Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng 'hỏng'

Ngày 22/07/2014 16:12 PM (GMT+7)

Dạy trẻ tự kỷ cần hết sức kiên nhẫn và đặc biệt là dành nhiều tình yêu thương cho các con.

Xót xa giáo viên dạy trẻ tự kỷ bằng roi sắt

Theo bác sĩ CK II Tâm thần, thầy thuốc ưu tú Đỗ Thúy Lan (GĐ Trung tâm Sao Mai), trẻ tự kỉ cần được dành nhiều thời gian chăm sóc hơn so với trẻ bình thường. Đặc biệt, các bé cần được đối xử một cách nhẹ nhàng, yêu thương. Những hành động bạo hành (đánh mắng, quát tháo) trẻ lâu dài sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển cũng như giảm thiểu sự can thiệp vào các khiếm khuyết của trẻ tự kỉ.

Ngoài ra, việc bạo hành trẻ còn ảnh hưởng tiêu cực tới tâm sinh lý, các kĩ năng xã hội của trẻ không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả về sau này. Vì vậy, những hành vi đánh mắng, hành hạ trẻ thực sự đáng lên án.

Dạy trẻ tự kỉ - cần có phương pháp khoa học

Cũng theo bác sĩ Đỗ Thu Lan, việc dạy dỗ một đứa trẻ tự kỉ không thể tránh khỏi những lúc bực mình. Vì trẻ bình thường dạy đã khó, trẻ khuyết tật về trí tuệ còn khó gấp nhiều lần bởi các bé không hiểu được những gì người khác nói. Tuy vậy, đối với thầy cô, cha mẹ hay bất cứ ai, cần hết sức kiên nhẫn, kiềm chế bởi sự nóng giận hoàn toàn không có tác dụng tích cực nào đối với các con. Bác sĩ Lan cho biết, cần có những phương pháp hết sức khoa học để làm thế nào giúp trẻ hiểu được thế nào là đúng, thế nào là sai, cái gì làm được, cái gì không làm được,…

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 1
Bác sĩ CK II Tâm thần, thầy thuốc ưu tú Đỗ Thuý Lan (GĐ Trung tâm Sao Mai)

Bản thân trẻ khuyết tật đã rất thiệt thòi, vì thế, quan trọng nhất là cần dành cho các con nhiều tình cảm. Bất cứ phương pháp giáo dục trẻ tự kỉ nào cũng cần dựa trên nền tảng là cái tâm. Nếu không có nhiều hơn 1 tấm lòng với bé, sẽ không thể dạy dỗ các con tốt nhất.

Bác sĩ Lan cũng cho biết các bậc phụ huynh cũng cần có sự lựa chọn giáo viên trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc trẻ tự kỉ, bởi "ngoài những kĩ năng, phương pháp khoa học, bài bản cần được đào tạo, quan trọng nhất vẫn là cần một trái tim biết yêu thương trẻ, tận tâm với trẻ và luôn luôn biết cách kiềm chế sự nóng giận, bực bội".

Cần kết hợp giữa gia đình và nhà trường

Cô Đỗ Thanh Huế, một giáo viên dạy trẻ tự kỉ cho biết: "Để giáo dục trẻ tự kỉ một cách hiệu quả nhất, bố mẹ nên tìm hiểu về các phương pháp giáo dục và phối hợp với nhà trường để dạy dỗ con. Tùy vào mức độ nhận thức của từng bé, cha mẹ cần từng bước một hướng dẫn trẻ một cách từ từ. Với các bé có thể giao tiếp bằng lời nói thì nên dạy con từ ít tới nhiều. Chẳng hạn, khi con muốn uống nước thì dạy bé nói “nước” trước, sau đó thì tăng số từ lên thành “uống nước” rồi đến “con uống nước”,… Còn với những bé chưa thể nói được thì bố mẹ cần một bộ hình ảnh về những hoạt động hàng ngày của con – giống như ở lớp – để khi muốn uống nước, con sẽ lấy bức hình đó ra và đưa cho bố mẹ".

Còn theo chị Nguyễn Thị Thu Ngân – Trưởng phòng Giáo vụ và quản lý chương trình dạy trẻ tự kỷ chia sẻ: “Trẻ tự kỉ hoàn toàn có thể học được – tuy chậm hơn trẻ bình thường – và phát triển các kĩ năng như bình thường. Với các bé được can thiệp sớm thì khả năng hòa nhập với xã hội là rất cao. Tại Trung tâm, các bé được can thiệp vào rất nhiều khía cạnh để phát huy, khơi dậy những kĩ năng về vận động, về giao tiếp, nhận thức,… Có những bé chỉ sau 1 năm đào tạo là có thể “ra trường” với sự hòa nhập như một trẻ bình thường”.

Cùng xem hình ảnh về hoạt động của các bé tự kỉ tại trung tâm Sao Mai

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 2
Bé Tấn Phong (4 tuổi) đang theo học tại trung tâm. Lúc vào thì bé nhút nhát và khó gần, không cho người khác chạm vào người. Sau 2 tháng, bé đã bạo dạn hơn, cô đã có thể cầm tay bé để hướng dẫn các hoạt động trong lớp

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 3
Thông thường khi mới vào học, các bé sẽ được dạy 1 cô - 1 trò, từ tháng thứ 2 trở đi là mỗi lớp sẽ có 15 bé do 3 cô phụ trách.

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 4
Nét đáng yêu của bé Quỳnh Anh (3 tuổi). Sau 2 tháng, Quỳnh Anh đã có tiến bộ rất rõ rệt: Khi mới vào thì khóc lóc, nằm ra sàn và không chịu ăn uống. Nhưng hiện tại bé đã bạo dạn hơn rất nhiều, vui chơi rất vui vẻ với các bạn và không khóc nhè nữa. Đặc biệt là bé đã ăn cơm một cách rất tự giác

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 5
Cô Đỗ Thanh Huế các cùng các bé trong giờ chơi tự do ở lớp

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 6
Cô giáo ở đây cho biết, thông thường tháng đầu các bé còn quấy khóc nên được 1 cô phụ trách  với mức học phí là 4triệu/ tháng + 20 nghìn tiền ăn 1 ngày.

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 7
Từ tháng thứ 2 học phí là 3,5 triệu/ tháng

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 8
Trò "chi chi chành chành" giúp các bé phát triển khả năng giao tiếp với mọi người

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 9
Các bé chăm chú xem phim hoạt hình và đợi đến giờ ăn trưa

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 10
Các bé nhỏ tuổi sẽ được ăn cháo thịt, còn bé lớn hơn thì ăn cơm

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 11
Một số bé đã biết tự xúc ăn...

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 12
Bé nào chưa xúc được thì các cô sẽ giúp đỡ.

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 13
Các cô giáo ở trung tâm rất tận tình và kiên nhẫn với các bé.

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 14
Một bạn sinh viên tình nguyện trường KHXH & NV đến giúp các bé ăn trưa

Dạy trẻ tự kỷ, cho roi càng hỏng - 15
Mỗi ngày các bé được ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ, với giá 10 nghìn/bữa ăn.

H.Đ/ Ảnh Như Hoàn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé