Tự tử vì stress khi mang bầu

Ngày 26/08/2013 13:45 PM (GMT+7)

Tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai cao gấp đôi so với người bình thường.

Đây là kết quả do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) công bố mới đây. Ở nông thôn, tình trạng này càng nặng nề, dẫn tới nhiều thai phụ có phản ứng tiêu cực như tự tử.

Khoảng trống trong chăm sóc y tế

Vụ việc chị Nguyễn Thị T (31 tuổi, trú tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang mang thai 4 tháng, đã buộc chân đứa con trai 5 tuổi cùng tự tử khiến nhiều người dân bàng hoàng. Theo lời người nhà kể lại, chị và chồng đã mâu thuẫn trong thời gian dài, người chồng thường đánh đập, chửi bới vợ. Trước ngày tự tử, chị T bị chồng đánh, đẩy chị ngã đập đầu vào chiếc ô tô dựng ven đường, trong khi chị bụng mang dạ chửa, tay còn đang dắt đứa con 5 tuổi. Có lẽ, nỗi đau đớn, tủi nhục đó khiến chị T cùng quẫn, nghĩ quẩn, nhảy sông tự tử cùng hai đứa con.

“Hàng ngày đọc trên báo chí, mọi người có thể bắt gặp nhiều trường hợp phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ có các hành vi không kiểm soát được như bạo lực, tự tử, giết con hoặc gây thương tích cho mình và người thân. Đây là những hành vi rối nhiễu tâm lý mà phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ rất hay gặp, nhưng chưa hề được chẩn đoán, điều trị” – TS Trần Tuấn – Giám đốc RTCCD cho biết.

Theo nghiên cứu ảnh hưởng của dinh dưỡng và sức khỏe tâm trí mẹ tới kết quả cuộc đẻ, sức khỏe và sự phát triển của trẻ do RTCCD thực hiện trên gần 500 thai phụ tại tỉnh Hà Nam (45,6% là nông dân), có đến gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỷ lệ này còn gần 29%. Trong khi đó, tỷ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người dân Việt Nam dao động khoảng 12-15%.

Tự tử vì stress khi mang bầu - 1
Tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai cao gấp đôi so với người bình thường. (ảnh minh họa)

Hậu quả khó lường

Chị Trần Thị M (20 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam) tâm sự, chị có bầu đứa con đầu lòng, tuy nhiên, chồng chị đi làm xa, chị ở nhà với bố mẹ chồng nên ít được chăm sóc dẫn đến gầy yếu, luôn lo sợ con không khỏe mạnh. Chị rất hay khóc và cáu gắt.

Chị Nguyễn Hồng N (Lý Nhân, Hà Nam) còn bi đát hơn, chồng chị thường rượu chè, về nhà đánh vợ con, chị lỡ mang bầu đứa con thứ 3 nhưng vẫn phải lao động đồng áng, chịu các trận đòn của chồng. Tâm trạng chị lúc nào cũng u ám, tuyệt vọng.

“Càng phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa càng có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý khi mang thai do chế độ dinh dưỡng kém, ốm yếu, thiếu vi chất. Đồng thời, mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình, áp lực kinh tế cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, các dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa hề đề cập đến vấn đề này”.

TS Trần Tuấn

Theo bà Trần Thu Hà – Phó Giám đốc RTCCD, người mẹ bị rối nhiễu tâm lý nặng sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với gia đình, tự sát hoặc giết con. Còn nếu nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như giảm tình thương với con, hay đánh con...

TS Trần Tuấn cũng cho biết, có 3 yếu tố liên quan đến rối nhiễu tâm lý: Các yếu tố nền (khuyết tật bẩm sinh, cơ địa, thói quen, văn hóa gia đình, nghề nghiệp); các yếu tố thúc đẩy (tai nạn, mất người thân, mất việc, phá sản…); yếu tố duy trì (sống biệt lập, gia đình cãi cọ, xung đột, có thai ngoài ý muốn…). Tuy nhiên, trong số 40% thai phụ bị rối nhiễu tâm lý trong giai đoạn đầu thai kỳ thì chỉ có 20% thuộc nhóm loạn thần, liên quan nhiều đến gene, còn 80% thuộc nhóm tâm căn, có thể phòng ngừa, điều trị khỏi được.

Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu