Đẻ không đau ngăn ngừa bệnh trầm cảm

Ngày 24/07/2014 09:32 AM (GMT+7)

Phụ nữ đẻ bằng phương pháp gây tê màng cứng có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm 6 tuần sau sinh ít hơn mẹ đẻ thường.

Phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê màng cứng có thể làm giảm nguy cơ mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Đây là kết luận của các nhà nghiêm cứu Trung Quốc được công bố mới đây.

Các nhà nghiên cứu cho hay những người phụ nữ đã được gây tê màng cứng khi chuyển dạ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong 6 tuần sau sinh là 14% trong khi mẹ đẻ thường không dùng thuốc giảm đau là 35%.

Đẻ không đau ngăn ngừa bệnh trầm cảm - 1
Mẹ đẻ bằng phương pháp gây tê màng cứng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. (ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu cũng cho hay gây tê màng cứng là phương pháp duy nhất giúp kiểm soát các cơn đau cho phụ nữ khi sinh nở. Kết quả  nghiên cứu cũng cho biết thêm, tỷ lệ những bà mẹ gây tê màng cứng cho con bú sữa mẹ cao hơn nhiều so với những người đẻ thường. Tỷ lệ này là 70%-50%.

Tiến sĩ Katherine Wisner (Đại học Northwestern tại Mỹ) cho biết: “Gây tê màng cứng giúp mẹ giảm đau rất tốt và ngăn ngừa nguy cơ bị kiệt sức khi sinh. Cho dù mẹ sinh thường hay sinh mổ thì việc kiểm soát cơn đau là rất quan trọng với chị em. Tuy nhiên, không có cách nào có thể giảm đau được hoàn toàn, chúng tôi chỉ có thể giúp sản phụ giảm đau dữ dội mà thôi.”

Bà cũng cho biết thêm việc áp dụng phương pháp đẻ không đau giúp các mẹ thấy việc sinh nở nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Thủ thuật gây tê màng cứng

Màng cứng là lớp màng dày bao bọc các chuỗi dây thần kinh chi phối cảm giác đau ở thắt lưng. Có 2 cách giảm đau bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng: gây tê ngoài màng cứng và gây tê ngoài màng cứng kết hợp với xương sống. Trong đó, gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ ở lưng, sau đó các bác sĩ sẽ chọc 1 ống nhựa nhỏ ngoài sống lưng, dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15 mm, đồng thời bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ nhất (chỉ đủ để phong bế cảm giác đau mà không gây ảnh hưởng đến bé và mẹ). Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong vòng 10 phút và cần thêm 15 phút để thuốc tê có tác dụng. Mỗi liều thuốc tê có thể kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ trước khi cần tiêm thêm liều kế tiếp, hoặc có thể truyền dung dịch thuốc gây tê liên tục và chậm.

Cũng thực hiện tương tự tiến trình giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng, nhưng sau khi cắm mũi tiêm vào xương sống và trước khi để ống nhựa nhỏ vào, chuyên gia gây tê sẽ cắm thêm 1 chiếc kim khác nhỏ hơn bên trong chiếc kim đầu tiên để đâm thủng màng cứng nhằm tiêm 1 lượng nhỏ thuốc gây tê. Sau đó, chiếc kim này được lấy ra và ống nhựa nhỏ được đưa vào khu vực màng cứng như mô tả ở trên. Lợi thế của phương pháp này là giúp giảm đau hiệu quả và nhanh hơn, trong khi đó sản phụ vẫn đi lại được.

Tại thời điểm tiến hành thủ thuật gây tê tại chỗ sản phụ sẽ cảm thấy đau như 1 mũi tiêm thông thường. Khi thuốc bắt đầu được bơm qua ống nhựa, chị em có thể cảm nhận được 1 dòng mát dưới lưng, ít phút sau cảm giác đau sẽ đỡ hoặc mất hẳn. Tùy theo cơ địa mỗi sản phụ mà có một số người sẽ thấy âm ấm ở 2 bàn chân, tê như kiến bò ở 2 bàn chân, hay cảm giác nặng ở chân.

Thái Nam (Theo DailyMail)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác khi mang thai