Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch

Ngày 11/05/2016 11:20 AM (GMT+7)

Tại buổi giao lưu trực tuyến vào 14h (11/05/2016), các chuyên gia chia sẻ với chị em nội trợ cách lựa chọn thực phẩm an toàn để chế biến cho gia đình.

Hiện nay, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có tẩm ướp hóa chất, nhiễm độc hoặc tiêm thuốc kích thích sinh trưởng… đang ngày càng được bày bán tràn lan trên thị trường. Những thực phẩm này gây nguy hại đến sức khỏe của con người nếu ăn phải. Người tiêu dùng trở nên hoang mang, lo lắng về chất lượng bữa ăn của gia đình.

Phải làm gì để chọn được những loại thực phẩm sạch, giúp chị em nội trợ bảo vệ sức khỏe của người thân và của chính mình là câu hỏi đang được rất nhiều người đặt ra.

Để giúp Quý độc giả tìm được câu trả lời cho câu hỏi "Ăn gì để sống khỏe?", Tạp chí Điện tử Khám phá phối hợp với trang Thông tin điện tử Eva.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến về "Thực phẩm an toàn" với sự tham gia tư vấn của hai chuyên gia về dinh dưỡng và thực phẩm:

- Bác sĩ dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng.

- Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý nông sản Cục quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 1
Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 2

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 3

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của 2 chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng và thực phẩm. 

Video giới thiệu chương trình giao lưu trực tuyến

Dưới đây là toàn bộ câu trả lời của chuyên gia về những thắc mắc mà độc giả gửi tới:

1. Cách lựa chọn, nhận biết thực phẩm an toàn

Câu hỏiĐộc giả Bèo Dạt Mây Trôi (nghuong@gmail.com): Xin ông cho biết, trong thời kì thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, liệu trứng có phải là thực phẩm an toàn không ạ? Có khả năng người bán hàng làm giả trứng hay bôi hóa chất vào trứng được không ạ? Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trứng cũng là một thực phẩm có nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nếu như điều kiện chăn nuôi, xử lí trứng không đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng thường nhìn thấy quả trứng có vỏ tưởng như một lớp bao bọc, bảo vệ một cách tuyệt đối đối với lòng trứng bên trong. Tuy nhiên, quả trứng có lỗ thông hơi nên nếu điều kiện sinh nở trứng và quá trình xử lí trứng không đảm bảo thì cũng là nguồn lây nhiễm khiến cho trứng không an toàn, chẳng hạn như nhiễm vi sinh, hóa chất,...

Hiện nay, giá trị 1 quả trứng cũng không đắt, để làm giả trứng có khi chi phí lại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, tôi cho rằng trên thực tế, không có hiện tượng làm giả trứng để bày bán lưu thông trên thị trường.

Câu hỏi: Độc giả Nguyễn Minh Thư (***hthu1986@gmail.com): Thưa bác sĩ! Khi đi chợ, tôi rất khó để nhận biết được đâu là các loại rau củ sạch, đâu là rau củ có tiêm chất kích thích sinh trưởng. Vì vậy, tôi muốn hỏi bác sĩ, làm thế nào để phân biệt được rau củ sạch bằng mắt thường? Tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Để có thể phân biệt được rau củ sạch bằng mắt thường, bạn có thể căn cứ vào mấy điểm sau:

- Màu sắc: Rau sạch thường có màu trung thực của nó, không đẹp bằng rau có chất kích thích. Rau kích thích có màu khác lạ, trông bóng bẩy, hấp dẫn.

- Kích thước: Rau có chất kích thích thường to, cọng rau mập hơn và không cân đối với lá. Có loại ít rễ hơn, ví dụ như giá đỗ. 

- Rau có chất kích thích hay bị héo vì có nhiều nước. Trên rau củ không thấy có vết sâu bệnh.

- Khi chế biến, nước rau dùng chất kích thích lúc đầu có thể màu xanh nhưng để một lúc sẽ chuyển sang màu xanh đen, thậm chí có vẩy kết tủa.

Khi ăn, rau có chất kích thích thường không có độ giòn như rau sạch, có mùi vị khác lạ, đôi khi còn thấy vị hơi chát. Sau khi ăn, nhiều khi có cảm giác buồn nôn, tiêu chảy. Đặc biệt không mua rau ở những nơi được tưới bằng các nguồn nước có nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen,... thường gặp ở những nơi có nước xả thải của các khu công nghiệp. Những chất này có thể gây tích lũy trong cơ thể và dễ dẫn đến nguy cơ ung thư.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 4

Bác sĩ dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng.

Câu hỏi: Độc giả Trần Anh Hoài (***h@gmail.com): Thưa bác sĩ Tường Vi, tôi rất thích những món ăn như bún, phở nhưng vì sợ các món ăn này có chứa hàn the. Theo chuyên gia, làm thế nào để phân biệt được bún, phở không có hàn the ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Các thực phẩm mà có hàn the thường làm cho sản phẩm có vị dai, giòn và để lâu được. Tuy nhiên, dùng hàn the không có lợi cho sức khỏe bởi vì trước mắt, chúng ta chưa thấy rõ biểu hiện của ngộ độc nhưng lâu dài nó ảnh hưởng tới các cơ quan chức năng của cơ thể, dẫn đến bệnh tật, thậm chí ảnh hưởng cả về vấn đề sinh sản. Vì vậy, khi mà sử dụng bún hoặc phở, bạn thấy có màu sắc khác thường, tức là bóng bẩy, hoặc khi ăn vào thấy sợi bún, sợi phở dai, giòn hơn bình thường thì có khả năng có hàn the. 

Video các chuyên gia đang trả lời câu hỏi của độc giả

Câu hỏi: Độc giả Trần Tú Anh (***tran@gmail.com): Thưa chuyên gia, trước đây đi mua rau tôi thường chọn mua rau xấu, có biểu hiện sâu ăn lá vì nghĩ rau đó không bị phun thuốc trừ sâu. Nhưng giờ thấy nhiều người đồn là người trồng rau có có biện pháp làm cho rau trông bị táp như sâu ăn để đánh lừa người tiêu dùng là rau ko phun thuốc. vậy có biến pháp nào để phân biệt hay không? nên chọn rau trông tươi ngon hay rau trông xấu xí thì đảm bảo hơn?

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Để chọn rau, nên chọn mua rau từ những cơ sở có thông tin nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, sản phẩm đã được chứng nhận an toàn tại nơi bán rõ ràng. Trên thực tế, những loại rau tươi, sạch, đẹp vẫn an toàn nếu như người sản xuất tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn thực phẩm. 

Câu hỏi: Độc giả Mỹ Duyên (***hoangyenbinh@gmail.com): Thưa bác sĩ! Nhà cháu rất thích ăn cá nhưng nhiều người bán hàng vì muốn giữ cho cá tươi đã ướp ure vào cá. Bác sĩ cho cháu xin hỏi, làm thế nào để phân biệt được cá sạch với cá đã ướp ure? Cháu xin cảm ơn ạ!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Ure là chất cấm dùng trong thực phẩm nhưng thực tế người bán hàng sử dụng chất này để bảo quản làm cho cá có vẻ tươi lâu hơn, đẹp mắt hơn nhưng chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. 

Để nhận biết được cá có bị ướp bằng ure không, bằng mắt thường, chúng ta có thể nhận biết như sau:

Bộ phận của cá Cá sạch Cá ướp ure
Mang cá

- Mang cá còn đọng máu là cá tươi, không nhớt và không có mùi hôi.

- Mắt cá tươi lồi và trong. Giác mạc đàn hồi

- Mang không đỏ nhưng cá nhìn rất tươi. Nhớt có mùi hôi

- Mắt cá ươn thì lõm vào trong, màu đục. Giác mạc nhăn nheo.

Vảy cá - Vảy cá tươi óng ánh, bám chặt với thân cá, không có niêm dịch, không có mùi hôi. - Vảy cá ươn mờ, không óng ánh, dễ tróc khỏi thân cá,  có mùi hôi.
Miệng cá - Ngậm kín - Ngược lại
Thịt cá - Độ đàn hồi tốt, thịt bám chắc vào xương. Mùi tanh đặc trưng của cá - Thịt cá nhẽo, tróc vảy. độ đàn hồi thấp. Ngửi có mùi hôi và khai.
Khi chế biến - Có độ ngọt, thơm tự nhiên - Không có độ ngọt, thịt mềm, nhũn và hôi

Tốt nhất, nên chọn cá ở nơi được bảo quản trong hệ thống cấp đông, tủ lạnh hoặc trong đá bào nhỏ phủ kín. 

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 5

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý nông sản Cục quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản đang trả lời câu hỏi của độc giả. 

Câu hỏi: Độc giả Ngọc Linh (***h1989@gmail.com): Gia đình tôi rất thích ăn thịt bò, vậy nhưng tôi lại không biết cách để phân biệt bò thật hay trâu/ngựa giả bò. Ở chợ nơi tôi sống (Quận 4. HCM) tôi thường mua thịt bò với giá chỉ 21 nghìn đồng/lạng bò thăn, miếng bò khi xào lên mềm tan, ăn rất thích nhưng tôi lại thấy lo vì giá bò thăn ở HCM thường phải vào khoảng 27 nghìn đồng/lạng. Liệu có khi nào tôi ăn phải bò giả hay thịt bò có tiêm chất làm mềm?

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trước tiên, để mua được đúng sản phẩm, người tiêu dùng cần phải xem xét về nguồn gốc xuất xứ, tên sản phẩm trên nhãn, nhà cung cấp, nơi bán có địa chỉ rõ ràng và tin cậy. Trên thực tế, đối với thịt đã qua chế biến thì người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là thịt bò, trâu hay ngựa. Điều quan trọng là phải dựa vào thông tin của nhà cung cấp. Đối với sản phẩm tươi, ướp lạnh thì cũng có thể phân biệt qua cảm quan về màu sắc, thịt bò thường có màu đỏ hồng, thớ thịt mềm, độ săn chắc, đàn hồi,...

Câu hỏi: Độc giả Trà Phương Loan (***loan@gmail.com): Thưa chuyên gia Nguyễn Văn Thuận, chuối là loại quả vô cùng ngon và bổ dưỡng. Nhưng hiện tại, tôi rất lo sợ chuối có tẩm hóa chất bảo quản hoặc tiêm thuốc làm chuối chín ép. Vậy làm thế nào để phân biệt được chuối bị tẩm hóa chất và chuối sạch, rất mong chuyên gia trả lời giúp tôi vấn đề này, tôi xin chân thành cảm ơn!

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều nơi bán chuối chín tự nhiên, có thể chọn được chuối sạch thông qua đánh giá cảm quan bên ngoài về màu sắc chuối chín (vàng rơm), quả chín đều, cuống chuối không nẫu.

Trên thực tế, cũng có những nơi sử dụng hóa chất để chuối chín nhanh. Tuy nhiên, nếu dùng hóa chất trong danh mục được phép sử dụng và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất thì sản phẩm vẫn an toàn. Tốt nhất nên mua chuối ở những nơi có uy tín. Có một kinh nghiệm của người đi chợ là họ chọn mua chuối xanh già, sau đó để giấm tự nhiên ở nhà để sử dụng thì sẽ tránh được nguy cơ chuối chín ép hóa chất.

Câu hỏi: Độc giả Linh An (***m.ng.nguyen92@gmail.com): Thưa bác, vụ cá chết hàng loạt gần đây khiến gia đình tôi rất hoang mang vì mọi người trong nhà đều thích ăn hải sản. Nếu tôi mua những hải sản tươi sống, còn đang bơi thì có khả năng ăn phải hải sản bị nhiễm độc hay không?

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trong thời gian qua, hiện tượng cá biển chết hàng loạt chỉ xảy ra ở vùng biển của một số tỉnh miền Trung, một số cá nuôi ở sông Bưởi, Thanh Hóa. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo và tổ chức hoạt động kiểm soát để đảm bảo cá chết không được lưu thông trên thị trường, đồng thời, thông báo, công bố, giới thiệu những địa chỉ bán thủy hải sản an toàn.

Do đó, người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang trong việc lựa chọn thủy hải sản cho bữa ăn của mình. Nếu bạn mua hải sản tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, địa chỉ tin cậy thì bạn có thể yên tâm sử dụng.

Câu hỏi: Độc giả An Nhiên (***hien.mth@gmail.com): Thưa chuyên gia, chồng cháu rất thích ăn măng tươi, nhưng mới đây cháu đọc được thông tin hiện nay trên thị trường, việc măng tươi chứa chất vàng ô ngày càng nhiều. Vậy cháu muốn hỏi là có đặc điểm nhận dạng nào để biết măng tươi có chứa chất vàng ô không ạ?

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trong thời gian qua, cơ quan chức năng trong ngành Nông nghiệp có phát hiện một số trường hợp có sử dụng chất vàng ô (chất để sử dụng trong công nghiệp) để tạo màu cho măng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp vẫn đang tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và xử lí các quy định vi phạm. 

Để phân biệt được măng tươi tự nhiên, có thể thông qua đánh giá cảm quan về măng không sử dụng chất vàng ô như măng có màu sáng vàng, cắt miếng măng màu bên trong và bên ngoài tương đồng nhau, nước ngâm măng không thôi ra màu vàng đục,...

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 6

Câu hỏi: Độc giả Lâm Văn Thùy (***lam@gmail.com): Sợ thực phẩm không rõ nguồn gốc không đảm bảo an toàn nên thỉnh thoảng tôi cũng mua đồ ở các quầy bán thực phẩm sạch. Tuy nhiên, cũng có đôi lần tôi mua "rau sạch" mà luộc lên nước xanh ngắt rất lạ, rau nhạt, nước hơi đắng. Có phải đó là biểu hiện của rau nhiễm hóa chất độc hại được bán trà trộn vào không thưa chuyên gia? 

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trên thực tế có những loại rau khi luộc có màu nhưng đó vẫn phải là màu tự nhiên của rau. Trường hợp phát hiện có màu lạ, không phải là màu tự nhiên của rau thì tốt nhất không nên sử dụng. 

2. Cách chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn

Câu hỏi: Độc giả Phương Hoa (trennui1105@gmail.com): Cháu chào bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, rau mua ở ngoài chợ về mình rửa như thế nào cho sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ạ? Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Nếu muốn chọn được rau mua ngoài chợ mà đảm bảo VSATTP thì phải tìm được nguồn rau đảm bảo độ tin cậy. Khi mua rau về phải nhặt rau, loại bỏ các phần dập nát và các phần bỏ đi và chỉ để lại các phần sử dụng được.

Chúng ta có thể ngâm rau trong nước vo gạo khoảng nửa tiếng, và ngâm trong các chậu nước đầy để hòa tan hết các hóa chất còn tồn dư. Rửa ít nhất 4-5 lần. Chúng ta cứ xối liên tục dưới vòi nước chảy. Sau đó chúng ta để ráo và chế biến thì có thể yên tâm được phần nào.

Câu hỏi: Độc giả Trương Đức Chính (datmaytroi@gmail.com): Thưa bác sĩ, mặc dù biết nội tạng động vật là nơi chứa nhiều chất độc nhưng gia đình tôi đặc biệt thích ăn những món nội tạng, chẳng hạn như lòng, gan, tim,... Theo chuyên gia thì liều lượng ăn bao nhiêu là an toàn để không gây hại cho sức khỏe và có cách chế biến nào để loại bỏ độc tố trong những món này không ạ?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Thường nội tạng như tim, gan, óc, lòng lợn,.. là những món ăn khoái khẩu nhiều người rất thích. Tuy nhiên, hàm lượng Cholesterol ở trong phủ tạng thường cao. Vì vậy những người thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, tim mạch, đái tháo đường,... thì không nên sử dụng những món này. Gan, đặc biệt là gan gà, có hàm lượng sắt cao có thể sử dụng cho những người bị thiếu máu, thiếu sắt. Tuy nhiên khi sử dụng, chúng ta nên chọn những gan lành - không có những lạ ở trên gan. Chúng ta có thể chần qua gan rồi sau đó chế biến thành món ăn.

Còn đối với những người bình thường, khi ăn cần chế biến sạch sẽ, nấu chín. Tuy nhiên cũng không nên ăn nhiều.

Câu hỏi: Phan Minh Tâm (phanminh@yahoo.com.vn): Nếu không có điều kiện mua rau sạch, thịt sạch tại các cơ sở uy tín, thì tôi nên xử lý như thế nào với rau thịt thông thường mua ngoài chợ để giảm thiểu nguy cơ thực phẩm bẩn?

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Nếu không có điều kiện mua rau sạch và thịt sạch, trước tiên bạn có thể chọn mua ở những hàng quen để dù sao mình cũng tìm hiểu để biết được một phần nguồn gốc xuất xứ.

Khi mua về, đối với rau, chúng ta cần loại bỏ các phần không ăn được, phần dập úa, xơ già. Sau đó, nếu không yên tâm chúng ta có thể ngâm rau trong nước sạch hoặc nước vo gạo khoảng nửa tiếng. Tiếp đó, chúng ta tiến hành rửa rau dưới vòi nước chảy 4-5 lần.

Về thịt, bạn nên chọn thịt có màu hồng tươi, có lớp mỡ ít nhất từ 1 - 1.5cm. Giữa khối mỡ và khối nạc liền nhau. Khi ấn ngón tay lên thịt rồi bỏ ngón tay ra, thịt trở về vị trí như cũ, tức là độ đàn hồi tốt. Thịt không có màu khác lạ, không bị nhớt ở màng ngoài, không bị chảy dịch ở thịt da, không có các hạt lạ trên thịt. Khi thái thịt, miếng thịt sẽ dựng thẳng đứng được, không bị đổ về một bên. Khi nấu, chúng ta thấy mùi thơm ngon đặc trưng, không ra nhiều nước. Khi đó có thể yên tâm là thịt sạch.

Câu hỏi: Độc giả Phong Thùy (y@gmail.com): Bé nhà cháu được 13 tháng tuổi rồi nên ăn loại dầu nào ạ ? Và có ăn mỡ động vật được không?

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Bé 13 tháng tuổi, trung bình 1 ngày cần uống 500ml sữa bao gồm bú mẹ, sữa công thức, sữa chua, pho-mai. Cộng với 3 bữa cháo trong ngày.

Khi nấu ăn cho bé, bạn cần đa dạng thực phẩm như thịt, cá, trứng, tôm, cua,... Trong bát cháo còn có rau xanh, mỗi một bữa khoảng 2 thìa cà phê, cộng với 2 thìa cà phê dầu và mỡ. Bạn cần cho bé ăn cả mỡ và dầu vì trẻ nhỏ rất cần mỡ - vừa cung cấp năng lượng, vừa tham gia cấu tạo màng tế bào thần kinh,... và tỉ lệ mỡ nhiều hơn dầu. Nếu bé càng lớn thì tỉ lệ mỡ và dầu ngang nhau. Vì vậy, bạn cứ yên tâm cho bé ăn cả mỡ và dầu.

Các chuyên gia tiếp tục trả lời rất nhiều các vấn đề độc giả quan tâm

Câu hỏi: Độc giả Mai (***nguyen@gmail.com): Thưa ông, gần đây máy đo nitrat thực phẩm được rất nhiều người tìm mua. Giá cả của nó không phải là rẻ, vì thế tôi rất phân vân khi quyết định bỏ ra số tiền lớn mà vẫn còn băn khoăn về hiệu quả như những tác dụng quảng cáo. Xin ông có thể cho thêm lời tư vấn.

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Thiết bị đo nitrat trong thực phẩm là một thiết bị kiểm tra nhanh, nó chỉ có ý nghĩa trong công tác kiểm tra, thanh tra và là kết quả xét nghiệm ban đầu mang ý nghĩa sàng lọc định nghĩa cho thử nghiệm tiếp theo trong phòng thí nghiệm, không sử dụng kết quả này để làm cơ sở xử lí vi phạm. Tuy nhiên, dùng thiết bị này cũng giúp người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn thực phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm rau quả.

Tuy nhiên, hiện nay quy định về mức nitrat trong rau củ quả ở Việt Nam chưa có quy định. Một số nước như EU thì có quy định. Do đó, nếu như người dân có điều kiện thì có thể mua để giúp trong việc lựa chọn sản phẩm vì nitrat cũng là một chỉ tiêu về an toàn thực phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng nên mua sản phẩm rau từ những nơi có điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, họ đã có kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong việc sử dụng phân bón để đảm bảo rau quả không có tồn dư nitrat.

Câu hỏi: Độc giả Trương Thị Hoàn (***oan@gmail.com): Thưa Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, tôi đọc thấy có thông tin những loại quả như dứa, dưa hấu là mang tính nóng. Mà chúng chủ yếu có vào mùa hè vậy tôi phải ăn chúng ở mức độ như thế nào cho đảm bảo khoa học?

Tôi xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Về thành phần dinh dưỡng, chúng tôi thường quan tâm đến loại quả có hàm lượng đường cao hay thấp, còn trung bình một ngày người bình thường có thể sử dụng từ 200 - 300g một ngày.

Dứa và dưa hấu là hoa quả có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Cho nên bạn có thể yên tâm dùng với mức độ hợp lý vào mùa hè. Còn quan niệm cho dứa và dưa hấu là mang tính nóng thì cũng chưa đúng bởi vì những người ăn vào mà nổi mụn thì thường do cơ địa, hoặc những người ăn quá nhiều hoặc có nguy cơ rối loạn đường huyết thì khi sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Mà đường huyết cao là cơ hội để vi khuẩn dễ phát triển, sinh ra nhiều mụn nhọt. Vì vậy, bạn có thể yên tâm dùng hợp lý thì không có vấn đề gì.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 7

Câu hỏi: Độc giả Lan Hoa (***hoa098@gmial.com): Cháu rất thích trồng rau sạch trong thùng xốp. Tuy nhiên, gần đây, thông tin về đất nhiễm độc khiến cháu rất hoang mang. Nhiều người trồng rau cho biết kể cả với đất không sạch thì khi trồng cây quả, thử bằng máy đo nitrat cũng cho kết quả không tốt. Xin bác sĩ cho cháu biết thông tin về việc sử dụng đất sạch với cây trồng ạ.

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trong sản xuất rau an toàn, vấn đề đất canh tác và giá thể cũng là một chỉ tiêu đánh giá an toàn thực phẩm hết sức quan trọng. Vấn đề này cũng đã được quy định trong QCVN 01-132: 2013/BNNPTNT.

Trong đó, quy định về hàm lượng các kim loại nặng trong đất, giá thể không được vượt quá theo quy định trong phụ lục 1 của Quy chuẩn QCVN 01-132: 2013/BNNPTNT. Theo đó, nếu như dùng đất không đáp ứng yêu cầu quy định như đã nêu ở trên thì rau cũng không đảm bảo an toàn.

Nguy cơ có tồn dư nitrat trên rau quả chủ yếu là do quá trình sử dụng phân bón không đúng quy định, do đó, nếu như trong quá trình trồng trọt không sử dụng phân bón hoặc có sử dụng phân bón nhưng đúng quy định thì vấn đề tồn dư nitrat không đáng lo ngại.

Câu hỏi: Độc giả Bùi Thu (***bh32@gmail.com): Không yên tâm với các loại thực phẩm mua ngoài chợ nên tôi thường ngâm rau củ quả với nước muối trước khi chế biến cho yên tâm. Nhưng trên thực tế, việc này có thực sự giúp giảm bớt được các chất bẩn và độc (nếu có) không thưa chuyên gia? Và nồng độ muối như thế nào là hợp lý?

Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận: Trước khi chế biến, bạn nên rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy nhiều lần, ngâm trong nước muối cũng rất tốt. Điều này đúng là sẽ giúp cho việc loại trừ, giảm thiểu các chất bẩn, tồn dư thuốc trên bề mặt (nếu có).  Về nồng độ muối pha trong nước ngâm rau củ cũng không nên quá đậm đặc.

Câu hỏi: Độc giả Nguyễn Linh (***nh1685@gmail.com): Thưa bác sĩ Doãn Thị Tường Vi . Cháu rất gầy và ăn uống kém, đói nhưng cũng khôngmuốn ăn , và có thể là không hấp thụ được. Vậy bác sĩ có biện pháp nào để cải thiện vấn đề cân nặng giúp cháu được không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Một cơ thể gầy trông về hình thức sẽ kém hấp dẫn, da dẻ không mịn màng, tóc hay gãy rụng, hay mệt mỏi, không được tươi tắn như người bình thường. Hậu quả sức khỏe của gầy dễ ảnh hưởng đến tim mạch, khó khăn về vấn đề sinh sản, dễ có nguy cơ loãng xương, hệ miễn dịch bị suy giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh,...

Trước tiên, bạn cần tìm nguyên nhân dẫn đến gầy thì mới khắc phục được. Gầy có thể do thể tạng, có thể do ăn uống không đủ chất, lượng ăn vào ít hơn năng lượng tiêu hao do làm việc vất vả, mất ngủ, stress, các bệnh lý về đường ruột (ăn không hấp thu được). Nếu do bệnh thì đầu tiên phải chữa khỏi, khi đã loại bỏ hết yếu tố bệnh tật, bạn có thể cải thiện chế độ ăn uống để tăng cân.

Về dinh dưỡng, cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu phụ,...), chất đường (cơm, mì, khoai, đồ ngọt,...), chất béo (dầu, mỡ, bơ,...), vitamin và muối khoáng có nhiều trong rau xanh và hoa quả tươi. nên thay đổi món ăn trong ngày, tăng cường chất béo của khẩu phần như thịt cá béo hoặc thịt cá nhiều mỡ. Tôm ăn loại tép nhỏ, có cả vỏ. đậu phụ 2 lần/tuần. bổ sung rau xanh và hoa quả tươi cung cấp vitamin và chất xơ.

- Chế biến tăng các món xào rán.

- 3 bữa chính, cộng 1-2 bữa phụ vào giữa sáng, chiều hoặc tối trước khi đi ngủ. 

- Không nên ăn vặt trước bữa ăn.

- Tập thể dục nhẹ nhàng

- Ngủ 8 tiếng/ngày, cố gắng giảm stress.

- Bạn có thể bổ sung thêm men tiêu hóa, men vi sinh, vitamin nhóm B,...hỗ trợ ăn ngon và hấp thu tốt.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết rau, củ, quả sạch - 8

Độc giả: Câu hỏi Mỹ Lệ (***e@gmail.com): Tôi hiện nay gần như ăn chay, vậy thực phẩm chính vẫn là đậu nành. Tuy nhiên, tôi nghe nói đậu nành ăn nhiều sẽ bị bướu, xin bác sĩ giải đáp giùm.

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi: Bạn không nói rõ ở đây là bướu gì. Tuy nhiên chúng ta biết rằng, hiện nay nhiều người tham gia trào lưu ăn chay để tốt cho sức khỏe. Có nhiều trường phái ăn chay. Có người ăn chay hoàn toàn (chỉ ăn thức ăn nguồn gốc thực vật), có người ăn chay nhưng vẫn có sữa hoặc trứng. Khẩu phần ăn chay cần phải đa dạng thực phẩm. Các chất đạm trong khẩu phần chay thường dựa vào đậu nành (đậu tương), đậu đỗ, nấm, chất béo thì có lạc, vừng,... và có thêm rau xanh và hoa quả tươi để bổ sung vitamin, chất khoáng và chất xơ.

Những người ăn chay hợp lý thì sẽ có sức khỏe tốt. Nhưng nếu ăn không hợp lý sẽ xảy ra 2 nguy cơ:

- Thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng, đặc biệt rất dễ bị thiếu máu, thiếu sắt, axit folic,... Những chất này thường có nhiều trong thực phẩm động vật. Vì vậy, có thể bổ sung thêm những vi chất này bằng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung thì khẩu phần ăn sẽ đầy đủ hơn.

- Dễ bị nguy cơ thừa cân, béo phì vì hàm lượng chất đạm thấp, người ăn chay phải tăng khẩu phần tinh bột và chất béo (như ăn nhiều dầu thực vật) trong chế biến.

Đậu nành là thực phẩm có các thành phần dinh dưỡng tốt cho người ăn chay. Đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học chính thống nào thông báo ăn đậu nành sẽ bị ung bướu. Vì vậy, bạn có thể yên tâm áp dụng chế độ ăn chay hợp lý thì sức khỏe vẫn được đảm bảo.

Cảm ơn các bạn độc giả đã tham gia chương trình tư vấn trực tuyến. Do thời gian có hạn nên độc giả có những thắc mắc có thể tiếp tục gửi câu hỏi về doisong@khampha.vn.

BTC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm