Những tên tuổi gắn liền với "Cánh đồng hoang"

Ngày 15/02/2014 00:55 AM (GMT+7)

Ngoài kịch bản xuất sắc của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng, "Cánh đồng hoang" trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển nhờ sự góp sức của các nghệ sĩ như Hồng Sến, Lâm Tới, Thúy An...

NSND - Đạo diễn Hồng Sến

Đạo diễn Hồng Sến sinh năm 1933, tại Mộc Hóa, tỉnh Long An, tập kết ra Bắc, là sinh viên lớp quay phim đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim đầu tiên mà ông quay là phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1959. Ông còn tiếp tục quay một số phim khác trước khi trở lại miền Nam Việt Nam vào năm 1964.

Những tên tuổi gắn liền với quot;Cánh đồng hoangquot; - 1

Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng thời còn trẻ cùng với hai cậu con trai (Nguyễn Quang Dũng là em) - tác giả kịch bản của phim.

Sau một số bộ phim phóng sự chiến trường quay chung với nhiều người khác, Hồng Sến chuyển sang làm đạo diễn bộ phim tài liệu đầu tiên Đường ra phía trước (ký tên Hồng Chi) nói về hoạt động của một đoàn dân công vận tải phục vụ chiến trường ở vùng Đồng Tháp Mười. Bộ phim này đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva 1969 và giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1973.

Những tên tuổi gắn liền với quot;Cánh đồng hoangquot; - 2

NSND - Đạo diễn Hồng Sến và con gái - diễn viên Mai Phương.

Sau năm 1975, ông có một khoảng thời gian ngắn thực tập tại Bulgaria và Cộng hòa Dân chủ Đức rồi trở về Việt Nam làm đạo diễn bộ phim truyện đầu tay Mùa gió chướng, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Phim đã được nhận giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 1980. Cũng tại Liên hoan phim này, bộ phim thứ 2 mà Hồng Sến cộng tác với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, kể về cuộc sống gian nan của một cặp vợ chồng cùng đứa con nhỏ ở vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian chiến tranh Việt Nam mang tên Cánh đồng hoang đã nhận giải Bông sen vàng. Năm 1981, Cánh đồng hoang đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva. Theo báo Nhân dân, với hai bộ phim Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang, "Hồng Sến đã trở thành một trong những đạo diễn phim truyện hàng đầu của Việt Nam". Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984 và ông qua đời vì bệnh hiểm nghèo vào năm 1995. Một năm sau, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) năm 1996.NSND - Đạo diễn Hồng Sến là cha của diễn viên Mai Phương (phim Nhiệm vụ hoa hồng), ông ngoại của diễn viên trẻ Yu Dương (phim Lời nguyền huyết ngải, Cô dâu đại chiến 2).

NSND - Diễn viên Lâm Tới (vai Ba Đô)

NSND Lâm Tới tên khai sinh là Lâm Thanh Tòng (sinh năm 1937) quê làng Mỹ Hội, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Năm 1959, Lâm Tới vào học trường Điện ảnh khóa đầu tiên ở Hà Nội. Ra trường, ông về công tác tại xưởng phim truyện Việt Nam, tại đây ông được giao vai Kính trong Hai người lính, phim đã đoạt Quả cầu vàng tại Tiệp Khắc.Ngay sau bộ phim Hai người lính, Lâm Tới có mặt trong hàng loạt những bộ phim cách mạng nổi tiếng thời ấy như: Cánh đồng hoang, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Nguyễn Văn Trỗi… Tài năng của Lâm Tới được ghi nhận qua cách diễn chân thật, đời thường, giản dị của ông. Lâm Tới hóa thân trọn vẹn tới mức, mỗi nhân vật của ông đều để lại dấu ấn với điện ảnh, dù là chính diện hay phản diện.

Những tên tuổi gắn liền với quot;Cánh đồng hoangquot; - 3

Hình ảnh Ba Đô của NSND - Diễn viên Lâm Tới.

Với vai diễn Tám Quyện trong Mùa gió chướng, và vai Ba Đô trong phim Cánh đồng hoang, Lâm Tới được trao tặng Bông Sen Vàng ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 5 (1980).

Bộ phim cuối cùng Lâm Tới tham gia là bộ phim truyền hình Đồng tiền xương máu (đạo diễn Đinh Đức Liêm) sản xuất năm 1999. Năm 2000, NDND Lâm Tới đã qua đời do bệnh nặng.

Thúy An (vai Sáu Xoa, vợ Ba Đô)

Sinh ra ở vùng sông nước miền Tây nhưng Thúy An đã sớm lên Sài Gòn mưu sinh và vô tình được đạo diễn Hồng Sến phát hiện, mời tham gia vai Bé Ba trong phim Mùa gió chướng, và sau đó là vai nữ chính Sáu Xoa trong phim Cánh đồng hoang nhờ vẻ đẹp rất đặc trưng của người con gái Nam bộ. Mặc dù "tay ngang" nhưng Thúy An lại có lối diễn xuất chân chất, mộc mạc, đi vào lòng người. Tuy còn rất trẻ và chưa qua trường lớp đào tạo nào, song Thúy An đã hóa thân tuyệt vời với vai một người vợ, một người mẹ trong tác phẩm này.Cánh đồng hoang không chỉ là tác phẩm đưa Thúy An đến với điện ảnh, mà còn kết duyên bà với đạo diễn Hồng Sến. Để đến được với người đạo diễn nổi tiếng này, Thúy An đã phải đối diện với rất nhiều thị phi, bởi khi đó Hồng Sến đã có vợ và 2 con.

Những tên tuổi gắn liền với quot;Cánh đồng hoangquot; - 4

Diễn viên Thúy An đóng vai Sáu Xoa, vợ Ba Đô trong Cánh đồng hoang.

Lập gia đình với NSND - Đạo diễn Hồng Sến, bôn ba khắp đất nước đóng phim, tuổi trẻ của Thúy An dành hết tình yêu cho điện ảnh. Bà kể: "Là diễn viên nổi tiếng, vợ của một đạo diễn lừng danh Việt Nam nhưng tôi phải làm đủ nghề tay trái, từ bỏ mối bút bi đến mở quán ăn để cải thiện thu nhập, lo cho gia đình”.  Năm 1995, sau khi đạo diễn Hồng Sến qua đời, nỗi lo thiếu hụt càng đè nặng trên vai người mẹ trẻ mới ngoài 30. Bà học thêm nghề kim hoàn rồi bôn ba sang tận đất Lào tìm kế sinh nhai. Tình cờ Thúy An gặp người chồng bây giờ rồi kết hôn và chuyển qua Đức sinh sống.

Thúy An cho rằng mình đã quyết định đúng khi chia tay điện ảnh, trở về với cuộc sống đời thường: “Tôi hãnh diện lắm vì được đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Toại nguyện là hai chữ tôi cảm nhận về cái nghề đã mang lại cho tôi nhiều vinh quang. Tôi đã góp chút sức mình vào công việc làm sống lại quá khứ, lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Tuổi trẻ Việt Nam thời đạn bom, khói lửa ai cũng sẽ làm như tôi, như vợ chồng Ba Đô trong Cánh đồng hoang”. Ngoài Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang, tên tuổi của Thúy An còn gắn liền với các bộ phim được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật như Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Mùa nước nổi, Vùng gió xoáy...

Nguyễn Văn Thuận (con trai Ba Đô)

Hình ảnh đứa bé mới mấy tháng tuổi vui đùa bất chấp hiểm nguy giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông, giữa bom đạn, máy bay của kẻ thù trong bộ phim Cánh đồng hoang đã gây được ấn tượng mạnh, đặc biệt là với khán giả quốc tế.Diễn viên nhí ấy tên Nguyễn Văn Thuận, con ông Nguyễn Văn Việt, cháu gọi đạo diễn Hồng Sến là bác ruột, ở tại xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, quê hương của Hồng Sến”. Để làm tăng hoàn cảnh khó khăn và ý chí của vợ chồng Ba Đô, Hồng Sến đã khai thác những tình huống rất “đắt” với đứa bé như cảnh chạy trốn máy bay địch phải cho con vào bao nylon dìm xuống nước, cảnh đứa bé bị rơi xuống dòng nước lũ...

Những tên tuổi gắn liền với quot;Cánh đồng hoangquot; - 5

Nguyễn Văn Thuận 9 tháng tuổi với "mẹ Sáu Xoa" (ảnh trên) và ngoài đời với mẹ ruột hiện nay.

Diễn viên nhí 9 tháng tuổi ngày nào giờ đã là người đàn ông vạm vỡ tuổi ngoài 35. Nguyễn Văn Thuận cho biết, chính anh khi lớn lên xem lại những cảnh phim do mình đóng cũng xúc động và thích thú, anh thầm mơ một ngày nào đó được theo nghề của ông Tư (đạo diễn Hồng Sến). Càng lớn Thuận càng đẹp trai, to lớn, có nụ cười giống hệt Hồng Sến. Và cậu bé đã dấn thân đi theo ông Tư khi vừa tròn 17 tuổi. Về Sài Gòn, anh ở chung nhà gia đình Hồng Sến để nhờ ông Tư giúp thi vào trường điện ảnh. Nhưng Thuận đã không có duyên với điện ảnh, vì ngay sau đó Hồng Sến đổ bệnh và qua đời năm 1995. Hết chỗ nương tựa, Thuận đành trở về quê làm ruộng. Sau đó Thuận cưới vợ, sinh con, gắn bó với nghề nông, ước mơ làm diễn viên điện ảnh chỉ còn là kỷ niệm.

NSƯT - Nhà quay phim Đường Tuấn Ba

Đường Tuấn Ba sinh năm 1927 tại Bình Định, lớn lên ở tỉnh Kum Tum, vừa tròn 15 tuổi, ông xung phong ngay vào bộ đội giải phóng quân. Thấy ông có vẻ hoạt bát, lãnh đạo giao ngay công tác vũ trang tuyên truyền với công việc cụ thể lưu giữ hình thức nổi như: khẩu hiệu, truyền đơn, kịch, lưu động, đặc biệt là phụ trách khâu in litho truyền đơn, nhưng thực chất  tôi vẫn mê được cầm máy chụp hình. Sau 1954 đến 1966, ông hồi cư về sống với gia đình cũng tại Kum Tum, được tuyển vào Ty Thông tin Kum Tum và chọn ngay nghề nhiếp ảnh. Những bức ảnh đầu tiên là chân dung, cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Thượng bằng chiếc máy chụp hình hiệu Roleyflex. 2 năm sau, do vẫn nuôi nguyện vọng được quay những hình ảnh động, Đường Tuấn Ba mạo muội một mình vào Sài Gòn thi tuyển trường Điện ảnh-Truyền hình thuộc Trung tâm Điện ảnh quốc gia Sài Gòn, ngành Quay phim và ra trường với bộ phim tài liệu đầu tay (30 phút, màu , nhựa 35 ly-1969) Người Việt trên sông nước, đề cập tới cuộc sống bồng bềnh của những người dân không bao giờ biết lên bờ cạn. Sau ngày 30/4/1975, ông được nhận ngay vào làm quay phim tại xưởng phim Tổng hợp thành phố HCM (nay là Hãng phim Giải phóng). Đến năm 1978 và liên tiếp 3 năm sau (1979, 1980, 1981), sau gần 10 năm cầm máy, ông nhận được tới 3 cơ hội “ngàn vàng” là thực hiện các phim Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang và Vùng gió xoáy đều của NSND - Đạo diễn Hồng Sến.

Những tên tuổi gắn liền với quot;Cánh đồng hoangquot; - 6

Tài năng của NSƯT - Nhà quay phim Đường Tuấn Ba đã đưa vào Cánh đồng hoang nhiều hình ảnh đẹp của miền sông nước Đồng Tháp Mười.

Nhớ lại kỷ niệm khi quay Cánh đồng hoang, nhà quay phim Đường Tuấn Ba kể: "Khi quay cảnh cây sào cắm đứng xuống nước, để cùng lúc giữ cho được sinh mạng vợ chồng Ba Đô và đứa con nắm sào ẩn sâu dưới lòng sông tránh máy bay địch ruồng bố, hai tay cầm máy mà lòng tôi như thắt lại trước loạt thao tác rất nhanh của vợ chồng Ba Đô như bồng thằng nhỏ, bỏ vào bao nylon rồi nhấn nhanh xuống nước đến mấy phút đồng hồ. Trong khi đấy động cơ tiếng máy bay ầm ĩ, trộn lẫn những mảng gió bạt mạnh nghiêng ngả liên hồi, từ 3 chiếc cánh quạt của máy bay trực thăng. Tất cả tạo thành bối cảnh đau nhói thuộc hai thái cực đối lập sinh tử ấn tượng. Một bên là tìm diệt, một bên cố lẩn trốn để bảo vệ sự sống. Ống kính của tôi vừa tả thực, nhưng vẫn lồng lộng trào dâng chất trữ tình, hùng tráng trước bối cảnh vô cùng khốc liệt của cuộc chiến".Năm 1991, NSƯT - Nhà quay phim Đường Tuấn nghỉ hưu. Các phim ông đã quay: Năm hiệp sỹ bất đắc dĩ, Con ma nhà họ hứa, Con nước xoáy (tức Mưa trong bình kinh), Chiếc bóng trên đường, Biển động, Đời không trang điểm (trước 1975), Chiếc vòng bạc, Những tháng ngày êm ả, Câu chuyện của Tuấn, Giai điệu xanh, Nơi bình minh chim hót, Vùng gió xoáy, Hòn đất, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Hai chị em, Bão U Minh, Người tìm vàng, Vết thù năm tháng, Ngôi nhà oan khốc, Pháp trường êm ả, Dũng Sài Gòn, Kỳ tích núi Bà Đen, Năm cô gái yêu đời, Tiền tài và nghệ sĩ, Trái tim sỏi đá, Tỷ phú không tiền...

Cánh đồng hoang là một phim nhựa làm về đề tài chiến tranh Việt Nam của Việt Nam.

Không gian đề cập tới trong bộ phim chỉ vỏn vẹn trong chu vi của một cánh đồng hoang, nhưng lại khai thác cả không gian từ dưới nước (phía dưới mặt nước cánh đồng) đến tận trên không (nơi máy bay Mỹ đang quần thảo).

Bộ phim mang tính cô đọng, khái quát cao, tả rõ tội ác của đế quốc Mỹ và lột tả tình cảm gia đình, tình cha con, tình vợ chồng sâu sắc và thắm thiết, nói lên việc mặc dù chiến tranh khốc liệt và sự hiểm nguy hằng ngày rình rập vẫn không thể ngăn nổi sự hồn nhiên, yêu đời trong cuộc sống của người dân thường yêu nước. Xuyên suốt bộ phim là sự giằng co chiến đấu về cả sắc thái tinh thần giữa hai bên, một bên là gia đình đầm ấm của Ba Đô, với cảnh vợ chồng âu yếm nhau và đứa con luôn được cho bú với một bên là cảnh gầm rú và bắn phá khốc liệt của máy bay được trang bị đầy súng đạn. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của nhân dân đất nước Việt Nam nghèo, nhỏ chống lại một thế lực lớn và giàu là đế quốc Mỹ. 

Với hai hình ảnh này, tác giả truyện phim đã chứng minh sinh động một nghịch lý vẫn được xem như là một bản sắc độc đáo và nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là nghịch lý của nhỏ thắng lớn, nghèo thắng giàu, yếu thắng mạnh. Có thể nói bộ phim này là một bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

(Theo Wikipedia)

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Việt Nam