Bí kíp 'độc' giúp mẹ chẳng sợ đau đẻ

Ngày 27/01/2014 15:00 PM (GMT+7)

Có những mẹo hay mà nếu áp dụng khi vượt cạn, mẹ bầu sẽ thấy chuyện sinh đẻ không còn quá đau đớn hay đáng sợ.

Quá trình chuyển dạ, dù có hay không áp dụng biện pháp giảm đau nào, cũng sẽ rất… đau. Đơn cử, khi chọn phương pháp giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng, để được chích thuốc gây tê, chị em vẫn phải trải qua thời gian đầy đau đớn để đợi tử cung mở đến 4cm. Nếu kiểm soát không tốt cơn đau chuyển dạ, sản phụ có thể bị mất sức, từ đó làm cho cuộc vượt cạn trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. 

Để chuyện “đi biển một mình” nhẹ nhàng hơn, trước khi chính thức bước vào phòng sinh, mẹ bầu nên tham khảo các mẹo hay giúp giảm được phần nào cảm giác đau đớn, giữ được sức và tâm lý bình tĩnh để cơn chuyển dạ diễn tiến nhanh chóng, ít vất vả.

Bí kíp độc giúp mẹ chẳng sợ đau đẻ - 1

Căng thẳng, lo lắng có thể làm cho cảm giác đau đẻ thêm nặng nề. (hình minh họa)

Sử dụng bóng sinh khi chuyển dạ 

Bóng sinh là loại bóng to, tròn, chuyên dành cho bà bầu tập thể thao và dùng trong tập luyện Yoga. Ngay khi cơn chuyển dạ khởi phát, bóng sinh đã là một vật dụng hỗ trợ mẹ bầu giảm đau khá hiệu quả. Các lý do mà bạn nên sắm ngay 1 chiếc bóng sinh và đem vào phòng đẻ (nếu bạn chọn dịch vụ sinh gia đình hoặc có sự đồng ý của bác sĩ sản khoa):

- Đem lại sự thoải mái cho sản phụ. Khi những cơn gò ngày càng gia tăng cường độ, việc ngồi trên ghế cứng, nằm trên giường … sẽ không còn thoải mái nữa. Cách đơn giản là mẹ hãy ngồi chắn chắn trên 1 chiếc bóng sinh, vì độ mềm mại, êm ái của loại bóng này giúp sản phụ dễ chịu hơn.

- Giảm áp lực của các cơn co thắt. Với tư thế ngồi dạng chân, giúp khung xương chậu mở lớn, mẹ bầu sẽ cảm thấy cơn đau trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ bóng đã hấp thụ bớt một số áp lực gây ra bởi các cơn co . Để giảm đau hiệu quả, chị em nên kết hợp thêm lắc lư hoặc xoay mông qua lại. 

- Giảm đau lưng hiệu quả. Một số chị em sẽ cảm thấy đau lưng ghê gớm trong suốt quá trình vượt cạn. Đối phó với cơn đau này, hãy quỳ gối trên nền nhà, để hai tay cùng cơ thể thả lỏng trên quả bóng. Tư thế này làm toàn bộ trọng lực được chuyển về phía trước, góp phần chế ngự bớt cảm giác đau ở lưng.

Bí kíp độc giúp mẹ chẳng sợ đau đẻ - 2

Nếu không có bóng sinh, sản phụ có thể thay thế bằng gối mềm. (hình minh họa)

Massage

Suốt quá trình vượt cạn, cơ thể sẽ tự sản sinh ra endorphins, 1 loại “thuốc” giảm đau tự nhiên. Tuy nhiên, nếu sản phụ quá căng thẳng, mất bình tĩnh có thể gây trở ngại cho việc sản xuất endorphins trong cơ thể, từ đó khiến chị em càng đau đớn. Vì vậy, để thúc đẩy cơ thể sản sinh hóa chất này mạnh mẽ hơn, không có cách nào hay bằng việc làm dịu tâm trí và cơ thể của mẹ bầu. Một trong những cách giúp chị em bình tâm, thư giãn chính là dùng các kỹ thuật massage khi chuyển dạ.

Tuy vậy, để việc massage đạt được kết quả mong muốn, mẹ bầu nên cùng thực hành với “anh xã” ngay trong thời gian bầu bí. Từ đó, hai vợ chồng sẽ thống nhất được cách massage nào, massage ở đâu v.v… có thể giúp bạn thư giãn và dễ chịu nhất. Đừng đợi đến khi lên bàn sinh mới bắt đầu thực hành việc này, vì những thử nghiệm vụng về có thể gây khó chịu cho sản phụ thay vì mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu. Cũng nên nhớ mang theo 1 chai dầu massage khi sắp xếp hành trang đi đẻ nhé, vì mùi thơm của dầu có thể giúp bạn thư giãn rất hiệu quả đấy.

Yoga – Thiền định 

Ngoài massage, bạn có thể làm dịu tâm trí mình, giảm thiểu cảm giác đau đẻ bằng kỹ thuật thiền định trong Yoga. Mẹ bầu nên học trước kỹ thuật này trong các lớp học tiền sản. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện tham gia các lớp này trước khi sinh, hãy thử  kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả sau: đếm từ 1 đến 50 sau đó đếm ngược từ 50 đến 1 (đếm càng to giọng càng tốt). Hãy làm điều này một cách chậm rãi, từ từ, đồng thời nhắm mắt lại và hít thở sâu giữa các lần đếm. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì hiệu quả giảm đau không ngờ từ phương pháp này, bởi nó giúp bạn bình tâm, thư giãn và nhất là chi phối tâm trí bạn để khỏi tập trung vào các cơn co thắt ngày một dồn dập.

Dầu thơm

Bí kíp độc giúp mẹ chẳng sợ đau đẻ - 3

Tinh dầu oải hương mang lại cảm giác thư giãn giúp bạn có thêm sức lực vượt qua các cơn gò vốn rất đau và khó chịu. (hình minh họa)

Bao gồm tất cả loại tinh dầu, nước hoa, kem có hương thơm được bạn yêu thích và mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái. Trong đó, có một số mùi hương rất phù hợp để mẹ bầu mang vào phòng sinh như tinh dầu hoa oải hương, bạch đàn đặc biệt hữu ích trong việc giúp sản phụ thư giãn, tinh cầu chanh và cam cung cấp thêm năng lượng hỗ trợ mẹ bầu chịu đựng và vượt qua quá trình chuyển dạ kéo dài … Vì vậy, trong khi sửa soạn hành lý đến bệnh viện, nên đóng gói cẩn thận các mùi hương yêu thích vào 1 chiếc túi nhỏ và mang theo bên mình. Mỗi khi thấy cơn đau có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, hãy mở túi và hít 1 hơi thật sâu. Các mùi hương này sẽ kích thích và gửi tính hiệu lên 1 phần não bộ vốn là nơi kiểm soát cảm xúc của bạn, nhờ đó giúp bạn đỡ đau hơn. 

Nước ấm

Khi cơn chuyển dạ vừa bắt đầu, mẹ bầu nên đắm mình trong làn nước ấm từ vòi sen hoặc bồn tắm, bạn sẽ thấy hiệu quả giảm đau tuyệt vời từ dòng nước ấm áp, dễ chịu mang lại cho mình. Nếu bệnh viện không trang bị vòi sen hay bồn sinh nở cho sản phụ sử dụng trong giai đoạn đầu, hãy chuẩn bị sẵn 1 chai hoặc 1 túi nước ấm để chườm vào những khu vực mà bạn cảm thấy đau và khó chịu nhất trong quá trình sinh nở, như khu vực thắt lưng hoặc bắp tay, chân …

Âm nhạc

Bí kíp độc giúp mẹ chẳng sợ đau đẻ - 4

Âm nhạc cung cấp thêm năng lượng để mẹ an tâm vượt qua giai đoạn chuyển dạ kéo dài. (hình minh họa)

Chúng ta đều biết tác động của âm nhạc đến tâm trạng của mình. Âm nhạc có thể mang lại cảm giác vui tươi, yêu đời, thư giãn … nhưng cũng có khi làm chúng ta bật khóc bởi các giai điệu u buồn, trầm lắng. Trong quá trình chuyển dạ, âm nhạc cũng được chứng minh có ảnh hưởng nhất định đến cảm xúc và làm gia tăng ngưỡng chịu đau cho sản phụ. Do đó, nếu bệnh viện nơi bạn đăng ký sinh cho phép mang máy nghe nhạc vào phòng, hãy chọn những bản nhạc bạn yêu thích và thấy dễ chịu nhất khi thưởng thức. Thư giãn, nhắm mắt lại và cho phép bản thân chìm đắm trong làn điệu du dương của âm nhạc để tạm lánh khỏi các cơn đau ngày càng mãnh liệt trong suốt quá trình vượt cạn.

Phạm Ngọc (Theo EF)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị đồ và tâm lí