Mẹ Nhật Nam chia sẻ 10 ‘câu thần chú’ nên nói với con

Ngày 21/01/2016 11:17 AM (GMT+7)

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam đã có những chia sẻ cực kì bổ ích về cách bố mẹ nên giao tiếp với con hàng ngày.

Mới đây, một bài viết của chị Phan Hồ Điệp – mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam đã khiến hàng ngàn vị phụ huynh tâm đắc bởi thực trạng xã hội mà bài viết nêu ra cùng những kinh nghiệm hữu ích của bà mẹ đặc biệt này trong cách dạy con.

Cụ thể, chị Hồ Điệp đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng giao tiếp giữa con cái và bố mẹ hiện nay, khi sự giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh chỉ đơn giản và lạnh lùng qua sổ liên lạc điện tử. Trẻ em sợ đến trường, sợ việc học cũng chỉ vì những tin nhắn gửi từ nhà trường đến phụ huynh: hôm nay con thiếu bài, hôm nay con điểm kém,... Trong khi đó, chưa có ai thông báo với bố mẹ về việc hôm nay ở trường con đã chơi vui như thế nào, đã có cố gắng gì so với chính bản thân con, nguyên nhân vì sao con thiếu bài, con điểm kém,...

Mẹ Nhật Nam chia sẻ 10 ‘câu thần chú’ nên nói với con - 1

Thần đồng Đỗ Nhật Nam trẻ lời phỏng vấn của báo nước ngoài. (Ảnh FB nhân vật)

Và theo chị Điệp, trước khi nhờ đến những cách “liên lạc” điện tử, mỗi cha mẹ hãy cố gắng để hiểu và khích lệ con, để con và bố mẹ có tiếng nói chung, để con không tự khép mình trong vỏ bọc lo lắng và sợ hãi.

Bà mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ 10 câu nói nên thực hiện thường xuyên với con dưới đây:

1. Khi khuyến khích con thực hiện những công việc mà con chưa thực sự thích, mình hay dùng mẫu câu: Nếu... thì

Nếu em làm giúp mẹ việc nhà thì mẹ sẽ rất vui.

2. Tích cực hỏi ý kiến con và cho con lựa chọn: Dùng mẫu câu: “giữa”... “chọn”.

Giữa cái áo màu xanh và cái áo màu vàng, em chọn cái nào.

3. Khi đề nghị con làm việc gì đó thuộc về quy ước giữa hai mẹ con từ trước, mình hay dùng “muốn” thay cho “phải”, “cần”. Cố gắng nói đơn giản, ngắn gọn.

Mẹ muốn em thu dọn đồ chơi.

Ngược lại mình cũng thường hỏi con: Con có muốn mẹ....

4. Tích cực dùng các cụm từ biểu đạt cảm xúc: Mẹ rất vui; Mẹ tự hào; Mẹ thật hạnh phúc; Mẹ thấy hài lòng...

5. Khi ở cạnh con, đi chơi cùng con, thường xuyên dùng các cụm từ khuyến khích con nói: Hãy kể; hãy miêu tả; hãy tường thuật lại; hãy cho mẹ biết; hãy giúp mẹ hiểu; hãy tìm thông tin giúp mẹ; hãy đặt những câu hỏi cho mẹ nếu con muốn biết...

6. Khi muốn con dừng lại một công việc gì đó mà con đang thích để chuyển sang công việc khác, mình thường cùng con xem xét, đánh giá một chút về công việc con đang làm rồi mới nêu đề nghị của mình: “Còn bây giờ thì...”.

Ví dụ con xem thích xem ti vi, mình muốn con tắt. Mình sẽ ngồi xem khoảng ba phút, hỏi: Con đang xem gì? Con thích vì sao? Sau đó mẹ sẽ nói: Ừ, mẹ thấy cũng hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc tắt. Còn bây giờ thì con đi học bài đi nhé!

7. Khi con mắc lỗi, nhìn thẳng vào mắt con, nghiêm nghị nói: “ Mẹ không vui; Mẹ không hài lòng /nhưng mẹ tin...”

8. Luôn dành một khoảng thời gian cho con kể chuyện trường lớp và bắt đầu: “Hôm nay có gì vui?.... Mẹ sẵn sàng lắng nghe.... Mẹ rất muốn biết... Mẹ rất thích được tìm hiểu... Mẹ muốn được “đi học” cùng em...”

9. Trẻ con cũng có những nỗi buồn của chúng. Hãy bên cạnh và an ủi: Mẹ thực sự lấy làm tiếc... Mẹ rất hiểu... Mẹ rất chia sẻ... Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi... Mẹ “cá” là em sẽ biết cách giải quyết...

10. Hãy trao thêm “quyền lực” cho con bằng việc hỏi ý kiến: Con thấy thế nào?/ Con có ý tưởng gì không?/ Con có cách giải quyết nào không...?

Đây chỉ là một vài gợi ý dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Trong thực tế, việc giao tiếp với con sẽ diễn ra theo “muôn hình vạn trạng”, khi nào bố mẹ tin rằng, mình thực sự vì hạnh phúc của con, vì sự tự tin của con, vì tôn trọng con thì chắc chắn sẽ tìm được cách thích hợp nhất.

Mình tin tưởng!

Gia Thành
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đỗ Nhật Nam