Bệnh của doanh nhân

Ngày 21/04/2014 00:00 AM (GMT+7)

Doanh nhân cùng với những áp lực công việc riêng có thể khiến họ phải đối diện với những căn bệnh nhất định.

Mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều đáng tôn trọng. Khi gặp ai đó là doanh nhân, chúng ta thường nghĩ họ là những người có năng lực, dám nghĩ, dám làm. Nhưng họ cũng là những người chịu áp lực nặng nề của công việc, thậm chí nếu không giải quyết được, họ có thể mắc những chứng bệnh liên quan đến stress như rối loạn lo âu, trầm cảm và mất ngủ.

Bệnh lo âu là một căn bệnh thường gặp với các biểu hiện bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên; tim đập nhanh, cảm giác khó thở, đau vùng ngực; rối loạn tiêu hóa - đau dạ dày, đi ngoài phân lỏng có khi là táo bón; ngủ kém; tăng huyết áp; căng cứng cơ; dễ mệt mỏi; buồn nôn, run chân tay; cảm giác không muốn gần gũi, tiếp xúc với mọi người.

Bệnh trầm cảm cũng thường gặp với biểu hiện buồn chán, bi quan về tương lai; mệt mỏi, không muốn làm việc; ăn không ngon miệng; gầy sút cân; ngủ kém, có trường hợp ngủ nhiều; không muốn tiếp xúc với mọi người; mất hết mọi đam mê, hứng thú trong công việc; giảm khả năng tình dục; cảm thấy mình có nhiều tội lỗi, có ý tưởng thậm chí hành vi tự sát; đau đầu và đau nhiều nơi trong cơ thể; hay quên, kém tập trung chú ý.

Bệnh của doanh nhân - 1

Doanh nhân thường mắc chứng trầm cảm do áp lực công việc quá nhiều (Ảnh minh họa)

Vậy chúng ta cần làm gì để khắc phục những chứng bệnh do stress gây ra?

Đã bao giờ các bạn tự hỏi ai gây ra stress cho bạn chưa? Với tôi, mỗi ngày khám khoảng 40 bệnh nhân thì hầu hết những câu trả lời là do các yếu tố bên ngoài, nào là mâu thuẫn với thủ trưởng, đồng nghiệp, mâu thuẫn với bạn bè, gia đình, con cái không ngoan… Tất cả nguyên nhân đều từ bên ngoài! Như vậy rõ ràng chúng ta đã để cho tất cả yếu tố bên ngoài tác động đến cơ thể của mình, đến mức không thể kiểm soát được. Tình trạng này sẽ không có lối thoát nếu chúng ta không biết cách tự điều chỉnh bản thân.

Vậy ứng phó với stress như thế nào? Bạn cần phải cố gắng tuân theo những nguyên tắc sau đây mới có thể cảm thấy thoải mái về thể chất và đặc biệt là tinh thần:

- Hãy làm việc hết mình cho ngày hôm nay, vì ngày hôm nay sẽ không bao giờ quay trở lại, hãy tận dụng hết 24 giờ quý giá của một ngày.

- Tìm ra giải pháp cho vấn đề mà bạn đang gặp phải: Xác định vấn đề khó khăn của bạn là gì, hình dung điều tồi tệ nhất có thể xảy ra và tìm cách đối phó với nó.

- Bạn nên có phương pháp thư giãn hợp lý: Chơi môn thể thao mình yêu thích; giao lưu, tâm sự với bạn bè; đi du lịch… Một số phương pháp để xả stress tốt như bạn không nên quá căng thẳng trước lời phê bình của người khác, hãy học cách tha thứ, luôn luôn cười vì cười giúp con người thư giãn và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo Bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh văn phòng