Kinh nghiệm IVF thành công của mẹ hiếm muộn 8 năm

Ngày 26/05/2016 11:17 AM (GMT+7)

Sau 8 năm kết hôn, đây là lần thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của chị T và may mắn chị đã đậu thai ngay.

Ngay sau khi kết hôn, vợ chồng chị T (sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã quyết định có con ngay. Tuy nhiên 6 tháng sau đó, khi chưa thấy con yêu về, anh chị đã quyết định đi khám hiếm muộn và kết quả là chồng chị bị tinh trùng yếu. Khi đó bác sĩ cho biết chị chỉ có thể thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng khả năng thành công chỉ là 35%. Thời điểm đó, chị 24 tuổi và kinh tế gia đình cũng chưa vững nên chưa có điều kiện để làm IVF luôn.

“Khi bác sĩ thông báo kết quả, mình đã khóc rất nhiều. Từ đó vợ chồng mình về nhà uống đủ các loại thuốc, không biết tốn bao nhiêu tiền của nhưng kết quả vẫn là con số 0. Mình mong muốn có bầu đến nỗi cứ chậm kinh nguyệt vài ngày là mình lại thử que rồi lại khóc xót xa cho bản thân mình.”, chị T tâm sự.

Đến năm 2015, sau 7 năm chữa trị hiếm muộn không thành, anh chị T quyết định đến năm 2016 sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm. Ngày 11/3/2016, chị quyết định đến một phòng khám ở thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục IVF. Vì thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn nên 11 ngày sau đó, chị T được chọc trứng và 3 ngày sau chị quyết định chuyển phôi tươi luôn.

“Mình chọc được 10 trứng và cho ra 5 phôi, trong đó 2 phôi loại 1, 2 phôi loại 2 và 1 phôi loại 3. Bác sĩ đã tư vấn mình chuyển 2 phôi loại 1 còn lại 3 phôi mình trữ đông lạnh với giá 7 triệu/năm.”, chị T kể lại.

Kinh nghiệm IVF thành công của mẹ hiếm muộn 8 năm - 1

Phiếu kết quả xét nghiệm sau khi chuyển phôi thành công của chị T.

Chia sẻ về thời gian sau khi chuyển phôi, chị T cho biết: “Sau khi chuyển phôi về 2 ngày đầu mình đi lại bình thường, ngày thứ 3 mình nằm nghỉ nhiều, chỉ dậy ăn uống và đi tiểu. Do mình chuyển phôi tươi nên bác sĩ khuyên uống nhiều nước để tránh quá kích nặng, ngày mình uống 5 lít nước. Ngày thứ 3 sau chuyển phôi mình đã được tiêm một mũi thuốc là IVF, và từ đó bụng mình cứ căng tròn cho tới ngày thử thai, mình gọi cho bác sĩ thực hiện IVF cho mình và bác sĩ nói: "Quá kích là tín hiệu đáng mừng, vì quá kích là 95% có thai. Nếu 1 ngày trước ngày thử thai mà bụng xẹp xuống là không có thai". Ngày 12 mình thử que không thấy gì và mình không thử nữa, nhưng sau 14 ngày thì kết quả mình đã có thai.”

Kinh nghiệm IVF thành công của mẹ hiếm muộn 8 năm - 2

Người vợ trẻ 3 năm chạy chữa tinh trùng yếu cho chồng

Nói thêm về bí quyết thành công ngay sau khi IVF lần đầu tiên, chị T đã không ngần ngại chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm của bản thân, về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân… những ngày sau khi chuyển phôi:

Về chế độ ăn uống của 2 vợ chồng

- Vợ: Cần bồi dưỡng trước, trong và sau chuyển phôi. Các mẹ nên ăn cá chép (2-3 bữa/tuần), ăn nhiều sò huyết (khoảng 300g/ngày), uống nhiều sữa đậu nành 2 lít/ngày, uống nước 3-5 lít/ngày, (các mẹ nhớ bỏ nước vào chai để đong lượng nước mình uống xem có đủ không). Ngoài ra, các mẹ nên ăn nhiều thịt gà, thịt bò, thịt heo, uống nước cam, ăn con hàu, tôm, cua, uống sữa tươi không đường mỗi ngày.

- Chồng:  Chồng nên ăn thịt bò, sò huyết, nấu nước giá uống mỗi ngày (nên tự làm giá để uống). Chồng nên ăn uống nhiều hơn khi gần đến ngày lấy tinh trùng.

Các cặp đôi nên chuẩn bị sức khỏe trước khi làm IVF từ 6 tháng đến 1 năm để có thể lực tốt nhất.

Về vấn đề đi vệ sinh

Các mẹ cần lưu ý tránh 2 vấn đề là táo bón và tiêu chảy. Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau sẽ không táo bón, khi đi tiểu và đại tiện các mẹ không nên rặn. Ngoài ra khi đi tiêu nên ngồi trên cầu cao không nên ngồi xổm. Sau khi đi đại tiện các mẹ nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ rửa sạch để tránh bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, mẹ cũng nên thay quần chip thường xuyên để giữ âm hộ luôn sạch sẽ. Nếu bác sĩ kê thuốc đặt âm hộ thì cần đặt đúng giờ và theo hướng dẫn của bác sĩ.

Về đi lại

Các mẹ lưu ý sau khi chuyển phôi nên đi lại nhẹ nhàng, không đi cầu thang, nếu nhà có bậc thì lên xuống từ từ. Nên đi dép hoặc đi tất để giữ ấm cho đôi chân, tránh bị lạnh tử cung.

Kinh nghiệm IVF thành công của mẹ hiếm muộn 8 năm - 3

Chị T đã thụ thai sau 8 năm chờ đợi. (ảnh minh họa)

Về vấn đề nghỉ ngơi

Sau khi chuyển phôi, các mẹ nằm nghiêng qua bên trái (vì nghiêng sang trái em bé dễ hấp thu dưỡng chất). Khi ngồi dậy nghiêng người qua một bên rồi từ từ ngồi dậy. Từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 các mẹ nên hạn chế đi lại, vì đây là thời gian phôi thai bám vào tử cung.

Kinh nghiệm IVF thành công của mẹ hiếm muộn 8 năm - 4

18 năm chữa vô sinh trong nước mắt của ông bố U50

Vấn đề thường gặp sau chuyển phôi tươi

Nếu chuyển phôi tươi thì các mẹ sẽ dễ gặp hiện tượng quá kích buồng trứng. Khi đó mẹ cần uống nước nhiều sẽ dần đỡ. Nếu mẹ thấy hiện tượng quá kích từ ngày chuyển phôi đến  ngày thử thai thì chắc chắn 95% là có thai. Biểu hiện quá kích buồng trứng là căng tức bụng, buồn nôn, khó thở, đi đại tiện nhiều, đau bụng. Biểu hiện này sẽ đến tuỳ cơ thể mỗi người, có thể là từ sau chuyển phôi, có thể là trước ngay thử thai 1 tuần. Hiện tượng này sẽ hết sau thử thai 2 tuần nếu mẹ có em bé. Các mẹ cần nhớ  hãy uống thật nhiều nước nếu trường hợp bị nặng quá sẽ phải nhập viện truyền nước biển và hút dịch.

Về vấn đề vệ sinh cá nhân

Các mẹ có thể 2 ngày tắm một lần còn mình thì tắm hàng ngày nhưng lưu ý tắm nhẹ nhàng, khi tắm nhớ ngồi ghế cao, tắm nước ấm và tránh múc nước quá nặng.

Ngoài ra, chị T cũng chia sẻ thêm, tỷ lệ thành công khi các mẹ thực hiện IVF phụ thuộc rất lớn và cơ thể phụ nữ. “Nếu bác sĩ đã khuyên chúng ta nên IVF thì các mẹ hãy dành tiền hoặc vay mượn đi làm sớm vì tuổi của người phụ nữ quyết định rất lớn đến khả năng thụ thai. Như trường hợp của mình cũng hơi lớn tuổi (31 tuổi) nhưng may mắn thành công đã đến. Càng ít tuổi thì tỷ lệ thành công càng cao nên các mẹ cố gắng đi làm càng sớm càng tốt. Hy vọng các mẹ hiếm muộn sẽ sớm có tin vui!”, chị T nói thêm. 

Nguyệt Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Hạnh, 32 tuổi, chưa có ý định kết hôn song lo khi gặp được ý trung nhân thì đã quá tuổi sinh con, quyết định đến bệnh viện trữ đông trứng.

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu