Cây tỏi nổi giận

Ngày 02/11/2015 14:59 PM (GMT+7)

Tỏi Lý Sơn nức tiếng cả nước nhưng vẫn bị thương lái ép giá, trừ bì. Không cam chịu điều đó, người nông dân tên Phạm Thắm quyết định phá lệ, vượt rào.

Tuần qua, bên khu Vĩnh Phúc, ngay giữa Hà Nội, có anh nông dân Quảng Ngãi bày bán hành tỏi Lý Sơn với khẩu hiệu: "Ủng hộ mua hành tỏi cho nông dân đảo Lý Sơn. Hành 45.000/kg, tỏi 75.000/kg". Là anh nói thế, anh căng băng-rôn quảng cáo như thế.

Giá rất hợp lý, chỉ đắt hơn 5.000đ/cân nếu so với mua tại chợ tận trong Quảng Ngãi. Và rẻ bằng nửa giá hành tỏi Lý Sơn bán trong siêu thị.

Hành tỏi Lý Sơn vốn nức tiếng cả nước rồi. Dân Hà Nội thì đã quen mua ủng hộ, sau cái đợt dưa hấu và hành tím hồi đầu năm, bèn rủ nhau mua cho anh hành tỏi Lý Sơn hết veo veo.

Đúng lúc ấy, một vài tờ báo đặt ra nghi vấn: Tỏi Lý Sơn luôn bán rất chạy, giá cao, hiện nông dân còn trữ đến ngót tám trăm tấn trên đảo chờ được giá mới bán, tại sao lại đến mức phải ra vỉa hè Hà Nội?

Dân Hà Nội, vì đã bị lừa nhiều lần, nay thấy người ta nghi vấn thì cũng lại đi nghi vấn.

Muốn tự mình kiểm chứng, tôi bèn đến tận nơi tìm hiểu. Anh nông dân tên quê rặt: Thắm, Phạm Thắm.

Cây tỏi nổi giận - 1

Hành tỏi Lý Sơn vốn thơm ngon nức tiếng cả nước, thế nhưng lại phải chịu lệ trừ bì ép giá của thương lái. Anh nông dân Phạm Thắm đã là người quyết tâm kháng lại cái lệ ấy. Nguồn ảnh: Dân Việt

Hỏi anh vì sao mang tận ra đây bán? Chả nhẽ đến hành tỏi Lý Sơn mà cũng ế như hành tím Sóc Trăng với dưa hấu Quảng Ngãi ư? Thắm bảo vì thương lái ép quá. Họ đặt ra cái luật "trừ bì", cứ 1 tạ hành họ trừ bì 12 cân, 1 tạ tỏi trừ bì 5 cân. Trừ thế thì còn gì là lời lãi? Chưa kể là tỏi loại 1 loại 2 cũng do thương lái quyết, mua bao nhiêu, bao giờ trả tiền cũng lại do họ quyết. Những lệ ấy chẳng biết có từ bao giờ, và dường như chỉ áp trên cây hành cây tỏi ở Lý Sơn mà thôi, bao năm qua, nông dân Lý Sơn cắn răng chấp nhận. Năm nay Thắm quyết kháng lại cái lệ ấy, tự đưa hành tỏi ra Hà Nội bán.

Đây không phải là câu chuyện tìm cách bán tống bán tháo vì dư thừa như dưa hấu hay hành tím. Đây là câu chuyện phá thế bao tiêu độc quyền đã từ lâu trở thành độc đoán. Vì thế, dù trên đảo Lý Sơn đang trữ đến 800 tấn hành tỏi, thì 8 tấn hành tỏi mà Phạm Thắm đưa ra bán tận Hà Nội vẫn mang một ý nghĩa khác, hết sức giá trị. Đó là tấm "cardvisit" của nông dân trồng hành tỏi Lý Sơn. Đó là cánh tay giơ lên của một người nông dân, đại diện cho hàng chục triệu cánh tay khác đang bấm sâu vào cán cuốc, đang gạt mồ hôi, hoặc đang ngập dưới bùn.

Tôi tin Thắm, đấy là một người nông dân dám đứng lên chống lại hệ thống, tìm cách thay đổi hệ thống. Nếu câu chuyện của anh là sự thật, thì hãy hình dung, một người nông dân từ ngoài đảo, đưa 5 tấn hành tỏi xuống tàu, vào bờ, rồi lại thuê xe chở ra tận Hà Nội, kiếm một khoảng sân tập thể, bày ra đấy bán với giá sát gốc. Chỉ bởi vì, anh ta muốn phá cái lệ o ép trừ bì của thương lái, chỉ bởi vì anh ta tin rằng nông sản có chất lượng thì sẽ có chỗ đứng, nhất định phải có nhiều hơn một kênh tiêu thụ. Có thể, rất rất lâu rồi, Lý Sơn anh dũng khi đứng trước biển, mới sinh ra được 1 người nông dân anh dũng đối mặt với thị trường. Chỉ có điều, Phạm Thắm đơn độc. Có thể dũng cảm, nhưng đơn độc.

Mạc Ngôn, nhà văn lớn với nhiều tác phẩm về nông dân và nông thôn Trung Quốc, có viết một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mang tên "Cây tỏi nổi giận". Tiểu thuyết viết về cuộc đấu tranh của nông dân trồng tỏi tại huyện Thiên Đường, chống lại sự bất công về cung cách bao tiêu, về sự vô cảm và vô năng của những cán bộ quản lý như là ông huyện trưởng Trọng Vì Dân. Cuộc đấu tranh buồn bã đến cay mắt, cuộc đấu tranh của những cây tỏi hiền lành nhưng biết giận dữ.

Đó là một cuốn tiểu thuyết viết từ năm 1987, ở Trung Quốc. Và Phạm Thắm đến từ đảo Lý Sơn thì chưa đọc cuốn sách ấy.

Phạm Gia Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện