Thai phụ dính bệnh, phải làm sao?

Ngày 13/05/2017 05:44 AM (GMT+7)

Hiếm có thai phụ nào có thể trải qua hơn 9 tháng thai kỳ mà không một lần đối diện với bệnh tật.

Thời tiết TP HCM bắt đầu vào mùa nóng ẩm, cả trẻ em và thai phụ đều là đối tượng cần được quan tâm nhất trong “mùa dịch bệnh” này. Đáng lưu ý, không ít thai phụ mắc bệnh đã tìm đến bệnh viện (BV) xin được chấm dứt thai kỳ vì nỗi lo sẽ sinh ra một đứa trẻ không khỏe mạnh.

Không nên “cứ sợ là bỏ”

Đưa con gái 3 tuổi đi chích ngừa thủy đậu ở Viện Pasteur (TP HCM), chị P.T.V.T (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tâm sự rằng căn bệnh này từng là nỗi ám ảnh đối với mẹ con chị. “Tôi đưa con đi chích vì xem tivi, đọc báo thấy đang là mùa dịch, suýt nữa cháu đã không ra đời được vì căn bệnh này” - chị kể. Khi đang mang thai cháu bé, chị mắc thủy đậu vào tháng thứ 5 của thai kỳ. Tuy lần đó bệnh không nặng, không sốt quá cao và các bóng nước cũng sớm lặn đi nhưng cả gia đình nhốn nháo vì trong dòng họ từng có bé ra đời đã mắc chứng đục thủy tinh thể vì mẹ bị thủy đậu khi mang thai. Sau khi tìm hiểu về các dị tật mà căn bệnh có thể gây ra trên thai nhi, một số người lớn trong nhà còn khuyên rằng chị nên bỏ thai.

Thai phụ dính bệnh, phải làm sao? - 1

Tư vấn cho thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn

Tuy nhiên, chị T. kiên quyết giữ con và nói thẳng rằng “chị chấp nhận rủi ro”. Sau khi chuyển nơi khám thai lên BV Từ Dũ, chị đã nhờ vị bác sĩ (BS) gọi điện thoại thuyết phục giùm người lớn trong nhà. Cuối cùng, sau những tháng theo dõi chặt và hồi hộp chờ đợi, con gái chị cũng ra đời hoàn toàn lành lặn. Theo chị T., trên diễn đàn dành cho phụ nữ mà chị tham gia, không ít lần các bà mẹ mang thai đã đăng tải những tâm sự, xin trợ giúp ý kiến về việc giữ hay bỏ con, với các bệnh thủy đậu, quai bị, Rubella, sốt xuất huyết, Zika, sốt siêu vi, cảm cúm…, toàn những bệnh hay gặp trong mùa hè.

BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết ông đã từng đối diện với không ít phụ nữ nghĩ đến chuyện chấm dứt thai kỳ vì lo sợ việc mang bệnh hoặc chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến em bé. “Cứ sợ là bỏ, điều đó chắc chắn là không nên” - ông khẳng định. Theo BS Thông, không ít thai phụ từng phải trải qua một đợt bệnh nặng trong thai kỳ do nhiễm siêu vi vẫn có thể sinh ra con khỏe mạnh. Bởi bất kỳ căn bệnh nào nếu có ảnh hưởng đến thai thì cũng chỉ với tỉ lệ nhất định, không phải ai bệnh thì em bé cũng bị dị tật. Ở đa số các bệnh, tỉ lệ này thường không cao, chỉ vài phần trăm và phụ thuộc nhiều vào mức độ bệnh, tuổi thai, việc điều trị. Thông thường, các thai phụ nhiễm bệnh do siêu vi ở 3 tháng đầu thai kỳ là nguy hiểm nhất, nguy cơ em bé bị ảnh hưởng cao nhất. Tuy nhiên, không phải tình huống nào cũng nhất thiết phải chấm dứt thai kỳ mà trước hết, thai phụ phải được BS sản khoa thăm khám và tư vấn.

Đừng quyết định giùm thai phụ

“Tốt nhất là đừng để bệnh nhưng nếu đã bệnh, việc đầu tiên nên làm là đến BS để được kiểm tra thay vì cứ hoang mang lo lắng” - BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, lưu ý. Theo bà, thai phụ nên bình tĩnh đem đến cho BS sản khoa xem những giấy tờ cần thiết, nêu rõ mình bị bệnh gì, diễn biến như thế nào, đã được điều trị ra sao, tuổi thai lúc bị bệnh là bao nhiêu. Thông thường, thai phụ sẽ được tư vấn rõ những nguy cơ. Thai kỳ sau đó sẽ được theo dõi, tầm soát chặt chẽ hơn để kịp thời xử lý nếu có vấn đề xảy ra.

BS Mai cũng khuyến cáo rằng đừng nghĩ cứ bỏ thai cho “chắc ăn” là xong. Cho dù hiện nay các kỹ thuật chấm dứt thai kỳ đều đã tiến bộ rất nhiều, ít gây ảnh hưởng cho cơ thể người phụ nữ nhưng vẫn sẽ có tỉ lệ rủi ro nhất định. Chưa kể, việc dễ dàng quyết định bỏ thai có thể khiến người phụ nữ phải trải qua thủ thuật này nhiều lần trong đời và nguy cơ sẽ tăng lên. Phá thai nhiều lần ảnh hưởng đến tương lai sản khoa, thậm chí là cơ hội làm mẹ.

BS Thông nhắn nhủ cho dù thai phụ mắc bệnh nặng cỡ nào, gia đình hãy để họ được tư vấn và quyết định. Không nên đưa ra quyết định chấm dứt thai kỳ thay cho thai phụ. Nhiều khi, do áp lực từ những lời khuyên răn từ gia đình, thai phụ nhắm mắt xin phá thai bừa nhưng sau đó là nỗi dằn vặt kéo dài. Cũng nên nhớ, những rủi ro sức khỏe có thể nảy sinh do phá thai thì chỉ có thai phụ mới là người trực tiếp gánh chịu. “Bên cạnh đó, khi phát hiện có bệnh mà mình đang mang thai, đừng quên thông báo điều này với BS trị bệnh và BS sản khoa. Sự phối hợp giữa 2 vị BS này để tìm phương pháp điều trị hợp lý nhất cũng góp phần giúp bạn có một thai kỳ an toàn” - BS Thông khuyến cáo.

Chích ngừa tốt cho cả mẹ và con

Thai phụ thường được khuyến cáo nên chủng ngừa một số căn bệnh nhiễm trước khi có ý định mang thai, ví dụ như Rubella, thủy đậu. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn cho mẹ và bé trong thai kỳ mà đôi khi còn có lợi về sau. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), nếu người mẹ có đủ kháng thể bệnh thủy đậu (đã từng mắc bệnh hoặc tiêm ngừa đủ các mũi trước khi mang thai) thì đứa bé sinh ra sẽ có miễn dịch tự nhiên với căn bệnh này cho đến 9 tháng tuổi - là giai đoạn mà nếu mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm, cũng là lúc trẻ còn quá nhỏ chưa tiêm ngừa bệnh này được.

Theo Anh Thư
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ