Chuyên gia "điểm mặt" các dạng bệnh tâm thần trẻ dễ mắc phải

Ngày 06/10/2017 10:10 AM (GMT+7)

Tỉ lệ trẻ em và vị thành niên Việt bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8 - 29%, tùy theo địa phương và giới tính.

Theo nghiên cứu mới đây của bộ LĐ-TB&XH, UNICEF và viện Phát triển hải ngoại, tỉ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8-29%, tùy theo địa phương và giới tính; tỉ lệ vị thành niên Việt Nam tự tử là 2,3%; vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên đang lan rộng và gia tăng.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tuần qua, đã xảy ra 2 vụ học sinh tự tử ở TP.Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Các em chọn cách nhảy từ trên những tòa nhà cao tầng xuống. Những người dân nơi 2 em học sinh này sinh sống cho biết, trước khi tự tử, các em không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mọi thứ không như vẻ bề ngoài các em thể hiện. Đã có rất nhiều những bất ổn trong lòng các em không được phát hiện, giúp đỡ kịp thời. Vụ việc 2 em học sinh nêu trên không phải là cá biệt.

Trẻ em có thể mắc các bệnh tâm thần nào?

Bác sĩ Đinh Hữu Uân, bệnh viện Tâm thần Trung ương cho hay, một số bệnh như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn tâm trạng và tâm thần phân liệt có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Một số rối loạn còn lại như rối loạn hành vi, rối loạn phát triển, rối loạn trong giao tiếp và học tập có thể chỉ diễn ra trong  thời thơ ấu nhưng cũng có những trường hợp kéo dài đến khi trưởng thành.

Rối loạn lo âu: Trẻ em mắc chứng rối loạn lo âu thường đáp ứng với các tình huống sợ hãi, căng thẳng bằng các dấu hiệu sinh lý như tăng nhịp tim, đổ mồ hôi.

Rối loạn về ứng xử: Trẻ em mắc chứng này có xu hướng coi thường các quy tắc và không tuân theo bất kỳ một khuôn khổ nào ở cả xã hội và trong trường học.

Rối loạn phát triển lan tỏa: Trẻ em mắc chứng này thường nhầm lẫn trong suy nghĩ và hiểu biết thế giới xung quanh chúng.

Rối loạn ăn uống:  Rối loạn ăn uống liên quan đến cảm xúc mãnh liệt và thái độ cũng như những hành vi bất thường của trẻ, đặc biệt là cân nặng và đồ ăn.

Rối loạn tâm trạng: Là những rối loạn liên quan đến nỗi buồn dai dẳng hoặc sự thay đổi tâm trạng nhanh chóng.

Tâm thần phân liệt: Là bệnh tâm thần nghiêm trọng có liên quan đến việc nhận thức méo mó và sai lệch về thế giới.

Chuyên gia amp;#34;điểm mặtamp;#34; các dạng bệnh tâm thần trẻ dễ mắc phải - 1

Nhiều trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh họa).

Triệu chứng của bệnh tâm thần ở trẻ em:

Tùy thuộc vào loại rối loạn tâm thần mắc phải mà trẻ em có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Nhưng các rối loạn đó vẫn có một số triệu chứng chung như:

+Thay đổi kết quả học tập, chẳng hạn như điểm học tập thấp dù đã rất chăm chỉ; trốn học, trộm cắp, xâm phạm, phá phách.

+Không có khả năng đối phó với các khó khăn thường ngày hoặc các hoạt động thường ngày.

+Rối loạn giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống.

+Phàn nàn về các bệnh thông thường như đau bụng, đau đầu…

+ Những cảm xúc tiêu cực kéo dài thường kèm theo chán ăn và có ý nghĩ tự tử.

+ Hay buồn chán hoặc tức giận; giảm hứng thú trong các hoạt động xã hội mà trước đây trẻ thích.

+Lo âu và bất an thái quá; hành vi bất cần hoặc hành vi hung hăng.

Nguyên nhân gây ra các bệnh tâm thần ở trẻ em:

Nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em chưa được làm sáng tỏ nhưng các nhà khoa học cho rằng, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm các yếu tố sinh học và di truyền, các tổn thương về mặt tâm lý, môi trường xã hội.

Tổn thương tâm lý: Một số bệnh tâm thần xảy ra sau khi trẻ bị tổn thương tâm lý, chẳng hạn như bị lạm dụng về thể chất, tinh thần hoặc tình dục; mất bố hoặc mẹ sớm; thiếu sự quan tâm chăm sóc của người thân.

Các yếu tố từ môi trường: Các căng thẳng hoặc chấn thương có thể gây ra bệnh tâm thần ở nhóm trẻ em đã sẵn có những rối loạn tâm thần.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh tâm thần cũng giống như nhiều bệnh khác đòi hỏi phải điều trị liên tục. Có nhiều lựa chọn điều trị như: Điều trị bằng thuốc (các thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, thuốc bình thần); điều trị tâm lý (các liệu pháp hỗ trợ tâm lý, nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình); một số phương pháp khác như phương pháp nghệ thuật, thể dục trị liệu đặc biệt hữu ích với trẻ nhỏ.

Theo N.Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe