Nỗi day dứt của nữ phạm nhân đẩy gánh nặng lên vai mẹ già 80 tuổi

Ngày 23/02/2017 09:28 AM (GMT+7)

Sợ hãi không phải vì bản án tù dài 20 năm mà Phạm Thị Xuân lo sợ những đứa con dễ trượt ngã trên đường đời khi không có mẹ. Xuân còn dằn vặt bản thân vì đã đẩy gánh nặng lên vai mẹ già gần 80 tuổi.

Ngồi trước mặt PV là nữ phạm nhân Phạm Thị Xuân. Xuân có nước da trắng, khuôn mặt rất đỗi hiền lành cùng giọng nói nhỏ nhẹ. Nữ phạm nhân sinh năm 1970, trú tại khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, hiện đang thụ án tại trại 5 – Yên Định, Bộ Công an vì tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Xuân bị bắt ngày 3/7/2004, trong một chuyên án ma túy của cơ quan điều tra tỉnh Điện Biên. 20 năm mất đi quyền tự do, đến nay Xuân cũng đã chấp hành được quá nửa chặng đường trả giá cho hành vi sai trái của mình.

Nỗi day dứt của nữ phạm nhân đẩy gánh nặng lên vai mẹ già 80 tuổi - 1

Phạm nhân Phạm Thị Xuân trò chuyện với phóng viên.

Không chỉ có mình Xuân thụ án trong trại này mà cả chồng Xuân cũng đang phải chấp hành án chung thân cùng về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Thời điểm vụ án được lực lượng công an triệt phá thành công, hai vợ chồng Xuân đều là những mắt xích trong đường dây ma túy do ông trùm Chu Văn Hiếu (SN 1960, thường trú tại khối 4A, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cầm đầu đình đám một thời.

Cho đến tận bây giờ, khi đã thụ án được hơn 10 năm, thế nhưng trong lòng Xuân không lúc nào thôi giày vò, day dứt khi nghĩ về mẹ già và những đứa con.

Ngày vợ chồng Xuân vướng vào vòng lao lý, hai đứa con của Xuân còn nhỏ dại. Đứa lớn lúc đó mới chỉ 11 tuổi, còn đứa nhỏ thì mới 6 tuổi. Một cảm giác hoang mang tột độ khi nghĩ về hai con giờ sẽ sống ra sao khi thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ cha. Rồi ai sẽ là người chăm lo cho mẹ già từng miếng cơm, chén nước.

Thay vì được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng lúc tuổi xế chiều thì giờ đây chính Xuân đã đẩy gánh nặng gia đình sang cho người mẹ đã gần 80 tuổi trông nom các cháu. Càng nghĩ nhiều đến cảnh mấy bà cháu rau cháo nuôi nhau, con cái thất học, dễ bị sóng gió cuộc đời xô đẩy mà Xuân lại thấy sợ hãi và lo lắng.

Tâm sự về khoảng thời gian những ngày đầu vào trại Xuân cho biết: “Đó là khoảng thời gian mà tôi gặp khủng hoảng nhiều nhất. Có lẽ còn lo sợ hơn cả những ngày mới bị bắt và bị đưa ra xét xử. Lúc vào đây tôi nghĩ rằng cuộc sống thế là chấm hết, thế nên tôi đâm ra chán nản, suy sụp”.

Nắm bắt được tâm lý những phạm nhân mới vào trại nên các cán bộ trại đã thường xuyên thăm hỏi động viên nên dần Xuân đã lấy lại được thăng bằng và cải tạo tốt. Xuân nói: “Nhờ những lời động viên của các cán bộ mà tôi đã nhận ra được sai lầm và yên tâm cải tạo tốt”.

Khi nói chuyện về những đứa con của mình, ánh mắt và khuôn mặt của Xuân thoáng chút vui tươi hơn. Xuân cho biết hai con ở cùng với các bà nhưng khá ngoan ngoãn. Do không có điều kiện nên đứa con trai lớn của Xuân chỉ học hết lớp 11 phải nghỉ học để đi làm nuôi em và bà.

Hiện tại con trai Xuân cũng lấy vợ, Xuân khẽ mỉm cười hạnh phúc: “Tôi đã được làm bà rồi, đó là một niềm động viên, niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà tôi có được trong chốn lao tù”.

Thế nhưng, ánh mắt ấy lại trùng xuống nhanh chóng. “Tôi thương và day dứt vô cùng khi để cho cả hai bà nội, ngoại đều gần 80 tuổi phải còng lưng kiếm tiền nuôi các cháu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên không rõ cuộc sống thế nào. Hơn 6 năm nay tôi cũng chưa được gặp các con vì xa xôi và điều kiện kinh tế eo hẹp quá”, nữ phạm nhân trải lòng.

Cô lại nói tiếp: “Giá như chúng tôi không tham lam những đồng tiền kiếm được từ công việc bất chính thì những người thân của tôi sẽ không phải chịu đau khổ…”. Nói đến đây, nước mắt từ một người phụ nữ lầm lỗi thi nhau tuôn rơi tên khuôn mặt xương xương. Lúc này thốt ra hai từ “giá như” thì cũng chỉ càng thêm tiếc nuối…

Theo Yến Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự