Ôm bé sau sinh - việc nhỏ, lợi ích lớn!

Ngày 02/09/2013 15:00 PM (GMT+7)

Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé ngay sau sinh giúp bé bớt khóc, cải thiện tương tác mẹ con, giữ ấm trẻ và giúp mẹ cho bé bú dễ dàng.

Nhiều mẹ chia sẻ rằng lần đầu tiên nhìn thấy con yêu, được ôm bé vào lòng, đó là khoảnh khắc rất kì diệu mà mẹ khó có thể diễn đạt thành lời. Đó là cảm xúc chung nhưng có lẽ các mẹ không biết cái ôm tiếp xúc da kề da tưởng như đơn giản ấy lại rất có ích cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé ngay sau khi bé ra đời và sau đó nữa không chỉ có ảnh hưởng tích cực, là cầu nối truyền tải tình cảm giữa cha mẹ và bé, giúp mẹ cho bé bú thành công mà còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ. Vậy thực chất việc tiếp xúc da kề da có vai trò quan trọng như thế nào với sự phát triển của bé ? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin cho mẹ nhé!

Thế nào là tiếp xúc da kề da?

Tiếp xúc da kề da sớm, lý tưởng là ngay sau sinh bằng cách đặt trẻ sơ sinh trần truồng trên ngực trần của mẹ. Ngực trần của mẹ là nơi hoàn hảo cho trẻ sơ sinh phục hồi sau những căng thẳng của hành trình "vượt cạn". Đó là nơi thoải mái, bình yên và ấm áp nhất để bé bắt đầu cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Trừ khi cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức, nếu không các bé nên được nghỉ ngơi trên ngực của mẹ ít nhất một giờ sau khi bé chào đời.

Ôm bé sau sinh - việc nhỏ, lợi ích lớn! - 1
Thực hiện tiếp xúc da kề da cho mẹ và trẻ sơ sinh khỏe mạnh (ảnh minh họa)

Lợi ích của việc tiếp xúc da kề da sớm giữa mẹ và bé là gì?

- Giúp mẹ và bé thư giãn, bình tĩnh lại.

- Giúp trẻ bớt khóc.

- Cải thiện nhịp tim, giúp nhịp tim ổn định hơn cũng như giúp hơi thở của trẻ đều đặn hơn.

- Kích thích hệ tiêu hóa của bé.

- Giữ ấm trẻ.

- Tăng thời lượng trẻ ngủ sâu.

- Để da bé tiếp xúc được với các loại vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, do đó cải thiện sức đề kháng, chống nhiễm trùng cho trẻ.

- Kích thích sản xuất các hoocmon thúc đẩy tuyến sữa hoạt động

- Tăng tiếp xúc mùi, nhiệt độ bằng cách tiếp xúc da kề da sẽ kích thích trẻ khởi phát bú mẹ thành công.

- Thắt chặt quan hệ và giao tiếp giữa cha mẹ và bé thông qua kích thích xúc giác như sờ, sưởi ấm và mùi.

- Tiếp xúc da kề da giúp trẻ sinh non được ổn định hơn, duy trì nhiệt độ cơ thế, chống lại nhiễm trùng, tăng trưởng và phát triển tốt hơn cũng như rút ngắn thời gian nằm viện. Đây còn được gọi là phương pháp Kangaroo.

Phương pháp Kangaroo

Phương pháp Kangaroo là tên gọi khác của việc tiếp xúc da kề da nhưng thường được áp dụng đối với các trường hợp bé sinh non.

Trong phương pháp này, để giữ đủ nhiệt cho trẻ sinh non trong điều kiện thiếu lồng ấp, trẻ sơ sinh được đặt ở tư thế thẳng đứng, áp sát vào ngực mẹ, má của bé áp vào da ngực mẹ, 2 chân bé dang ra dưới vú mẹ (tư thế con ếch), tư thế này duy trì liên tục 24/24 giờ trong vài tuần đầu sau sinh cho đến khi trẻ có được trọng lượng trung bình của một đứa trẻ chào đời đủ tháng.

Ngoài tác dụng ủ ấm cho trẻ, phương pháp Kangaroo còn tạo sự gần gũi, gắn bó tình cảm mẹ con, tạo điều kiện để trẻ được bú sữa mẹ. Ngoài ra, với phương pháp này, những trẻ sinh non có thể được điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, phương pháp Kangaroo không được áp dụng với tất cả trẻ sinh non. Ở nhiều nơi trên thế giới, các bệnh viện chỉ thực hiện Kangaroo với những bé có tình trạng lâm sàng khá tốt, có khả năng bú mẹ và nuốt, không rối loạn về hô hấp, tim mạch.

Ôm bé sau sinh - việc nhỏ, lợi ích lớn! - 2
Tiếp xúc da kề da sớm tăng ham muốn được bú sữa mẹ của trẻ (ảnh minh họa)

Tiếp xúc da kề da và lần đầu bé bú sữa mẹ

Các chuyên gia đã quan sát nhiều trẻ sơ sinh và nhận thấy hầu hết các bé đều thực hiện một loạt các hành động như nhau để dẫn đến lần bú mẹ đầu tiên. Một số bé mất nhiều thời gian hơn nhưng nếu bú mẹ thành công, trong lần tiếp theo, các bé sẽ bú mẹ dễ dàng hơn rất nhiều. Việc tiếp xúc da kề da sớm thúc đẩy quá trình này và các mẹ ôm bé, da kề da ngay sau khi sinh sinh có khả năng cho bé bú lâu hơn các mẹ không tiếp xúc với trẻ. Quá trình này là:

- Bé khóc sau khi được sinh ra, các chuyên gia cho biết tiếng khóc sau khi bé chào đời rất đặc trưng, khác với tiếng khóc của bé sau này tuy nhiên điều này không dễ phân biệt.

- Bé sẽ bắt đầu thư giãn và phục hồi sau khi chào đời.

- Sau đó bé sẽ bắt đầu thức dậy.

- Cánh tay, vai và đầu trẻ có những chuyển động nhỏ.

- Chuyển động của bé tăng lên và trẻ có xu hướng chuyển lại gần ngực của mẹ.

- Sau khi bé đã tìm thấy mẹ, bé sẽ nghỉ ngơi một khoảng thời gian. Mẹ đừng nhầm lẫn hành động này của trẻ với việc bé không muốn ăn hay không đói.

- Sau đó bé sẽ rúc vào ngực mẹ trước khi bú.

- Sau khi bú mẹ trong một thời gian ngắn, bé sẽ dừng lại và ngủ.

Tiếp xúc da kề da sau khi sinh mổ, được hay không?

Có nhiều nhân tố khiến mẹ không thể ôm bé, da kề da sớm sau khi sinh mổ. Thậm chí, ngay cả khi mẹ tỉnh táo trong và sau khi phẫu thuật, sử dụng thuốc giảm đau cho cột sống, bác sĩ cũng không cho phép mẹ tiếp xúc da kề da với bé vì nhiều lí do khác nhau. Tuy nhiên mẹ có thể nói chuyện với bác sĩ sản khoa về vấn đề này và yêu cầu được tiếp xúc sớm với bé. Còn nếu mẹ cảm thấy không khỏe hoặc thuốc gây mê vẫn còn tác dụng, bố cũng có thể thay thế mẹ để tiếp xúc da kề da với bé.

Bố tiếp xúc da kề da với trẻ có gì khác so với mẹ?

Tiếp xúc da kề da với bé là cách tuyệt vời để bố tương tác với trẻ. Việc bố ôm bé, da kề da được cho là có tác dụng giảm tiếng khóc thét của trẻ, giúp bé bình tĩnh lại và tạo điều kiện cho sự phát triển các hành vi trước khi bú mẹ của trẻ.

Liên tục tiếp xúc da kề da giúp bố và bé liên kết với nhau. Em bé sẽ cảm thấy an toàn trên ngực bố và ngược lại, bố cũng sẽ học được cách nhận biết các tín hiệu của trẻ.

Sau khi biết thêm thông tin về phương pháp này, nếu mẹ thấy tiếp xúc da kề da với bé ngay sau sinh là quan trọng, hãy để tiếp xúc da kề da sớm với bé trở thành một gạch đầu dòng quan trọng trong kế hoạch sinh của mẹ. Nếu bé yêu của mẹ khỏe mạnh và không cần sự can thiệp y tế sau sinh, mẹ nên ôm bé, da kề da trong ít nhất một giờ sau khi "vượt cạn". Việc cân đo và mặc quần áo cho bé có thể để sau, không cần ưu tiên hàng đầu.

Thanh Nga (Theo HB)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu