Xin đừng chặt cây xanh nữa...

Ngày 20/03/2015 09:13 AM (GMT+7)

Nhân văn có cần nhìn ở đâu xa, chỉ cần nhìn vào hành động chặt đốn cây cổ thụ hàng loạt là đã biết nhân văn hay không.

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon quyết định mở màn Chiến dịch Linebacker II, ném bom Thủ đô Hà Nội và một vài tỉnh thành lân cận. Cuộc ném bom khủng khiếp với mục tiêu “Đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, chúng ta quen gọi là “Điện Biên phủ trên không” với 12 ngày đêm trời rung đất chuyển.

Thế nhưng, trong thời điểm mà hàng chục nghìn tấn bom dội xuống Thủ đô, những tán cây cổ thụ vẫn quật cường như lòng người Thủ đô bất khuất, để cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn thản nhiên viết, “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè”.

Ấy nhưng hàng nghìn cây, chính xác là 6.700 mầm xanh kiên trung thuở nào có nguy cơ bị đốn hạ, chặt bỏ. 

Năm nào tôi cũng ra Hà Nội nhiều lần, một Hà Nội trong tôi không chỉ có khói bụi, giao thông hỗn độn, bát phở gà rất ngon hay những cô gái tiếng nồng như rơm đượm lửa. Hà Nội, là còn có những tán cây cao, xanh mướt mắt. Loanh quoanh mấy ngõ ở Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Kim Mã… với những cây sấu, cây muỗng, cây dâu da... Những hàng cây có nói gì đâu, những hàng cây có thì thầm gì đâu, những hàng cây có hẹn gì đâu mà cứ về Sài Gòn là nhớ.

Nhớ như nhớ một thân thương, nhớ không cần đến một mái tóc bay, một ánh nhìn lưu luyến, một bàn tay nắm hay một tà áo mỏng như chiêm bao.

Xin đừng chặt cây xanh nữa... - 1

Những hàng cây không bị đổ gục trong đạn bom của kẻ thù, những hàng cây sát cánh cùng người dân Thủ đô kiên cường bám trụ từng ngõ phố, từng con đường… nay đang có nguy cơ bị loại ra ngoài lề của cuộc sống. (ảnh minh họa)

Tôi nghĩ, nhìn cây thấy sự thân thiện là đặc tính của con người. Nhưng dưới con mắt của lâm tặc, nhìn cây chỉ thấy gỗ. Và dưới con mắt của những nhà quản lý với tư duy ngắn hạn thì “nhìn cây chỉ thấy đến giải ngân ngân sách”.

Trên facebook của tôi, chật kín những tấm ảnh mà bạn bè tôi đã 'post' lên, những tấm ảnh ghi lại cảnh các cây cổ thụ bị đốn bỏ, những vỉa hè ngổn ngang gạch đá vì cây phải đào tận gốc, trốc tận rễ.

Hỏi tôi có buồn không? Tất nhiên, tôi buồn. Không phải chỉ buồn vì những hàng cây đã mất, những hàng cây mà tôi tin rằng vài chục năm sau chúng ta vẫn không thể tái hiện lại. Điều tôi buồn nhất, chính là sự vô cảm của một số người đưa ra quyết định chặt cây ở Hà Nội.

6.700 cây cổ thụ, ít hay nhiều?. Với người có hiểu biết thông thường sẽ hiểu 6.700 cây cổ thụ bị đốn hạ là nhiều như thế nào. Đáng tiếc, với người nhìn đâu cũng thấy cơ hội thì 6.700 cây cổ thụ chắc vẫn chưa đáng là bao. 

Những hàng cây không bị đổ gục trong đạn bom của kẻ thù, những hàng cây sát cánh cùng người dân Thủ đô kiên cường bám trụ từng ngõ phố, từng con đường… nay đang có nguy cơ bị loại ra ngoài lề của cuộc sống.

Nhà thơ Vũ Quần Phương từng viết, “Đứng một ngày đất quen thành lạ”.

Ôi, những hàng cây đáng thương ấy đã đứng trên mảnh đất Kẻ Chợ hàng chục năm rồi, hàng trăm năm rồi, đã chứng kiến bao dâu bể rồi… Tại làm sao có thể khiến những hàng cây không được nhận mặt đất quen (!).

Làm sao có thể đối xử với những chứng nhân lặng thầm của Thủ Đô theo cách không thể tàn nhẫn hơn. Tôi đọc điển tích xưa, vẫn tin mỗi cây cổ thụ đều có một linh hồn. Gọi là, tình cây do cảm sương sớm nắng chiều mà thành.

Nhân văn có cần nhìn ở đâu xa, chỉ cần nhìn vào hành động chặt đốn cây cổ thụ hàng loạt là đã biết nhân văn hay không.

Nghìn năm bia miệng vẫn còn, không phải ngẫu nhiên mà tiền nhân đúc kết như vậy.            

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG