Ngẫm chuyện cứu rét cho bà con miền cao

Ngày 26/01/2016 12:54 PM (GMT+7)

Chúng ta không đủ “bao ấm”, “bao no” cho tất cả đồng bào của mình, nhưng nghĩa cử tương thân ấy không làm bạn hèn đi, nếu có nó chỉ làm bạn ấm lòng mình hơn từ cái ấm của những đứa trẻ non cao ấy.

Mấy ngày qua, khi tuyết rơi trắng xóa chốn non cao, khi dòng người từ miền xuôi đổ lên càng nhiều để được đắm mình trong không gian lạ lẫm mưa tuyết ấy thì càng lộ ra nhiều thêm những đứa trẻ co ro trong giá lạnh.

Ở đâu đó, vẫn có một luồng thông tin mong manh nhiều 'like' lắm chia sẻ rằng: Trong khi người miền xuôi mong tuyết thì bà con miền núi đang phải đối mặt với tổn thất về kinh tế, hoa màu thiệt hại, trâu bò chết rét.

Có một quy luật không nhân quả chỉ ra, nếu mong ước của những người miền xuôi được đắm mình trong không gian của tuyết ấy tạo ra tuyết thật, chắc rất nhiều cư dân trên nhân loại đều ngày đêm khẩn cầu cho hòa bình vĩnh viễn, cho đói khổ biết mất, cái tốt lan tràn…

Lẽ dĩ nhiên, người lên với tuyết không tạo ra sự thất bát của mùa vụ, họ chỉ đơn thuần hưởng thụ một sự trải nghiệm mà thiên tai khắc nghiệt tạo ra.

Ngẫm chuyện cứu rét cho bà con miền cao - 1

Lẽ dĩ nhiên, người lên với tuyết không tạo ra sự thất bát của mùa vụ, họ chỉ đơn thuần hưởng thụ một sự trải nghiệm mà thiên tai khắc nghiệt tạo ra. (Ảnh minh họa)

Cũng trong những ngày qua, khi hình ảnh các em nhỏ mà rộng hơn là bà con miền cao đang co ro trong giá rét thì nhiều tấm lòng tương trợ đã đổ lên miền non núi ấy. Từ manh áo ấm cho đến những chiếc chăn bông, từ thực phẩm đến những tấm lòng. Người ta gọi đó là sự đùm bọc của lá lành hoặc ít rách hơn với lá rách, nhưng cũng có người gọi đó là sự a dua của những kẻ nhân danh từ thiện.

Phía quan điểm coi hành động a dua từ thiện đưa ra luận điểm, hành động hô hào nhau cứu trợ đồng bào cũng như cách người ta làm hư chính đồng bào của mình vốn chỉ quen ung dung hưởng thụ. Cũng có quan điểm bổ sung rằng, bà con ở lâu với cái rét, cái đói nên quen rồi.

Tôi đã từng đặt chân đến nhiều miền non cao, đã từng gặp nhiều bà con chân chất như núi non cỏ lá ở những nơi đây, gặp cả những người tương đối lọc lõi, chúng tôi nói vui với nhau rằng: Khi người Kinh lên với đồng bào dân tộc thiểu số, thì người Kinh chính là dân tộc thiểu số ở đó. Thế nên mới có chuyện một người già dân tộc ngày nào cũng cắp một giỏ trứng có nhỏn 7 quả gạ những khách miền xuôi mua, với lời mời: “Gà nhà tao đẻ có 7 trứng thôi, tao bán hết rồi tao về”. Người Kinh, những người thiểu số ấy hăm hở mua vì tin đó là trứng gà nhà đẻ thật, cũng tin bà chỉ còn 7 trứng nữa thôi. Thế nhưng chỉ lúc sau lại thấy bà tiếp tục có thêm 7 quả trứng nữa để mời người khác với những câu nói tương tự.

Người miền núi có phải là những cộng đồng lười nhác không? Tin chắc rằng trong cộng đồng đó sẽ có những người như thế. Có những nếp nhà, có cả những đại đa số cư dân của một làng bản quanh năm chìm đắm trong hơi men. Họ sẵn sàng mua rượu thay vì mua áo cho con, để mặc sự ấm của đứa con mình cho những người cứu trợ ở miền xuôi. Tuy nhiên, những cá nhân chưa được coi là phổ biến như thế không phải là mẫu số chung cho tất cả những cư dân đói rét còn lại.

Hơn nữa, hãy nhớ trong thống thiết những lời kêu gọi “đưa ấm” lên miền cao ấy đều hướng về những đứa trẻ với trang phục mong manh. Những đứa trẻ đó phần lớn đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học (dù rằng nhiều đứa trẻ ở nơi đây làm nhiều hơn học). Bố mẹ các cháu nếu có lười nhác lao động thì các cháu cũng chỉ là những thành viên bất đắc dĩ không được chọn cửa để sinh ra.

Chúng ta không đủ “bao ấm”, “bao no” cho tất cả đồng bào của mình, nhưng nghĩa cử tương thân ấy không làm bạn hèn đi, nếu có nó chỉ làm bạn ấm lòng mình hơn từ cái ấm của những đứa trẻ non cao ấy. Hôm qua, tôi gọi cho hiệu trưởng một trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở Lào Cai, anh cho hay thầy cô đang phải đi kêu gọi các trường bên cạnh hỗ trợ áo quần cho các cháu, lý do là khi đến trường cháu nào cũng ướt hết đồ cần phải thay, lý do nữa là đợt lạnh này bất ngờ quá, lạnh quá các cháu chưa được chuẩn bị. Người thầy đó, thưa các bạn đã bám núi bám trường hơn chục năm nay, thầy giáo đó biết học sinh mình cần gì và họ phải cho gì.

Cầm Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện