Thai “non, già” - nguy hiểm đủ đường

Ngày 08/02/2014 05:00 AM (GMT+7)

Bà mẹ mang thai nếu sinh con khi thai mới được 28 đến trước 37 tuần tuổi thì gọi là thai non hay sinh non.

Vì sao gọi là thai non, thai già?

Bà mẹ mang thai nếu sinh con khi thai mới được 28 đến trước 37 tuần tuổi thì gọi là thai non hay sinh non.

Trẻ sinh non có sức đề kháng yếu ớt, “khó nuôi” do cơ thể thai nhi chưa được phát triển hoàn thiện. Em bé sinh ra càng sớm khi chưa đủ tuổi thai thì gia đình càng vất vả trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng bé. Có nhiều trường hợp thai nhi chào đời thuận lợi nhưng chậm phát triển về thể lực cũng như trí lực.

Nguyên nhân: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bà mẹ mang thai sinh non, tuy nhiên có một số lý do cơ bản như sau:

- Độ tuổi của thai phụ quá trẻ ( dưới 18 tuổi) hoặc quá lớn ( từ 35 tuổi đổ lên).

- Thai phụ có tiền sử bệnh tật, sử dụng chất kích thích trong thời kỳ mang thai.

- Thai phụ từng sinh nở nhiều lần, đồng thời có tiền sử sinh non.

- Quá trình mang thai không được chăm sóc đầy đủ về thể chất và tinh thần.

Ngược lại thai già tháng, dân gian thường gọi là “chửa trâu” có nghĩa là thai nhi đã quá 40-42 tuần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ.

Một số người cho rằng, thai nhi nằm trong bụng mẹ càng lâu thì càng tốt vì được me nuôi dưỡng, đây là một quan niệm sai lầm, nguy hiểm. Khi thai già tháng, bánh rau làm nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng cho bào thai trước đó bị thoái hóa, từ đó không thể tiếp tục thực hiện việc chuyển các chất bổ dưỡng từ mẹ sang con và ngược lại.

Hậu quả cuối cùng là thai nhi sẽ suy yếu và chết trong bụng mẹ. Nếu các bé thai già tháng nếu được sinh nở ra thì cũng khó nuôi không kém các bé sinh non. Vì vậy, mẹ bầu cần nắm rõ tuổi thai và theo dõi tình hình sức khỏe trong những tháng cuối bầu bí để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Thai “non, già” - nguy hiểm đủ đường - 1
Một số người cho rằng, thai nhi nằm trong bụng mẹ càng lâu thì càng tốt vì được me nuôi dưỡng, đây là một quan niệm sai lầm. (ảnh minh họa)

Làm sao biết thai đã đủ tháng?

Mốc để các bác sĩ sản khoa tính tuổi thai hiện nay là dựa trên ngày đầu tiên có kinh của kỳ kinh nguyệt cuối.

Để hiểu chính xác, chị em cần biết rằng, đây không phải là ngày bắt đầu có thai vì chắc chắn rằng, khi có kinh thì chị em không thể rụng trứng được. Tuy nhiên các chuyên gia sản khoa đã chọn ngày đầu có kỳ kinh cuối làm mốc đánh dấu mà người phụ nữ có thể nhớ được để từ đó tính tuổi thai một cách tương đối chính xác.

Nếu bà bầu sinh nở khi thai nhi được 38 đến 42 tuần có nghĩa là thai đủ tháng.

Cách tính ngày dự kiến sinh

Hiện nay có 1 số cách tính ngày dự kiến sinh như sau:

Ngày đầu của kỳ kinh cuối

Trước hết, chị em cần nhớ được ngày đầu của kỳ kinh cuối (KKC) và tính dựa theo công thức:

Ngày dự kiến sinh: Lấy ngày có KKC +10

Tháng dự kiến sinh: Lấy tháng có KKC -3 hoặc +9

Ví dụ: Ngày đầu của KKC của chị Hoa là 2/11/2013 Vậy ngày tháng dự kiến chị Hoa sẽ sinh con là: ngày 12 tháng 7 năm 2014

(Cách tính: 2+10=12 .Tháng sẽ sinh: 11-3= 7)

Chị Hoa có thể đẻ trước hoặc sau ngày dự kiến sinh 2 tuần vẫn được coi là đẻ đủ tháng.

Đo chiều cao tử cung

Trong quá trình khám thai định kỳ, mẹ bầu sẽ được đo chiều cao tử cung. Căn cứ vào chiều cao này có thể ước tính tuổi thai.

Công thức như sau: (Lấy chiều cao tử cung/4)+1 = tuổi thai

Ví dụ: Mẹ bầu có CCTC là 28 cm thì tuổi thai là 28/7+1= 8 tháng.

Nếu chị em có CCTC từ 32 cm trở lên nghĩa là thai đã đủ tháng.

Tuy nhiên, cách tính này thường ít được áp dụng tại các thành phố lớn hiện nay khi kỹ thuật siêu âm, đo đường kính, chu vi các bộ phận của thai nhi được áp dụng phổ biến.

Bên cạnh đó, cách tính này không chính xác cho trường hợp mang thai quá to, nhiều nước ối hoặc thai nhỏ, suy dinh dưỡng.

Vỡ ối sớm có gây sinh non không?

Đây là điều rất có thể xảy ra. Trong sản khoa, người ta có khái niệm vỡ ối non và vỡ ối sớm được phân biệt khác nhau.

Thai nhi được bao bọc bởi màng mỏng bọc lót mặt trong tử cung và bánh rau hình thành một túi kín để bảo vệ em bé.

Ở cực dưới của túi ối, khi chuyển dạ các màng ối sẽ giãn ra, nước ối dồn xuống tạo nên đầu ối. Đầu ối có nhiệm vụ ngăn cản vi trùng xâm nhập, đồng thời góp phần làm cổ tử cung giãn nở để thai xổ ra. Như vậy, khi cổ tử cung mở gần hết, đến lúc đẻ thì vỡ ối mới tốt nhất.

- Ối vỡ sớm: là khi đầu ối vỡ trong quá trình chuyển dạ nhưng tử cung chưa mở hết.

- Ối vỡ non: là sản phụ chưa chuyển dạ nhưng màng ối đã rách và nước ối chảy ra.

Cả 2 hiện tượng này đều gây ra những tai biến sản khoa nhất định vì ối vỡ gây đẻ non do thai chưa đủ tháng hoặc thai bị suy, tư thế thai không thuận và nhiễm trùng cho cả mẹ và bé.

 Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng nước ối, dù có hay chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhưng thấy ra nước bất thường ở âm đạo thì cần nghĩ đến hiện tượng vỡ ối và đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để thăm khám.

Thanh Lê (TH)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ