Ốm nghén – đừng chủ quan!

Ngày 25/06/2014 23:55 PM (GMT+7)

Mẹ bị ốm nghén nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai kỳ.

Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén.

Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con.

Phần 1: 9 tháng mang bầu, nguy hiểm rình rập

PHẦN 2: Ốm nghén nặng

Ốm nghén là triệu chứng phổ biến ở phụ nữ mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ốm nghén thường biểu hiện bằng tình trạng mệt mỏi, gầy, xanh, lợm giọng, buồn nôn, ứa ra nước miếng hoặc nôn ọe nhiều. Tình trạng thai nghén giai đoạn này có thể khiến người mẹ bầu hơi giảm cân. Thông thường, thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn, nên ăn nhẹ và chia thành nhiều bữa trong ngày, giữ tâm lý ổn định. Sau 3 tháng đầu, các triệu chứng ốm nghén giảm dần rồi mất hẳn.

Tuy nhiên, nếu thai phụ nôn nhiều, ăn thứ gì vào là nôn ra hết, thậm chí nôn hết thức ăn rồi vẫn tiếp tục nôn ra nước dãi hoặc nôn khan thì có thể bị nhiễm độc thai nghén. Nếu tình trạng thai phụ nôn mửa kéo dài, không ăn uống được sẽ dẫn đến thai phụ bị mất nước, suy kiệt sức lực, tiếp đến xuất hiện triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu... có thể ngất và hôn mê.

Thậm chí, mẹ bầu bị ốm nghén nặng còn có thể khiến da nhăn nheo, hơi vàng; tim đập nhanh, nước tiểu ít, không muốn ăn. Nếu kéo dài có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh, mê sảng, vật vã, co giật, hôn mê. Nôn ói nhiều còn dễ khiến thai phụ bị tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan.  Với thai nhi, có thể bị nhẹ cân và chết lưu.

Ốm nghén – đừng chủ quan! - 1

Mẹ bầu bị ốm nghén nặng còn có thể khiến da nhăn nheo, hơi vàng; tim đập nhanh, nước tiểu ít, không muốn ăn. (ảnh minh họa)

Ốm nghén nặng còn được gọi là tình trạng nhiễm độc thai nghén. Khoảng 10% bà mẹ mang thai bị nhiễm độc thai nghén muộn (nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng cuối thai kỳ) với các triệu chứng: Cao huyết áp, phù nề ở chân hoặc phù nề toàn thân, protein niệu. Mẹ bị nghén nặng 3 tháng cuối có thể là dấu hiệu báo trước tiền sản giật, nhau bong non, gây nguy hiểm tới tính mạng cả mẹ và con. Còn nhiễm độc thai nghén sớm xảy ra ở giai đoạn đầu của thai kỳ.

Phân biệt ốm nghén bình thường và ốm nghén nặng

Ốm nghén bình thường

Ốm nghén nặng

Thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.

Cảm giác buồn nôn chiếm phần lớn thời gian.

Đôi khi buồn nôn có kèm theo nôn mửa, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Buồn nôn kèm theo nôn mửa nghiêm trọng.

Cảm giác buồn nôn đến rồi đi, không liên tục nên còn có thời gian để nghỉ ngơi.

Cảm giác buồn nôn liên tục cả ngày lẫn đêm, rất ít khi thấy thoải mái.

Không phải mọi thứ ăn hay uống vào đều bị nôn ra hết, vẫn có thể giữ lại được một ít.

Nôn nghiêm trọng đến nỗi mọi thứ ăn hay uống vào đều bị nôn ra hết, không  giữ lại được chút nào.

Thỉnh thoảng nôn nên không ảnh hưởng đến lượng nước trong cơ thể.

Nôn nhiều đến mức có dấu hiệu mất nước trong cơ thể.

Giải pháp chữa trị ốm nghén nặng

Về chế độ ăn uống:

- Khi bị nghén nặng đôi khi cần phải nhập viện để bù nước bằng cách truyền dịch vào tĩnh mạch, thường là dung dịch nước, muối/chất điện giải và glucose. Mục đích là để điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải.

- Với những bà bầu bị hạ kali huyết thì sẽ cần bổ sung bằng cách truyền thêm dịch vào tĩnh mạch.

- Một số người cần phải được cho ăn bằng cách đưa một ống silicone nhỏ thông qua lỗ mũi, qua mặt sau của cổ họng và xuống dạ dày. Bằng cách này, các chất dinh dưỡng hoặc dung dịch thuốc loại tăng cường, dày đặc năng lượng nhưng dễ tiêu hóa, sẽ từ từ nhỏ từng giọt trực tiếp vào dạ dày để nuôi dưỡng người bệnh.

- Một số người cũng có thể được kê toa với Vitamin B6 “Pyridoxine”, rất có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn. Axit folic, các vitamin, sắt và các khoáng chất bổ sung khác cũng rất cần thiết trong trường hợp bị nôn mửa liên tục và không thể hấp thu các chất dinh dưỡng.

- Thuốc kháng axit cũng là một lựa chọn vì nó giúphạn chế sản xuất axit trong dạ dày.Thỉnh thoảng, cũng có trường hợp bác sĩ kê toa cho loại thuốc giúp làm trống dạ dày.

- Mẹ cũng cần tránh các loại thực phẩm dễ gây ói mửa. Thường thì các loại thức ăn lạnh và thơm dịu sẽ dễ được dung nạp hơn so với thức ăn nóng. Hâm nóng thức ăn sẽ tạo ra mùi nồng hơn, và chỉ vậy thôi cũng đủ để gây ra ói mửa.

Ốm nghén – đừng chủ quan! - 2
Khi bị nôn ói, mẹ cần chú ý chia thành nhiều bữa nhỏ để ăn trong ngày. (ảnh minh họa)

Lối sống:

- Bệnh nhân cần đến thăm khám với chuyên gia dinh dưỡng chuyên chăm sóc và điều trị cho bà bầu. Mục tiêu của việc chăm sóc và điều trị này là xây dựng chế độ ăn uống nhằm tối đa hóa năng lượng và dinh dưỡng nạp vào thông qua các loại thực phẩm ngon miệng hơn và ít có khả năng gây nôn mửa hơn.

- Đôi khi cũng cần phải thay đổi lối sống. Đối với những phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp thực phẩm, nơi mà môi trường làm việc luôn đầy mùi thức ăn, hoặc những người có liên quan đến thực phẩm nói chung, thì sẽ cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh lối sống cho phù hợp.

Tâm lý:

- Sự hỗ trợ về mặt tâm lý cũng quan trọng không kém. Tình trạng buồn nôn và nôn mửa liên tục có thể dẫn đến cảm giác chán nản. Từng đợt cảm giác buồn nôn ngắn cũng đã có thể làm cho bất cứ ai cảm thấy khổ sở, nói gì là những cơn liên tục kéo dài và không thuyên giảm. Thuốc chống trầm cảm chỉ được bác sĩ kê đơn trong những trường hợp nếu rủi ro cho mẹ và bé là lớn hơn so với tác dụng phụ của việc dùng thuốc.

- Đối với một số phụ nữ, dù không có chứng cứ khoa học nhưng việc kết hợp điều trị Tây y với các liệu pháp khác như châm cứu và/hoặc bấm huyệt xem ra có vẻ hữu ích. Với một số người thì các loại gừng, trà, nước uống có gas, bánh quy, kẹo có thể giúp thoải mái hơn đôi chút. Ăn với số lượng nhỏ các loại bánh quy giòn, bánh mì nướng, và các loại thực phẩm dễ tiêu hóa sẽ giúp duy trì lượng đường trong máu, chống buồn nôn.

Để hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ, mời các mẹ đón đọc các kỳ dưới đây vào 0h00 thứ 4 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ:

Phần 3: Hở eo tử cung

Phần 4: Thai ngoài tử cung

Phần 5: Chửa trứng

Phần 6: Sảy thai

Phần 7: Các bất thường về nhau thai

Phần 8: Tiền sản giật

Phần 9: Vỡ ối non

Phần 10: Huyết khối tĩnh mạch sâu

Phần 11: Tiểu đường thai kỳ

Phần 12: Ứ mật thai kỳ

Phần 13: Đa ối - Thiểu ối

Kim Hoa (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ốm nghén