường Vi, mẹ bầu cần ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa.

“Ngày Tết, đôi khi phải chờ mọi người đến đông đủ mới khai tiệc. Do vậy, việc để mẹ bầu đợi quá lâu không được ăn sẽ không tốt cho mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu có thể ăn tạm thứ gì đó như 1 chút hoa quả hay bánh quy trong khi chờ đợi. Khi ăn tiệc không nên ăn quá nhiều, chỉ ăn lượng vừa phải như ngày thường”, bác sĩ cho hay.

Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tăng cường ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Trong một số trường hợp, có thể dùng một ít rượu vang nhưng không quá 1 ly. Còn, đối với nước ngọt chỉ nên dùng loại nước hoa quả tươi.

Những thực phẩm mẹ bầu không nên ăn dịp Tết - 2

Trong dịp Tết, mẹ bầu nên tăng cường ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. (ảnh minh họa)

Bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh: “Để tận hưởng những ngày xuân trọn vẹn, vui vẻ các mẹ bầu không cần kiêng khem quá nhiều, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Ngồi tiếp khách, mẹ bầu có thể tí tách đĩa hạt dưa hạt hướng dương giàu magie tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lúc mua mẹ bầu chú ý tránh các loại hạt mốc, lép và tẩm hóa chất. Khi ăn nên tách hạt bằng tay, không nên cho vào miệng cắn”.

Những lưu ý khi chọn lựa thực phẩm cho mẹ bầu

Theo bác sĩ Tường Vi, mẹ bầu cần chọn những thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần ăn chín uống sôi, tránh ăn những món thịt nguội, nem chua và các loại thức ăn chưa chín kỹ.

- Trong trường hợp mẹ bầu có biểu hiện đái tháo đường thai kỳ cần :

Cố gắng ăn uống như ngày thường, không được bỏ bữa. Bữa ăn đa dạng thực phẩm nhưng cần chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Trong trường hợp ăn bánh chưng hoặc xôi thì cần giảm bớt lượng cơm hoặc tinh bột khác trong khẩu phần.

Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi. Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ như thịt đông, giò xào, bánh chưng nhân nhiều thịt mỡ, các phủ tạng… Chất béo nên dùng dầu thực vật chế biến các món trộn, salad.

Không nên dùng đồ ngọt như bánh mứt kẹo, đồ uống ngọt nhất là đồ uống có gas. Có thể thay bằng hoa quả tươi nhưng ăn nguyên quả. Không nên dùng nước ép hoa quả vì bỏ mất lượng chất xơ cần thiết cho người đái tháo đường.

- Những bà bầu có tăng huyết áp nên tránh các món ăn mặn nhiều muối: dưa muối, cà muối, đồ ăn nhanh như jambon, xúc xích, lạp xường,..

- Những trường hợp có chỉ định dùng thuốc phải tuân thủ đầy đủ, không được quên thuốc, mà cũng không được uống bù để đảm bảo đường huyết được ổn định.

- Ngày Tết  cần duy trì chế độ tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức giúp kiểm soát đường huyết tốt.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác